Việt Nam “quét” Biển Đông với UAV và vệ tinh

Việc phát triển một năng lực ISR toàn diện sẽ cho phép Việt Nam tăng cường tiềm lực cho kho vũ khí của mình lên mức tối đa cho mục đích thực hiện các nhiệm vụ ngăn chặn và kiểm soát trên các vùng biển, thực tế là thực hiện chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) của riêng mình ở Biển Đông, The Diplomat nhận định.
Máy bay không người lái tầm xa do Việt Nam chế tạo
Máy bay không người lái tầm xa do Việt Nam chế tạo

Việt Nam làm mới kho vũ khí, tăng năng lực “chống tiếp cận” Biển Đông

Máy bay không người lái

Theo Diplomat, so với vệ tinh, thiết bị bay không người lái (UAV) là lĩnh vực mà Việt Nam được cho là đã đạt được nhiều thành công, một phần không nhỏ bởi sự tiếp cận tương đối dễ dàng với những công nghệ lưỡng dụng thường thấy trong những thiết bị này. UAV đã trở thành một khía cạnh quan trọng trong kế hoạch phát triển năng lực ISR, và cũng rất chính đáng vì máy bay không người lái đã trở thành thứ vũ khí xuất hiện thường trực trong chiến tranh hiện đại. Thực tế là Việt Nam đã bắt đầu phát triển UAV từ khá lâu vào năm 1978 khi Viện Công nghệ không quân triển khai chương trình TL-1. HL-1, UAV quân sự chuyên dụng đầu tiên, được thiết kế dựa trên một nguyên mẫu của Pháp nhưng những hạn chế về tài chính khiến cho HL-1 chỉ mới hoàn thiện được một phần.

Trong những năm gần đây, Hà Nội đã có những bước đi nhằm hồi sinh chương trình UAV của mình. Từ năm 2010, họ đã hợp tác với tập đoàn hàng không vũ trụ Irkut của Nga để phát triển UAV. Hợp tác Nga-Việt về UAV được tăng cường vào tháng 3/2012 với một thỏa thuận mới được ký giữa Hiệp hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam (VASA) và Irkut để phát triển một UAV khối lượng nhỏ hơn 100kg với thời gian bay 16 giờ. Hợp đồng được cho là trị giá 10 triệu USD và bao gồm chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Nhưng cũng rõ ràng rằng Hà Nội đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp công nghệ UAV. Đáng chú ý hơn, vào tháng 12/2012, VASA ký một thỏa thuận UAV với một công ty Thụy Điển, giai đoạn đầu bao gồm sự hỗ trợ từ phía Thụy Điển để bước đầu chế tạo 2 máy bay UAV Magic Eye-1, mỗi chiếc nặng 40kg và có thể ở trên không trong 6 giờ. Các giai đoạn tiếp theo bao gồm hợp tác kỹ thuật trong các thiết bị điện tử tích hợp trong UAV (như cơ chế lái tự động, camera) và hợp tác xuất khẩu.

Diplomat nhận định, Hà Nội dường như đã chọn một chiến lược hai mũi nhọn là cố gắng có được những hệ thống ngoại nhập đồng thời vận hành chúng thông qua chuyển giao công nghệ. Ít nhất năm mẫu UAV đã được thử nghiệm cho đến nay, trang bị các loại thiết bị chuyên dụng đa dạng. Tuy nhiên, không phải mọi nỗ lực đều dẫn đến thành công. Chẳng hạn như, cũng vào tháng 2 năm 2014 hải quân Việt Nam được cho là đã thảo luận với công ty Schiebel của Áo để mua máy bay UAV trực thăng S-100 Camcopter, dường như là được dùng để triển khai trên những tàu hộ tống SIGMA của Hà Lan mà Hà Nội được cho là đã đặt mua trước đó.

Nhưng thương vụ tàu hộ tống dường như đã gặp trục trặc, dù thật ra không có gì khó hiểu nếu chiếc UAV tương tự sẽ cất cánh từ các loại tàu chiến khác nếu Việt Nam kiên trì trong vụ mua bán này. Không nản lòng, Hà Nội vẫn kiên trì với chiến lược phát triển UAV hai mũi nhọn này, bắt đầu với các hệ thống chiến thuật được tối ưu hóa cho hoạt động ISR tầm ngắn trên chiến trường.

Chuyến bay thử thành công của chiếc AV.UAV.S2 nguyên mẫu trên bầu trời tỉnh Lâm Đồng thuộc Tây Nguyên vào tháng 5/2013, được đưa tin trên truyền thông quốc gia Việt Nam là đã mở đường cho sự phát triển tiếp theo của chương trình UAV nhằm giải quyết “các nhiệm vụ cấp bách khác”. Sau đó vào tháng 2 năm sau, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã ra mắt chiếc UAV chiến thuật Patrol VT được sản xuất trong nước, trang bị một bộ cảm biến hồng ngoại độ nét cao có khả năng chụp ảnh chất lượng cao trong phạm vi 600m.

Khoảng bảy tháng sau, Việt Nam đưa vào trang bị UAV mini Orbiter-2 từ Israel. Nó ra mắt truyền thông Việt Nam vào tháng 12, yểm trợ cho buổi tập bắn đạn thật của lực lượng pháo binh phòng thủ bờ biển thuộc hải quân, trong đó nổi bật nhất là dàn rocket EXTRA do Israel sản xuất. Hà Nội có thể đã hài lòng với Orbiter-2 và do đó quyết định tiếp tục đặt mua thêm, đồng thời đặt hàng UAV Orbiter-3 lớn hơn có khả năng bay trong 7 giờ.

