Để tiến hành chiến dịch này, Mỹ đã đưa 188 máy bay ném bom chiến lược B-52, 48 máy bay ném bom chiến thuật F-111A và hơn 800 máy bay các loại, đó là toàn bộ lực lượng không quân chiến lược, tất cả các không đoàn không quân chiến thuật, không quân hải quân trên tàu sân bay Mỹ tham gia vào một chiến trường giới hạn hẹp – không phận Hà Nội và Hải Phòng.
Chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn chưa từng có này kéo dài 12 ngày đêm. Trong thời gian đó đã tiến hành 33 đòn tiến công đường không quy mô rất lớn: 17 đợt tập kích đường không của máy bay ném bom chiến lược, 18 đợt không kích của không quân chiến thuật và không quân hải quân. Máy bay Mỹ đã tiến hành 2.814 lượt xuất kích, trong đó có 594 đợt xuất kích của B-52, nhưng số liệu giữa lực lượng tình báo Liên Xô và số lượng công bố của Mỹ rất khác nhau.
Tình hình chính trị trong nước và quốc tế đối với Washington tháng 12.1972 thật sự ảm đạm. Tiến trình “Việt Nam hóa chiến tranh” và rút gọn quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam xuống còn 26.000 quân Mỹ thực sự không đưa lại nhiều hy vọng kéo dài cuộc chiến. Những kế hoạch này không nhằm mục đích giành chiến thắng trong chiến tranh mà chỉ đủ để Mỹ có thời gian ra đi trong danh dự. Nhà Trắng chịu sức ép từ các phong trào đấu tranh trên thế giới và trong nước, đòi hỏi phải chấm dứt cuộc xung đột. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, Washington cần một giáng một đòn tấn công dữ dội, gây tổn thất nặng nề và sức huy diệt ghê gớm, gây áp lực lên những quan điểm cứng rắn của Hà Nội trên bàn đàm phán hội nghị Paris.
Phương tiện chính cho chiến dịch gây sức ép lên Miền Bắc Việt Nam là pháo đài bay B-52, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Không quân Mỹ có hai lý do trong yêu cầu sử dụng Stratofortress. Thứ nhất, tháng 12 thời tiết ở Việt Nam rất thuận lợi cho các cuộc không kích quy mô lớn do không có mưa lớn, mây nhẹ, không gây ra ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch cuộc tấn công. Thứ hai, "Stratofortress" là nền tảng của bộ ba phương tiện mang răn đe hạt nhân Mỹ và được coi là một vũ khí rất có giá trị trong việc răn đe các quốc gia khác hậu chiến tranh Việt Nam như Liên Xô và Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, đại diện phe diều hâu của Nhà Trắng cho rằng, các máy bay ném bom có khả năng "gây chấn động và làm suy yếu tinh thần" đối phương. Rất nhanh chóng, Nhà Trắng thống nhất quan điểm B-52 là phương tiện thích hợp nhất để buộc các lãnh đạo Việt Nam nối lại đàm phán tại Paris.
Một điều khá thú vị trong những nhận xét của các chuyên gia cường quốc quân sự. Từ phía Liên Xô: " Phong trào lên án mạnh mẽ chính sách đối ngoại Mỹ trong khu vực Đông Nam Á của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ nhiệt tình về quân sự, kinh tế, ngoại giao và chính trị, sự kiên trì và lòng dũng cảm của nhân dân Việt Nam, giáng trả đích đáng lũ giặc trời đã buộc chính phủ Mỹ phải dừng các hoạt động ném bom Miền Bắc Việt Nam từ ngày 30.12.1972 kề từ phía bắc vĩ tuyến 20”. Các chuyên gia quân sự Mỹ: "Ngay sau khi Hà Nội có tín hiệu muốn nối lại cuộc đàm phán hòa bình," chiến dịch không kích Linebacker-2 " lập tức chấm dứt.
Nhiều quan chức, tướng lĩnh và sĩ quan Mỹ vẫn cho rằng đó là một sai lầm. Họ tin rằng nếu Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn Linebacker -2, miền Bắc Việt Nam có thể sẽ đầu hàng và chấp thất bại quân sự. Thay vào đó Hà Nội đã giành được một thắng lợi chính trị trên bàn đàm phán ở Paris. Phía Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris theo các điều kiện của Việt Nam, thằng lợi chính trị đó chuyền hóa thành cuộc tổng tấn công thống nhất đất nước năm 1975.
