Chính quyền Đài Loan ngày 2/7 cho biết ngày 1/7 trong một hoạt động diễn tập, tàu tuần tra Kim Giang của Hải quân Đài Loan đã bắn nhầm tên lửa chống hạm siêu âm Hùng Phong-3 vào một chiếc tàu cá, khiến cho thuyền trưởng tàu cá thiệt mạng, còn 3 người khác bị thương, trong đó có một người Philippines và một người Việt Nam.
Hãng tin CNA Đài Loan ngày 1/7 khẳng định, tên lửa Hùng Phong-3 đã được bắn từ eo biển Đài Loan, bay ngoài 40 hải lý, rơi ở vùng biển đông nam của Bành Hồ, không vượt qua “đường trung tuyến” của eo biển Đài Loan.
Sự kiện này diễn ra đúng vào thời điểm chính quyền Trung Quốc đang tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản nước này.
Ngày 1/7, Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung Quốc Trương Chí Quân cho rằng trong khi Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh bảo vệ sự phát triển hòa bình quan hệ hai bờ, bảo vệ hòa bình, ổn định của eo biển Đài Loan dựa trên nền tảng chính trị “Đồng thuận 92”, việc xảy ra sự kiện như vậy (bắn nhầm tên lửa) có ảnh hưởng rất nghiêm trọng, phía Đài Loan cần nói rõ trách nhiệm.
Trang mạng sina ngày 2/7 nhận định, nếu tên lửa Đài Loan vượt qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan thì Quân đội Trung Quốc có khả năng tiến hành đáp trả.
Nhiều người Đài Loan cũng bày tỏ lo ngại khả năng Quân đội Trung Quốc đáp trả nếu tên lửa Đài Loan bắn tới bất cứ khu vực nào của Trung Quốc, bởi vì phía Trung Quốc có thể giải thích đây là hành động “khiêu khích ác ý”.
Khi đó, hai bờ có thể xảy ra sự kiện xung đột quân sự lớn chưa từng xuất hiện trong mấy chục năm qua.
Ông Hồng Tú Trụ, chủ tịch Quốc Dân Đảng – đảng đối lập ở Đài Loan đã tận dụng cơ hội này để lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền mới ở Đài Loan, cho rằng sau khi ông Phùng Thế Khoan lên làm Bộ trưởng Quốc phòng đã xảy ra không ít chuyện lộn xộn, cần phải kiểm tra.
Ngoài phê phán sự kiện bắn nhầm, Quốc Dân Đảng cũng không quên nhắc tới duy trì hòa bình, ổn định hai bờ. Trung ương Quốc Dân Đảng ra tuyên bố yêu cầu nhà cầm quyền Thái Anh Văn nhanh chóng điều tra chân tướng, nhận sai, xin lỗi, trừng phạt, bồi thường.
Quan chức phụ trách tuyên truyền của Quốc Dân Đảng là Chu Chí Vĩ cho rằng việc bắn nhầm tên lửa đã kích thích dây thần kinh nhạy cảm của hai bờ, phải nói rõ chân tướng sự việc, tránh để bên ngoài liên tưởng và phỏng đoán không hay.
Quan chức Quốc Dân Đảng tại Viện Lập pháp Đài Loan (Quốc hội Đài Loan) là Giang Khải Thần cho rằng nếu ông Phùng Thế Khoan không thể đảm nhiệm chức vụ thì nên rút lui. Đồng thời đề nghị chính quyền Đài Loan liên hệ với Trung Quốc, nhanh chóng bày tỏ không có ý đồ thách thức quan hệ hai bờ.
Ông Giang Khải Thần cho rằng tên lửa Hùng Phong-3 có tầm bắn rất xa, sự việc này cần phải xử lý tốt, nếu không Trung Quốc sẽ hiểu nhầm.
Nhà nghiên cứu Vương Kiến Dân từ Viện Nghiên cứu Đài Loan, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ngày 1/7 nhận xét, Quân đội Đài Loan không nên phô trương thanh thế, nhà cầm quyền Đài Loan cũng không nên trông chờ vào việc "cấu kết" với Mỹ, gây phiền phức cho quan hệ hai bờ.
Tên lửa Hùng Phong-3
Hệ thống vũ khí tên lửa Hùng Phong-3 là vũ khí quan trọng bảo vệ biên giới biển của Đài Loan, do Viện Nghiên cứu khoa học Trung Sơn Đài Loan nghiên cứu chế tạo, lần đầu xuất hiện trong lễ duyệt binh vào năm 2007, đánh dấu Hải quân Đài Loan bước vào thời đại tên lửa chống hạm siêu âm.
Căn cứ vào chương trình của Bộ Quốc phòng Đài Loan, Hải quân Đài Loan từ năm 2007 đến năm 2014 nhận được ngân sách 11,893 tỷ Đài tệ mua sắm 120 quả tên lửa Hùng Phong-3.
Tháng 11/2014, Viện Nghiên cứu khoa học Trung Sơn cho biết tên lửa tăng tầm Hùng Phong-3 phiên bản bờ biển và trên tàu chiến đều đã định hình, tầm bắn từ 300 km trở lên, dự tính hoàn thành thử nghiệm trước năm 2017.
Được biết, nhà cầm quyền Đài Loan có kế hoạch bắn thử tên lửa Patriot-3 (PAC-3) ở bãi thử tên lửa Bạch Sa, bang New Mexico, Mỹ, trở thành đồng minh thứ hai của Mỹ (sau Nhật Bản) thử nghiệm tên lửa này ở lãnh thổ Mỹ.
Việc làm này của Đài Loan khiến cho Bắc Kinh không hề dễ dàng thu thập những "thông tin nhạy cảm" từ hệ thống phòng thủ tên lửa này. Hơn nữa, nếu bắn thử loại tên lửa này ở Đài Loan sẽ dễ gây cảm giác cho Bắc Kinh là "mang tính khiêu khích".