VietGAP và câu chuyện “thừa giấy vẽ voi”

VietTimes -- VietGAP là mô hình khuyến khích áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng chứng nhận VietGAP lại đang bị hiểu nhầm như… quy chuẩn quốc gia. Việc tổ chức cấp giấy chứng nhận VietGAP lại là dịch vụ, dẫn đến tình trạng mua bán giấy chứng nhận, khiến kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm và người tiêu dùng mất niềm tin.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sản phẩm "nội địa hóa" bị lỗi

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định, cho biết: “khung sườn” để Bộ NN-PTNT xây dựng bộ tiêu chí VietGAP là từ tài liệu tham khảo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) của các nước trong khu vực. Sau đó, Bộ bổ sung thêm hàng loạt tiêu chí để “nội địa hóa” để hình thành bộ tiêu chí GAP "Made in Vietnam".

GAP Việt, vì vậy, có tới 65 tiêu chí, 13 bảng biểu, cùng hệ thống sổ sách ghi chép nhật ký đồng ruộng, sử dụng vật tư nông nghiệp... đầy rối rắm và phức tạp. VietGAP được Bộ NN-PTNT xem như một tiêu chuẩn danh giá, "đóng dấu" cho sản phẩm đảm bảo chất lượng ở tốp cao nhất.

Nhưng vì sự phức tạp và rối rắm ấy, mà ngay cả cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn, được tập huấn cẩn thận về VietGAP, nhưng khi áp dụng cũng lạc vào "mê hồn trận" không sao hiểu hết và làm theo cho chính xác.

VietGAP là mô hình thực hành nông nghiệp tốt theo kiểu của Việt Nam. Mô hình này ra đời từ 3 quyết định của Chính phủ; gồm: Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 về "một số chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè… an toàn đến năm 2015”, Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 về "chính sách hỗ trợ việc áp dụng qui trình thực hành sản xuất tốt trong nông, lâm nghiệp và thủy sản”, và cuối cùng là Quyết định số 62/2012/QĐ/TTg ngày 25/10/2013 về "chính sách phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, cánh đồng mẫu lớn”.

Ban đầu, Bộ NN-PTNT được giao nhiệm vụ xây dựng bộ tiêu chí VietGAP và các chỉ tiêu chính sách, tiêu chí hỗ trợ thực hiện. Tiếp đó, Cục Trồng trọt được Bộ NN-PTNT giao quyền chỉ định các tổ chức chứng nhận cho các mô hình sản xuất VietGAP với mức hỗ trợ kinh phí 50-100% từ nguồn ngân sách nhà nước tại cấp sở, ngành và của các dự án tài trợ nước ngoài.

Thậm chí, chuyên gia nước ngoài, khi thực hiện dự án do “bổn quốc” tài trợ cũng "toát mồ hôi", không biết làm sao cho đúng. Bởi lẽ, GAP nguyên bản của các nước chỉ có 26 điểm kiểm soát và 8 bảng biểu. Trong tình thế ấy, nông dân sẽ không khỏi… ngơ ngác khi áp dụng VietGAP

Khi triển khai VietGAP, Cục Trồng trọt có quyền chỉ định tổ chức cấp chứng nhận theo “cơ chế xã hội hóa” làm dịch vụ, tự tính toán và... thương lượng giá cả với cơ sở sản xuất có nhu cầu thực hiện VietGAP. Đến nay, Cục đã chỉ định 23 tổ chức được được phép cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Tuy vậy, đến nay lại không có một cơ quan hay hiệp hội nghề nghiệp nào có đủ uy tín để thanh, kiểm tra, thẩm định quá trình cấp giấy chứng nhận VietGAP của các tổ chức được chỉ định. Đồng thời, các dự án được hỗ trợ thực hiện VietGAP cũng không được cấp kinh phí cho công tác thanh, kiểm tra.

Vì thực tế này, mà đến nay các tổ chức được chỉ định cấp chứng nhận VietGAP “bỗng dưng” lại được hoạt động trong thế “đá bóng mà không có ai thổi còi”. Các tổ chức này vừa được quyền tự thanh, kiểm tra và thẩm định quá trình sản xuất sản phẩm mà mình sẽ cấp giấy chứng nhận, mà không phải lo tới việc ai sẽ giám sát việc cấp chứng nhận ấy.

Vì sự ưu ái, dễ dãi trong tự cấp giấy và tự kiểm tra, thẩm định như vậy nên các đơn vị được chỉ định “tha hồ bán” giấy chứng nhận VietGAP.

