Theo trang web tin tức quân sự Mỹ The Warzone ngày 1/7, hãng General Atomics đã bắt đầu sản xuất nguyên mẫu chiếc máy bay không người lái (UAV) CCA đầu tiên, đánh dấu dự án này đã bước vào giai đoạn quan trọng.
Mike Atwood, phó Chủ tịch phụ trách các dự án máy bay tiên tiến của General Atomics, tiết lộ: Để đẩy nhanh tiến độ phát triển, chiếc máy bay không người lái kiểu mới sẽ sử dụng một số bộ phận của UAV MQ-9 "Reaper" hiện đang có trong biên chế.
Thiết kế CCA của General Atomics chủ yếu dựa trên UAV XQ-67, được công ty phát triển theo chương trình Trạm cảm biến ngoài máy bay ( Off-Board Sensing Station, OBSS) riêng biệt và vẫn rất bí mật của Không quân Mỹ.
Ông Mike Atwood cho biết: “Chúng tôi thực tế đã lấy các linh kiện của máy bay không người lái MQ-9 Reaper từ nhà kho để chế tạo chiếc máy bay đầu tiên trong dự án CCA”. Cách làm này được kỳ vọng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian từ khi ký hợp đồng đến khi giao thành phẩm. Dự kiến nó được hoàn thành trong 24 tháng, thậm chí có thể chỉ trong vòng 1 năm.
Mục đích của Dự án CCA là phát triển loại UAV có tính tự chủ cao, có thể phối hợp chặt chẽ với máy bay chiến đấu có người lái trong tác chiến. Không quân Mỹ có kế hoạch đặt mua 100 chiếc CCA trong giai đoạn đầu, và mục tiêu cuối cùng là triển khai 1.000 chiếc, thậm chí nhiều hơn. Các UAV này chủ yếu sẽ hiệp đồng với loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm và thế hệ thứ sáu trong tương lai để thực hiện các nhiệm vụ không chiến, đặc biệt đóng vai trò then chốt trong tác chiến không đối không.
Ông Atwood nhấn mạnh rằng CCA cần có đầy đủ khả năng cảm nhận hoặc hiểu được ý định của máy bay chiến đấu mà nó phối hợp và trở thành một phần mở rộng hữu cơ của chiếc máy bay chiến đấu, chứ không phải tăng thêm gánh nặng cho phi công.
Ông nói: "Chúng tôi chỉ muốn nó trở thành một cảm biến cho phi công ở khoảng cách 100 km về phía trước, hoặc một vũ khí có tầm bắn gấp đôi". Ý tưởng thiết kế này phản ánh tư duy của quân đội Mỹ về các phương thức không chiến trong tương lai.
Ngoài Công ty General Atomics, công ty kỳ lân công nghệ quốc phòng Anduril Industries của Mỹ cũng tham gia đấu thầu Dự án CCA. Kế hoạch thiết kế của hai công ty có những đặc điểm riêng rẽ và cuối cùng hai đội ngũ thiết kế có thể làm việc cùng nhau như những nhóm bổ sung cho nhau. Các chuyên gia cho rằng Dự án CCA sẽ có tác động mang tính cách mạng đối với Không quân Mỹ và thay đổi hoàn toàn mô thức tác chiến trên không cũng như phương thức mua sắm máy bay trong tương lai.
Tuy nhiên, dự án này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm các vấn đề độ tin cậy của hệ thống tự động lái, kiểm soát giá thành và phối hợp với máy bay chiến đấu có người lái. Lực lượng Không quân Mỹ đang kiểm nghiệm các công nghệ chủ chốt này thông qua nhiều dự án liên quan để đảm bảo rằng CCA có thể phát huy tác dụng quan trọng trong các cuộc đối đầu cường độ cao trong tương lai.
Theo khái niệm, UAV phối hợp trong tương lai sẽ tham gia vào 4 lĩnh vực chính là tấn công chiến thuật (strike), giám sát trên không (surveillance), gây nhiễu tác chiến điện tử (jamming) và làm mồi nhử (decoys).
Các máy bay CCA thế hệ đầu tiên sẽ chủ yếu mang thêm đạn dược cho các máy bay chiến đấu có người lái như F-35, F-22 và máy bay chiến đấu Air Dominance thế hệ tiếp theo sắp ra mắt.
Các phiên bản CCA trong tương lai có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn như tác chiến điện tử, giám sát và không chiến. Tuy nhiên, chức năng chính của chúng sẽ là nâng cao khả năng chiến đấu của các phương tiện có người lái hiện có.
Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết quân đội Mỹ có kế hoạch xây dựng phi đội từ 2030 đến 1.000 chiếc CCA, mỗi chiếc trị giá khoảng 30 triệu USD.
Theo LTN, The Warzone