Thậm chí một số sĩ quan và tướng lĩnh Mỹ cho rằng, cần phải ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 ngay từ năm 1965, điều đó có thể đảm bảo một chiến thắng của Mỹ ở Đông Nam Á và hơn 58.000 lính Mỹ sẽ không chết ở Việt Nam.
Trước chiến dich Linebacker II, bảo vệ bầu trời Hà Nội là môt sư đoàn phòng không, được biên chế 3 trung đoàn tên lửa và 5 trung đoàn pháo phòng không. Cụm phòng không Hà Nội được chia thành 9 tiểu đoàn phòng không chiến thuật và 15 khẩu đội pháo phòng không. Đây cũng là cụm phòng không chiến dịch mạnh nhất. Hướng phòng không chủ yếu từ hướng Tây Bắc và hướng Tây. Về cơ bản, Hà Nội được bảo vệ từ mọi hướng. Cũng trong thời gian này, Việt Nam đang triển khai các đơn vị tên lửa S-125, những khi bắt đầu chiến dịch, các hoạt động chuẩn bị vẫn chưa được hoàn thành và S-125 không kịp tham gia bảo vệ Hà Nội.
Thành phố Hải Phòng được bảo vệ bởi một sư đoàn phòng không, biên chế 2 trung đoàn tên lửa và một trung đoàn pháo phòng không. Cụm phòng không Hải Phòng có 7 tiểu đoàn tên lửa và 5 khẩu đội pháo phòng không. Hướng phòng thủ chủ yếu là hướng Nam, Đông Nam và hướng Đông, có nghĩa là chủ yếu từ hướng biển.
Bộ tư lệnh quân chủng Phòng không – Không quân trong một khoảng thời gian giới hạn đã không thể đạt được 100% lực lượng và vũ khí trang bị đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tính đến ngày 18.12.1975, chỉ có 66% các tiểu đoàn tên lửa sẵn sàng chiến đấu và 38% số máy bay tiêm kích sẵn sàng chiến đấu. Không quân chỉ chuẩn bị được tất cả 18 phi công có kỹ năng chiến đấu ban đêm, trong đó máy bay MiG-21 có 13 phi công và MiG-17 có 5 phi công.
Tổng quan tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ trên không
Cuối ngày 18.12.1972, tàu sân bay Mỹ "Saratoga" cơ động di chuyển lên phía bắc của Vịnh Bắc Bộ. Hồi 18 giờ 30, đơn vị radar tầm xa trên tuyến biên giới Việt - Lào, phát hiện những chiếc F-111A đầu tiên trên khoảng cách 250 km, ở độ cao 9.000 mét, bay về hướng biên giới Việt Nam. Sau khoảng 15-18 phút phát hiện được nhiều tốp máy bay F-4, đó là một phần những lực lượng không quân Mỹ tham gia đợt không kích quy mô lớn đầu tiên.
Đến 19 giờ 50, tất cả các đơn vị phòng không đồng loạt khai hỏa đánh trả đợt tập kích đường không quy mô lớn đầu tiên của không quân và không quân hải quân Mỹ. Trong đêm đầu tiên, bộ đội tên lửa phóng đạn 35 lần, pháo phòng không các cỡ nòng nổ súng hàng trăm lần, hai lần máy bay tiêm kích trực chiến xuất kích, bắn hạ 7 máy bay Mỹ, trong đó có 3 máy bay B-52 và 1 máy bay F-111A. Bộ đội tên lửa tiêu hao 69 đạn.
Lực lượng tên lửa trước chiến dịch có khoảng 36 tiểu đoàn, được trang bị các tổ hợp SA – 75M Dvina, sử dụng tên lửa V-750М (11D) đài radar trinh sát và dẫn đạn P-12, 9 tiểu đoàn kỹ thuật tên lửa, biên chế cho 9 trung đoàn thuộc 4 sư đoàn phòng không.