Nhưng những chiếc UAV chiến thuật như vậy thì có đặc thù khá bất lợi bởi thời gian bay và tải trọng hạn chế. Việt Nam rõ ràng đang tìm kiếm nhiều loại UAV mạnh mẽ hơn. Một cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về phát triển UAV tại Trung tâm khí cụ bay của Viettel tuyên bố vào tháng 6/2013 rằng mục tiêu dài hạn của công ty là phát triển một chiếc UAV có khả năng bay trong 15-24 giờ đồng hồ.

Về phía cạnh này, Việt Nam dường như đã hưởng lợi phần nhiều từ mối quan hệ kỹ thuật quân sự với Belarus, với một thương vụ mua UAV và một hiệp định phát triển chung được ký kết vào tháng 5/2013. Rất có khả năng là HS-6L – một máy bay không người lái tầm bay cao, thời gian bay dài (HALE) được báo cáo vào tháng 12 năm 2015 – đã được phát triển với sự hỗ trợ của Belarus. Có phạm vi hoạt động 4.000km và thời gian bay 35 giờ, chiếc UAV này sẵn sàng thực hiện các chuyến bay thử trên biển Đông trong quý 2 năm 2016.

Một số UAV do Việt Nam tự chế tạo
Một số UAV do Việt Nam tự chế tạo

Theo Diplomat, tuy kém hơn so với Trung Quốc, Việt Nam vẫn kiên trì phát triển một hệ thống UAV có tầm hoạt động bao quát, tối ưu cho những nhiệm vụ chiến lược và chiến thuật quân sự đa dạng. Trong vòng không quá một thập niên, họ đã có những tiến bộ vượt bậc bởi một phần không nhỏ nhờ vào sự tiếp cận với công nghệ nước ngoài. Trong tương lai gần, Hà Nội sẽ có được một mức độ tự chủ nhất định về UAV để hoàn thiện một khía cạnh quan trọng tổng thể năng lực ISR.

Gia tăng sức mạnh

Dù con đường mà Hà Nội chọn trong việc xây dựng khả năng ISR của mình cho đến nay là khá tốt và thực tế, nhưng rõ ràng là vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi một hệ thống ISR đa lớp hoàn thiện được được xây dựng cho hoạt động nhận thức biển (MDA) cũng như năng lực định vị ở Biển Đông. Có sự thiếu hụt lực lượng các thiết bị ISR bay có người lái, và đặc biệt là các loại máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AEW&C) và máy bay tuần tra trên biển.

Một chiếc máy bay AEW&C chủ yếu dành cho việc giám sát trên không và sở hữu chức năng thứ hai là giám sát biển nhưng những loại vũ khí như thế thường rất đắt. Máy bay tuần tra trên biển là sự thay thế tiếp theo, được tối ưu hóa cho nhiệm vụ giám sát trên biển. Hiện tại, các loại máy bay tuần tra và giám sát biển mà Việt Nam đang sở hữu như DHC-6 Guardian-400 của Canada và CASA-212 của Tây Ban Nha gặp bất lợi do các hạn chế về thời gian bay, trọng tải và tầm bay. Chỉ có các loại máy bay tuần thám biển lớn hơn mới có thể thực hiện các nhiệm vụ ISR phức tạp với độ chính xác về thời gian cao hơn, nếu xét tới vùng biển chủ quyền rộng lớn của Việt Nam.

Kể từ khi có tin Hà Nội thể hiện sự “quan tâm sâu sắc” với việc muốn mua các máy bay P-3C Orion từ Mỹ vào tháng 4/2013, vẫn chưa có động thái kế tiếp nào được đưa ra dù rằng Washington đã nới lỏng phần nào cấm vận xuất khẩu vũ khí đối với Việt Nam vào tháng 9/2010 (và đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama). Một chiến lược ít tốn kém hơn có thể là cải tiến máy bay vận chuyển tầm trung C-295 mới để thực hiện nhiệm vụ ISR. Nhưng những máy bay này dự định ban đầu là để thay thế các phi đội máy bay vận tải cánh cố định đã lỗi thời của Liên Xô, do đó không còn chiếc nào còn thừa ra cho quá trình chuyển đổi này.

Trong bất cứ trường hợp nào, việc Việt Nam chuyển trọng tâm từ việc hồi sinh vũ khí động năng trước đây sang hoạt động ISR hiện tại là một sự chuyển biến hợp lý. Đã đầu tư không ít vào máy bay phản lực, tên lửa, tàu chiến và tàu ngầm mới, Hà Nội rõ ràng nhận ra sự cần thiết phải chú ý hơn đến năng lực ISR. Những chương trình cải thiện năng lực ISR sắp tới của Việt Nam hướng đến xây dựng những thiết bị viễn thám từ vũ trụ và thiết bị bay không người lái vốn sẽ giúp củng cố thêm khả năng ISR “truyền thống” của Việt Nam hiện tại trên các loại vũ khí trên không, đất liền, dưới mặt nước và trên bờ biển.

Cuối cùng Diplomat cho rằng, việc phát triển một năng lực ISR toàn diện rốt cuộc sẽ cho phép Việt Nam tăng cường tiềm lực cho kho vũ khí của mình lên mức tối đa cho mục đích thực hiện các nhiệm vụ ngăn chặn và kiểm soát trên các vùng biển, thực tế là thực hiện chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) của riêng mình ở Biển Đông. Suy cho cùng các loại vũ khí mà Hà Nội nắm trong tay vẫn ít hơn về số lượng nếu so với Trung Quốc, như vậy một hệ thống ISR toàn diện sẽ đóng vai trò như một nhân tố quý giá giúp gia tăng sức mạnh.