Làn sóng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng đang xuất hiện trên thị trường chứng khoán, mặc cho thời điểm thi hành của Thông tư 36 - thông tư được cho là ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới ngân hàng - đang gần kề. Trong số đó, cổ phiếu Vietcombank (VCB) là nổi bật nhất với mức tăng dẫn đầu làn sóng tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Theo số liệu của StoxPlus, giá cổ phiếu VCB tăng đến 43,97% trong vòng 6 tháng qua, cao nhất trong nhóm ngân hàng (cổ phiếu BID của BIDV tăng 16,41%, CTG của VietinBank tăng 6,16%). Có nhiều lý do tác động đến giá cổ phiếu, nhưng một trong số đó có lẽ là bước đi chiến lược mới của Vietcombank.
Không chỉ thị giá cổ phiếu tăng, 2014 được xem là năm mỹ mãn với Vietcombank cả về kết quả hoạt động kinh doanh. Theo báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2014, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này cao hơn mức mục tiêu do Đại hội cổ đông đặt ra.
Tuy nhiên, Vietcombank cũng đang đối mặt với áp lực từ Thông tư 36 của Nhà nước được ban hành hồi tháng 11 năm ngoái và sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 2 tới này. Thông tư 36 bổ sung những quy định quan trọng về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Trong đó, có quy định mỗi ngân hàng chỉ được phép sở hữu 2 tổ chức tín dụng khác.
Quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ lệ sở hữu giữa các tổ chức tín dụng với nhau. Hiện tại, Vietcombank sở hữu cổ phần tại 5 tổ chức tín dụng với lượng nắm giữ không nhỏ như 9,6% tại Ngân hàng Quân Đội và 8,2% tại Eximbank. Rõ ràng, Vietcombank hiện đang chịu áp lực thoái vốn khá lớn.
Hiện tại, Vietcombank vẫn chưa công bố kế hoạch xử lý cụ thể các khoản đầu tư này. Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông bất thường hồi cuối tháng 12 năm ngoái, Vietcombank bỗng “gây bão” khi lên tiếng về thương vụ sáp nhập giữa Vietcombank với một ngân hàng khác và thị trường đồn đoán rằng ngân hàng đó có thể là Saigonbank. Những đồn đoán đang dần rõ ràng hơn, khi có thông tin về việc 2 ngân hàng này đang tìm hiểu và đi đến thỏa thuận cuối cùng về định giá lại tài sản để ước định mức giá sáp nhập.
“Đối tác đó phải thực sự có lợi mới làm” là quan điểm mà ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, chia sẻ trong kỳ đại hội bất thường vừa qua. Vậy lựa chọn Saigonbank có gì hấp dẫn?
Không những có vốn điều lệ chỉ 3.080 tỉ đồng, Saigonbank cũng có quy mô tín dụng không đáng kể (khoảng 11.000 tỉ đồng), có ít sản phẩm và ít quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, ngân hàng này lại có tỉ lệ nợ xấu thấp. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2014, tỉ lệ nợ xấu của Saigonbank là 2,69%. Dù có tăng so với mức 2,24% vào đầu năm nhưng đây vẫn là một con số thấp đáng kể.
Tình hình kinh doanh của Saigonbank cũng khá ổn định, tuy có dấu hiệu sụt giảm gần đây trong bối cảnh khó khăn chung của ngành ngân hàng. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế giảm 48%. Nếu so với OCB, một ngân hàng cũng nằm trong danh mục đầu tư của Vietcombank thì tốc độ giảm lợi nhuận của Saigonbank nhanh hơn. Nhưng xét về con số tuyệt đối, lợi nhuận của Saigonbank lại cao hơn (203 tỉ đồng so với 134 tỉ đồng của OCB), dù OCB có vốn điều lệ lớn hơn khoảng 160 tỉ đồng và gấp đôi về quy mô tài sản.
Saigonbank cũng được đánh giá là khá minh bạch thông tin so với nhiều ngân hàng nhỏ khác, khi luôn công bố đầy đủ các báo cáo thường niên, báo cáo tài chính cập nhật đến quý III/2014.
Hãy quay trở lại với thương vụ sáp nhập, nếu có, giữa Vietcombank với Saigonbank. Một điểm chung giữa 2 ngân hàng này là đều thuộc sự chi phối của Nhà nước. Nếu như Vietcombank có tỉ lệ sở hữu nhà nước là trên 77% thì Saigonbank có nhóm cổ đông Nhà nước và Đoàn thể chiếm tỉ lệ sở hữu 54,78%.
Thương vụ này nếu thành công là một điểm nhấn mới cho hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng, vì đây là thương vụ đầu tiên mà một ngân hàng lớn thuộc nhóm Nhà nước đi mua lại một ngân hàng nhỏ không thuộc dạng cần phải cứu trợ.
Hiện nay, chủ trương của cơ quan quản lý là giảm số lượng ngân hàng trong hệ thống và giảm tỉ lệ sở hữu giữa các ngân hàng với nhau. Thương vụ lần này không những giúp cho Vietcombank mà còn cả ngân hàng thương mại chi phối bởi Nhà nước khác là VietinBank giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng mà mình sở hữu (hiện VietinBank sở hữu 10,39% Saigonbank, theo báo cáo thường niên 2013 của ngân hàng này).
Nhìn chung, chuyện Saigonbank sáp nhập vào Vietcombank, nếu xảy ra, chỉ là thương vụ xử lý đầu tiên vì còn nhiều khoản đầu tư nữa mà Vietcombank cần giải quyết. Trong thời gian tới, theo quy định của Thông tư 36, Vietcombank hoặc sẽ thoái bớt vốn khỏi một số tổ chức tín dụng, hoặc sẽ phải tiến hành sáp nhập với một số tổ chức tín dụng nữa.
Trong Đại hội cổ đông hồi tháng 4.2014, khi trả lời câu hỏi về kế hoạch thoái vốn khỏi các ngân hàng khác, ông Nguyễn Hòa Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cho biết chủ trương là giữ lại các ngân hàng tốt như MB hay Eximbank, nhưng Ngân hàng cũng sẽ tùy cơ ứng biến để rút vốn. Nếu theo hướng này, có vẻ như chỉ còn lại Công ty Tài chính Xi Măng và OCB nằm trong danh sách cần rút vốn của Vietcombank.
Chưa rõ phương thức xử lý nhưng trong bối cảnh này, có thể nói Vietcombank đang dần dọn dẹp tài sản cho các thương vụ sáp nhập. Cũng theo quy định mới của Thông tư 36, các ngân hàng muốn sáp nhập hay hợp nhất buộc phải có tỉ lệ nợ xấu thấp hơn mức 3%. Theo báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2014, tỉ lệ nợ xấu của Vietcombank đã giảm về mức 2,3% từ mức 3,09% hồi giữa năm.
Theo NCĐT
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu