Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một đợt giảm sốc trong tháng 5/2022, với chỉ số VN-Index tạm thời xác lập mức thấp nhất tại 1.156,54 điểm trước khi phục hồi lên mức 1.293,68 điểm (giảm 5,4% so với tháng trước và giảm 13,7% kể từ đầu năm).
Bộ phận nghiên cứu của CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến đợt sụt giảm mang tính quy mô toàn cầu này, bao gồm:
(i) gián đoạn chuỗi cung ứng, bị thúc đẩy thêm bởi chính sách hạn chế Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc, chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, cũng như các biện pháp trừng phạt lên Nga;
(ii) Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát;
(iii) rủi ro kinh tế các nền kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao.
Thêm vào đó, việc điều tra các sự việc thao túng thị trường chứng khoán trong nước, thắt chặt điều kiện phát hành trái phiếu cũng đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư trong nước.
Trong tháng 5/2022, các cá nhân trong nước (chiếm 82% tổng giá trị giao dịch) và tổ chức trong nước (chiếm 8% tổng giá trị giao dịch) bán ròng với giá trị lần lượt là 489 tỉ đồng và 2.700 tỉ đồng. Lượng bán ròng này được hấp thụ bởi khối ngoại, với giá trị mua ròng là 3.200 tỉ đồng.
Theo Mirae Asset, các quỹ ETF đã vào ròng 213,5 triệu USD trong tháng 5, lũy kế lên 265,3 triệu USD kể từ đầu năm, chủ yếu đến từ DCVFMVN Diamond và Fubon FTSE Vietnam ETF.
Hiện tại, VN-Index đang giao dịch tại mức P/E 13,9 lần, dưới mức P/E trung bình 10 năm. “Từ góc độ so sánh lịch sử, mức định giá hiện tại của VN-Index vẫn hấp dẫn, là cơ hội để lựa chọn và tích lũy các cổ phiếu với mức định giá chiết khấu của các công ty có nền tảng cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng dài hạn”, báo cáo nêu.
Mức định giá P/E của VN-Index cũng thấp hơn mức P/E của các thị trường khác trong khu vực như Indonesia (16,8 lần), Malaysia (15,8 lần), Thái Lan (18,5 lần), Philippines (19,4 lần).
Đáng chú ý, trong 10 năm qua, VN-Index vẫn luôn giao dịch với mức chiết khấu so với các thị trường khác trong khu vực. Hơn nữa, với triển vọng hồi phục trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp (cả hai đều được dự báo sẽ tốt hơn các thị trường khác), Việt Nam có khả năng duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn.
Trong khi đó, các nỗ lực giúp cải thiện tính minh bạch của thị trường chứng khoán, cũng như đạt các tiêu chuẩn để được nâng hạng lên thị trường mới nổi, là điểm cộng trong việc thu hút dòng vốn ngoại.
Trước áp lực lạm phát gia tăng, Mirae Asset điều chỉnh giảm dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index xuống 17,5%, thấp hơn đáng kể so với mức đồng thuận chung của thị trường theo thống kê Bloomberg là 21%.
Mirae Asset cho rằng VN-Index có thể quay lại vùng 1300 – 1530 điểm trong năm nay, tương ứng vùng định giá P/E dự phóng cuối năm 2022 từ 12,8 – 15,1 lần./.