Sư đoàn phòng không Hà Nội triển khai lực lượng tên lửa trên các khu vực sân bay Nội Bài, Gia Lâm, Kép, ga xe lửa Đông Anh và Yên Viên, đồng thời bố trí bảo vệ bằng hỏa lửa pháo phòng không trên các tuyến đường giao thông huyết mạch
Các tiểu đoàn tên lửa bảo vệ mục tiêu trong đội hình các cụm phòng không bao gồm có tên lửa và pháo phòng không các cỡ nòng, có trận địa cách các mục tiêu bảo vệ từ 7-15 km. Khoảng cách giữa các trận địa của các cụm phòng không ở Hà Nội là từ 8-18 km, ở Hải Phòng là từ 7-12 km. Các tiểu đoàn tên lửa được lệnh liên tục cơ động trên các trận địa dự bị trong đêm để tránh bị tập kích đường không ban ngày và giảm thiểu thương vong, hỏng hóc trong các trận đánh.
Đến trước ngày 18.12 trong các đơn vị phòng không tại Hà Nội, các tiểu đoàn phòng không sẵn sàng chiến đấu ở Hà Nội đạt khoảng 75%, các tiểu đoàn tên lửa của Hải Phòng đạt 86%, nguyên nhân chủ yếu là một số các đơn vị còn lại chưa đủ thời gian để phục hồi vũ khí trang bị sau những trận chiến đấu bị đánh phá.
Trong suốt chiến dịch Linebacker II, các chuyên gia quân sự Liên Xô thống kê được có hơn 2.800 lượt bay của tất cả các loại máy bay, trong đó ngoài máy bay ném bom В-52, máy bay ném bom chiến thuật của không quân và không quân hải quân còn có 70 lần không kích của máy bay ném bom chiến thuật F-111A và khoảng 150 lượt bay của các máy bay trinh sát SR-71, 147J, RF-4C и RA-5C.
Bộ đội tên lửa trong chiến dich Điện Biên Phủ trên không đã tham gia đánh trả 25 đợt tập kích đường không quy mô lớn, tiến hành 181 lần phóng đạn. kết quả tiêu diệt 54 máy bay, trong đó có 31 В-52, 13 F-4, 10 А-6 và А-7. Các đơn vị tên lửa đã tiến hành 135 lần phóng đạn tấn công mục tiêu B-52 (74% tổng số lần phóng), tiêu hao 244 tên lửa. Hiệu quả tác chiến chống В-52 đạt tỷ lệ 0,23. Bình quân 1 máy bay tiêu hao 7,9 tên lửa.
Bộ đội tên lửa đã tiến hành 46 lần phóng đạn vào mục tiêu các máy bay chiến thuật của không quân và không quân hải quân (26% số lần phóng đạn), tiêu hao 77 tên lửa, bắn rơi 23 máy bay. Hiệu quả tác chiến đạt 0,5 với bình quân cứ 3,3 tên lửa hạ 1 máy bay.
Từ góc độ hiệu quả tác chiến cho thấy, khả năng tiêu diệt các mục tiêu máy bay chiến thuật cao hơn hẳn so với máy bay ném bom chiến lược B-52. Vấn đề này được giải thích do máy bay ném bom chiến lược B-52 có chiến thuật tấn công nghiêm ngặt, khả năng bảo vệ kỹ lưỡng bằng các phương tiện tác chiến điện tử và các cụm máy bay nghi binh, gây nhiễu đánh lạc hướng khác, bản thân máy bay ném bom B-52 cũng có các phương tiện gây nhiễu chủ động, gây nhiễu trên toàn bộ màn hình radar với mật độ dày đặc, kết hợp với tốc độ bay ổn định và đội hình chặt chẽ đã khiến việc nhận biết B-52 trên nền nhiễu đặc biệt khó khăn.
Trong tất cả các trận đánh của bộ đội tên lửa, có hai trận đánh đáng chú ý nhất là trận đánh ngày 19.12 (từ lúc 4 giờ 40 đến 5 giờ 46) và trận đánh ngày 26.12 ( từ lúc 22.15 đến 23.24).
Xem tiếp: Rồng lửa chống Pháo đài bay -- kinh nghiệm từ hai phía Liên Xô - Mỹ