Đã có nhiều đơn vị sản xuất bỏ tiền ra mua giấy chứng nhận VietGAP cho… khỏe và rẻ. Thực tế, giấy chứng nhận VietGAP chỉ dao động từ 2 triệu đồng đến hơn chục triệu đồng/ha, tùy “thương lượng”. Chi phí hỗ trợ từ ngân sách, tài trợ của các tổ chức nước ngoài cho VietGAP rất nhiều, nhiều trường hợp lên đến 100%. Trong phần lớn các sản phẩm VietGAP là từ nguồn hỗ trợ này, nhưng chỉ có số ít áp dụng VietGAP nghiêm túc, còn lại là mua giấy chứng nhận, dẫn đến các đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng mất niềm tin. 

Thực chất, VietGAP chỉ là mô hình khuyến cáo tự nguyện và làm dịch vụ mà không có tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia. Song VietGAP lại được tuyên truyền phổ biến như một chuẩn mực đẳng cấp của quốc gia. Làm cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đặt niềm tin, tạo ra nhu cầu cần phải có "chứng chỉ" VietGAP để hàng hóa vào được các kênh phân phối "chiếu trên" như siêu thị, metro, cửa hàng thực phẩm an toàn và bán được giá cao.

Tuy nhiên, việc thực hiện VietGAP quá phức tạp, kinh phí lại quá cao, ít nhất cũng 30 triệu đồng/ha (ngang bằng hoặc cao hơn số lời lãi của sản phẩm cùng loại trên cùng một đơn vị diện tích của 1 vụ sản xuất) làm đội giá thành, trong khi hiệu lực VietGAP chỉ 1 năm.

Và teo tóp

Theo Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có 29.500 trang trại sản xuất nông sản thực phẩm. Thế nhưng, số thực hiện áp dụng VietGAP lại rất nhỏ. Tính đến hết năm 2015, diện tích Việt GAP trên lĩnh vực trồng trọt của cả nước là 24.000 ha. Trong đó, rau 3.152 ha (758 cơ sở), cây ăn quả 13.776 ha (740 cơ sở), lúa 668 ha (16 cơ sở), cà phê 152 ha (5 cơ sở)...

Nhưng phần lớn diện tích và số trang trại áp dụng VietGAP này được công nhận từ các chương trình, dự án trong, ngoài nước tài trợ kinh phí. Nên khi dự án tài trợ kết thúc, thì diện tích VietGAP cũng... teo tóp trở lại. Đến nay, diện tích VietGAP chỉ 2.000 ha với rau, 7.000 ha với cây ăn quả, 4.000 ha với chè... Đó cũng chỉ là về mặt số học, vì hiện không chưa cơ quan nào làm rõ bao nhiêu diện tích trong số này đã… mua giấy chứng nhận.

Đã thế, dù có "chứng nhận" VietGAP thứ thiệt, thì sản phẩm cũng không dễ chen chân vào kênh phân phối "chiếu trên" như: siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch... Vì về đặc trưng kinh doanh, các kênh bán lẻ nhập hàng mỗi ngày chỉ có một số lượng nhất định, nhưng các cơ sở sản xuất thì lại thu hoạch đồng loạt.  

Và mặt khác, người tiêu dùng và cả nhà phân phối cũng không phân biệt nổi đâu là giá trị của sản phẩm VietGAP, đâu là sản phẩm sản xuất an toàn. Thậm chí, có trường hợp như sản phẩm nấm kim châm của Công ty Nấm Việt khi chào hàng vào siêu thị thì nghi ngờ về nguồn gốc. Vì từ trước đến nay, siêu thị chỉ bán nấm kim châm nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản !

VietGAP, do thế, cứ âm thầm teo tóp trong sự kỳ vọng của chính cơ quan chủ quản đã khai sinh ra mô hình ấy – Bộ NNPTNT. Còn báo cáo của chuyên gia nước ngoài thực hiện VietGAP thì đã kết luận thẳng thắn, rằng mô hình VietGAP tại Việt Nam đã thất bại.

Đề nghị mà các chuyên gia khuyến cáo với phía Việt Nam, là chỉ cần thực hiện VietGAP theo GAP cơ bản của các nước trong khu vực là đã đầy đủ, không cần phải “vẽ” thêm các điều kiện khác. Điều đó giải thích vì sao mà nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát - người ký ban hành quy trình VietGAP – phải chỉ đạo đầy riết róng thế này: “cần ban hành một quy trình VietGAP mới, đơn giản hơn, để thúc đẩy sản xuất an toàn”.