Trong số các ông bầu rời bóng đá, bầu Thắng của Long An là người mà chúng ta tiếc nhất. Là những người tiên khởi của bóng đá chuyên nghiệp và VPF nhưng ông chia tay theo kịch bản không thể buồn hơn.
Thượng đế cũng khóc
Ngồi trên khán đài sân Thống Nhất, mang danh Tổng giám đốc VPF, đơn vị tổ chức giải, ông chỉ còn biết lắc đầu nhìn các cầu thủ Long An chơi trò “đứng hình” cho các cầu thủ chủ nhà TP.HCM muốn làm gì thì làm.
Trước đó, trong khi tranh cãi về tình huống trọng tài Nguyễn Trọng Thư thổi penalty, thủ môn Minh Nhựt chổng mông lại mặc cho đối thủ ghi bàn. Trên ESPN cũng có bài viết về trận đấu thuộc vòng 6 V.League 2017, và gọi đây là “một trong những phản ứng kỳ lạ nhất trên sân cỏ”. Long An giờ chỉ thoi thóp đá cầm chừng ở hạng Nhất, thế thôi.
Những ngày đầu vui vẻ (ảnh CLB HAGL)
|
Năm ngoái đàn em Trần Anh Tú sau khi ôm 2 chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF lại còn định ngồi nốt ghế Phó chủ tịch VFF, bầu Đức phản đối. Ông gây sức ép bằng cách tuyên bố sẽ bỏ giải, đưa HAGL sang nước ngoài thi đấu, có thể là giải Lào, nơi ông đang làm ăn.
Rốt cuộc sếp Tú thấy đây không phải là lời dọa suông nên chủ động “tháo kíp nổ” nhưng rồi :“Sự thật là HAGL cũng không có động lực để đầu tư phấn đấu để đá giành ngôi vô địch. Không có động lực gì cả. Nếu có cầu thủ nào của HAGL được các đội bóng nước ngoài quan tâm là tôi sẽ cho đi. Chỉ đá tàm tạm trong nước cho vui thôi, giữ hạng”.
Nên nhớ, bầu Đức là người không tiếc tiền chiêu mộ một loạt cầu thủ tên tuổi như Kiatisak, Lee Nguyễn, v.v. Chỉ riêng thương vụ Kiatisak đã khiến cả Đông Nam Á phải nhìn về Việt Nam. Nhưng giờ để ông tuyên bố chỉ chơi vui, giữ hạng thôi, thì đây quả là nỗi buồn lớn cho V.League.
Cuộc chơi của những ông chủ
V.League có thời đã là nơi gặp nhau của các ông bầu nhà băng, sắt thép, xi măng cuối tuần. Những doanh nhân có thể tính toán những thương vụ hàng ngàn tỷ đồng lại không thể nào chống lại “những bóng ma trên sân cỏ”, những “tiếng còi lạ” và những “hành động kỳ quặc” của chính quân nhà.
Người từng có thể khóc vì bóng đá, giờ cũng đã nguội lòng (ảnh Tuổi trẻ)
|
Bầu Long và bầu Tuấn của CLB Hòa Phát Hà Nội vẫn nghe được “chiến dịch giải cứu” Hải Phòng được định giá 10 tỷ đồng, 4 trận. Nhưng rồi chẳng thế nào lý giải nổi vì sao trọng tài lại “đè ngửa” đội mình ngay trên sân Lạch Tray cuối mùa bóng 2011.
Bầu Long chính là vị tỷ phú tiền đô đầu tiên của Việt Nam nghỉ chơi với bóng đá, mặc dù ông từng rất đam mê, tâm huyết và làm bóng đá bài bản. Góp mặt từ năm 2003, nhưng sau tròn 8 năm Hòa Phát Hà Nội tuyên bố bỏ bóng đá. Toàn bộ cầu thủ, cơ sở vật chất của đội bóng này được chuyển giao cho Hà Nội ACB. Dị ứng đến mức, sau này nói chuyện với báo chí, ông sẵn sàng tất cả các đề tài, trừ bóng đá nội.
Giai đoạn 2011 - 2014, trong vòng chỉ vỏn vẹn 2 mùa bóng đá có 9 ông bầu lần lượt bỏ bóng đá theo những cách khác nhau. Phải thừa nhận, không ít ông bầu “ôm” đội bóng thực chất chỉ là “cái cầu” để nối với các dự án đất đai, dự án hoàn thành là sếp giơ tay vẫy chào khán giả.
