Nhà đầu tư “ngoảnh mặt”
Theo tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), phiên đấu giá bán cổ phần của Maritime Bank (do VNPT sở hữu) vào ngày 10/3/2017 sẽ không được tổ chức.
“Đến hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 3/3/2017) không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá”- HNX thông tin.
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Quy chế bán đấu giá cổ phần của Maritime Bank do VNPT sở hữu ban hành kèm quyết định số 92/QĐ-SGDHN ngày 9/2/2017 của HNX, cuộc đấu giá không đủ điều kiện tổ chức. Vì vậy, HNX sẽ không tổ chức phiên đấu giá này vào 10/3/2017.
Như đã đưa tin trước đó, VNPT dự kiến sẽ bán đấu giá 71,5 triệu cổ phiếu, tương đương với 6,09% vốn cổ phần đang nắm giữ tại Maritime Bank với mức giá 11.900 đồng/cổ phần.
Nguyên nhân do đâu?
Trong tài liệu đính kèm phục vụ phiên đấu giá này, NĐT được tiếp cận 4 báo cáo tài chính của Martime Bank, cụ thể: BCTC 2013, BCTC 2014, BCTC 2015 (BC hợp nhất sau kiểm toán) và BCTC Q.3/2016.
Theo BCTC quý 3.2016, tính đến 31/9/2016, Martime Bank có vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng với tổng tài sản khoảng 104.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của nhà băng này đạt 182,2 tỷ đồng. Con số này vào cuối năm 2015 là 116,2 tỷ đồng.
Trong BCTC hợp nhất sau kiểm toán năm 2015 của Maritime Bank, Kiểm toán Ernst & Young (Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam) nhấn mạnh “chúng tôi xin lưu ý đến Thuyết minh số 4.5 - Dự phòng rủi ro tín dụng và Thuyết minh số 4.9 – Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, trong năm 2015, Ngân hàng đã thực hiện giãn trích dự phòng cụ thể đối với một số khoản nợ và trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành theo Công văn số 1172/NHNN-TTGSNH.m ngày 15 tháng 12 năm 2015 của NHNN”.
“ Ý kiến kiểm toán của chúng tôi không liên quan đến vấn đề trong phần này”
Số liệu từ thuyết minh BCTC cho thấy, tính đến 31/12/2015, số nợ xấu mà Maritime Bank bán cho VAMC là 9.982 tỷ đồng, là một trong những NHTMCP tích cực bán nhiều nợ xấu nhất cho VAMC . Riêng trong 2015, nhà băng này đã bán cho VAMC 6.030 tỷ đồng nợ xấu.
Về việc trích lập dự phòng cụ thể cho một số khoản nợ theo Công văn số 1172/NHNN-TTGSNH.m, Thuyết minh BCTC nêu “Trong năm 2015, đối với một số khoản nợ quá hạn, các khoản nợ bán chưa thu tiền và các khoản nợ bán cho VAMC với tổng dư nợ 1.141.464 triệu đồng, Ngân hàng đã thực hiện giãn trích lập dự phòng theo Công văn 1172/NHNN-TTGNH.m ngày 15/12/2015 về việc đề xuất kế hoạch tài chính liên quan đến tái cơ cấu và xử lý nợ xấu”.
Có thể thấy, 2 phương pháp xử lý nợ xấu của Maritime Bank đang áp dụng: Thứ nhất là tự trích lập dự phòng và thứ hai là tích cực bán nợ cho VAMC. Nếu tiếp tục cả 2 phương pháp này, ngân hàng phải chịu áp lực trích lập dự phòng khá lớn, trong khi vẫn không chuyển giao hoàn toàn trách nhiệm nợ xấu đã bán cho VAMC. Trong tương lai, chắc chắn lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến NĐT không “mặn mà” với lần thoái vốn này của VNPT tại Maritime Bank.
Hiện VNPT đang là một trong 2 cổ đông lớn của Maritime Bank với số cổ phần sở hữu tương đương với 6,09%, cổ đông còn lại là Công ty TNHH Phúc Tiến với tỷ lệ nắm giữ 6,52% và các cổ đông khác nắm giữ 87,39%.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, VNPT phải thực hiện thoái vốn ngoài ngành từ năm 2015 nhưng kế hoạch thoái vốn của doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thành. Nên nhớ, đây không phải là lần đầu tiên VNPT thoái vốn bất thành tại MaritimeBank. Tháng 11/2015, VNPT cũng đã công bố việc bán đấu giá hơn 71,5 triệu cổ phần MaritimeBank với giá khởi điểm là 11.700đ/cổ phần. Tuy nhiên, chỉ có 1 NĐT tham gia đăng ký nên buổi đấu giá này không đủ điều kiện tổ chức