Chia sẻ trên Talkshow Phố Tài chính, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Smart Invest (Mã CK: AAS) tỏ ra khá lạc quan với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022.
Ông Tuấn cho biết, sau khi thị trường chứng khoán tăng tương đối nóng trong năm 2021, bước sang những phiên giao dịch đầu năm 2022 dòng tiền có yếu tố thận trọng hơn dẫn đến thanh khoản kém hơn, nhưng điều này không có nghĩa dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường.
“Thống kê đến cuối tháng 1/2022, số dư tiền gửi trên tài khoản ở các công ty chứng khoán đạt gần 90.000 tỉ đồng. Điều này chứng tỏ dòng tiền của nhà đầu tư chờ vào thị trường là rất lớn” lãnh đạo AAS nhận xét.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Đạt, Giám đốc điều hành CTCP Chứng khoán AIS (AIS) cho biết, so với bình quân 10 năm trở lại đây, thanh khoản thị trường đang duy trì ở mức quanh 20.000 tỉ đồng, gấp 4-5 lần so với nhiều năm trước. Với mức thanh khoản này, ông Đạt đánh giá thị trường chứng khoán vẫn đang rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Năm ngoái, thanh khoản thị trường có thời điểm tăng lên đáng kể nhờ một lượng tiền không nhỏ từ các doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh được chuyển vào đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế bắt đầu khôi phục trở lại thì dòng tiền của doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.
“Trong ngắn hạn, điều này sẽ ảnh hưởng đến một phần dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán, nhưng trong trung và dài hạn thì dòng tiền đó sẽ giúp doanh nghiệp tái cấu trúc nguồn vốn, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tốt hơn, từ đó tạo ra hàng hóa chất lượng hơn trên thị trường”, ông Đạt nói.
Về vấn đề lạm phát, theo ông Nguyễn Quang Đạt, các nước mới nổi hoặc đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam có mức lạm phát hiện nay chỉ là hơn 1%, mức có thể tiếp tục kích thích thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ngày càng tăng, thể hiện minh chứng rõ nhất trong lĩnh vực chứng khoán.
“Hiện có rất nhiều quỹ đầu tư đến từ các nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản liên tục tăng vốn đầu tư vào các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam và tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho thị trường”, lãnh đạo AIS cho biết.
Cùng quan điểm, ông Trần Minh Tuấn cho rằng, nỗi lo lạm phát của Việt Nam tại thời điểm hiện tại là chưa đủ cơ sở, nếu có phải đến giữa năm 2023 mới đánh giá được các gói kích cầu kinh tế có dẫn đến lạm phát hay không.
Theo ông Tuấn, gói kích thích kinh tế sẽ hỗ trợ giảm lãi suất, như vậy, dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng đi vào thị trường chứng khoán. “Chúng tôi nhìn nhận thị trường chứng khoán năm 2022 có thể tăng trưởng 20%, chỉ số VN-Index có thể lên đến 1.800 điểm với kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc vào giai đoạn cuối quý 2”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đạt kỳ vọng chỉ số VN-Index năm 2022 sẽ duy trì trong khoảng 1.600 – 1.700 điểm và dự kiến có thể hết quý 1, thị trường sẽ có sự khởi sắc nhất định./.