Cũng có những ông bầu, khi làm ăn khó khăn, tiền không sẵn nữa cũng đành nói lời tạm biệt. Vài ba thương hiệu mới, cần đánh bóng, thế là ông bầu ném tiền vào sân cỏ, xong rồi lại lặng lẽ rời cuộc chơi như Hàng Không Việt Nam, Tôn Hoa Sen, Ngân hàng Đông Á, Mitsustar, Sông Đà.
Dấu hiệu dễ thấy nhất là họ chơi bóng không cần sân, không làm đào tạo trẻ, cầu thủ, HLV không có sẵn thì thuê, được năm nào hay năm ấy. Mọi thứ chỉ gói gọn trên chuyến xe bus, để khi cần là đi.
Một thế hệ ông chủ mới xuất hiện (ảnh VPF)
|
Đi tìm nguyên nhân
Vấn đề trọng tài, được coi là nhức nhối nhất của V.League suốt gần 20 năm qua. Nó là nguồn cơn để không biết bao ông chủ chào thua, đến như ông chủ Tôn Hoa sen từng tuyên bố: “Trọng tài nào tôi mua cũng được, nhưng tôi không thèm”.
Bỏ bóng đá rồi nhưng ông Phước Vũ lại đi tài trợ cho VFF nâng cấp trọng tài và giờ vẫn chơi bóng đá, nhưng Giải bóng đá (Futsal) Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Để xoa dịu cơn giận của Hòa Phát, Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi sau này đã để nghị trảm trọng tài Trần Công Trọng nhưng có vẻ như nó chỉ làm cho mọi việc hậu trường kín đáo hơn. Bởi trước đó hàng loạt trọng tài bê bối đã đi tù nhưng giới vua áo đen vẫn thế, một số không thế như Còi vàng Dương Mạnh Hùng đã sớm lìa cuộc chơi.
Thu nhập thực chất của trọng tài Việt Nam không hề thấp, điều đó lý giải vì sao họ sống chết với nghề tuy sức ép không hề nhỏ. Nó không đơn thuần chỉ có tình yêu nghề như thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc đâu đó trên các trang báo.
Gần đây, các trận đấu V.League đã được quay trực tiếp, VPF và Ban trọng tài đã tăng cường thêm trang thiết bị, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kỷ luật nặng trọng tài nhưng vẫn còn những “tiếng còi lạ” trên sân.
Năm 2011, VPF - Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ra đời với mục đích tách bạch khỏi VFF, là nơi các CLB tự mình đảm nhận tổ chức các giải đấu. Nhưng sau khi bầu Kiên vào tù, bầu Thắng rút lui thì phần lớn những người đang ngồi ở VPF đều là “người nhà” VFF.
Bầu Tú - Chủ tịch VPF là ủy viên BCH VFF, có chân trong thường trực VFF. Hai phó chủ tịch VPF cũng thuộc ủy viên BCH VFF, chưa kể số thành viên trong Hội đồng quản trị VPF. VPF rốt cuộc vẫn là “bản sao” của VFF nên mọi việc tiến triển chậm cũng dễ hiểu thôi.
Câu chuyện “5 in 1”
Gần đây lại râm ran chuyện bầu Đức công khai nói về chuyện “1 ông chủ, 5 đội bóng”. Nhìn lại 10 năm qua ở V.League, Bình Dương có 2 lần vô địch, SLNA có 1 lần vô địch, 7 chức vô địch còn lại rơi vào nhóm các đội bóng của “nhân tố bí ẩn”.
Ảnh CafeF
|
Có 2 vấn đề cần nói rõ, thứ nhất là các thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã từng mất cả tháng trời nhưng không mò ra được bằng chứng nên đành chịu. Những việc như Hà Nội cho Quảng Nam mượn Hoàng Vũ Samson thì tại V.League là “chuyện ngày thường sân cỏ”.
Từ việc Bắc Á vốn không mặn mà tái ký với SLNA nhưng đội bóng xứ Nghệ vẫn không tài nào kiếm nhà tài trợ mới cho thấy không dễ có ông bầu sẵn sàng bỏ tiền vào sân cỏ.
Hay như mối tình Asanzo - Quảng Ninh, chưa kịp đơm hoa kết trái đã thấy viễn cảnh đi vào ngõ cụt. Nếu chuyện “1 ông chủ, 5 đội bóng” là có thật và ông chủ này lại rời sân cỏ, không biết V.League sẽ còn mấy đội?
Không giải quyết được gốc rễ vấn đề bóng đá chuyên nghiệp là nguồn kinh phí từ kinh doanh bóng đá phải nuôi sống được CLB thì sẽ còn nhiều hệ lụy xảy ra. Lúc đó, việc các ông bầu đến hay đi, đôi khi chỉ là sự ngẫu hứng.