Việt Nam nổi bật trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ

VietTimes  -- Chuyên gia Trung Quốc Lý Xuân Hà nhận định, cùng với việc Mỹ thúc đẩy “xoay trục sang châu Á”, vai trò của Việt Nam nổi bật lên trong mục tiêu bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển của Mỹ trước Trung Quốc, vì thế Việt Nam rất quan trọng đối với Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu cảnh sát biển Việt Nam năm 2015
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu cảnh sát biển Việt Nam năm 2015

(tiếp theo kỳ trước)

Chuyên gia Trung Quốc “định vị” Việt Nam với ván cờ siêu cường

Chiến lược điều chỉnh chính sách của Việt Nam với Mỹ

Trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam đề ra phương châm “khép lại quá khứ, khắc phục chia rẽ, thúc đẩy tương đồng, hướng đến tương lai”, nhấn mạnh tinh thần hợp tác “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”, tăng cường hợp tác trên các phương diện kinh tế, chính trị, quốc phòng, giáo dục, khoa học – kỹ thuật. Tổng kết lại, việc điều chỉnh chính sách của Việt Nam đối với Mỹ tập trung ở ba phương diện:

Theo Lý Xuân Hà, lợi ích kinh tế luôn là động lực thúc đẩy phát triển quan hệ Việt – Mỹ, như nhận định của một số học giả Việt Nam, “thương mại và đầu tư giữa hai bên chính là dầu bôi trơn trong quan hệ Việt – Mỹ”.

Phát triển kinh tế là lợi ích quốc gia quan trọng nhất mà Việt Nam theo đuổi kể từ thời cải cách mở cửa đến nay, Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị Việt Nam năm 2013 nhấn mạnh “hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác để tạo điều kiện cho hội nhập kinh tế”. Đồng thời, kinh tế cũng là công cụ chủ yếu để Mỹ lôi kéo các nước Đông Nam Á nhằm đẩy mạnh “chiến lược tái cân bằng”, nhờ tính bù đắp/bổ khuyết trong quan hệ kinh tế Việt – Mỹ tương đối cao nên hợp tác kinh tế giữa hai nước đã có cơ hội phát triển mạnh.

Năm 1994, tổng thương mại song phương Việt – Mỹ là 400 triệu USD, nhưng năm 2014 lên đến 36,3 tỷ USD, mức tăng trưởng thương mại Việt - Mỹ trong ba năm qua luôn trên 20%, và Việt Nam luôn ở vị trí xuất siêu. Năm 2005, Mỹ trở thành nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, năm 2014 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 30,6 tỷ USD, trở thành nước xuất khẩu sang Mỹ cao nhất trong khối ASEAN, vượt Ấn Độ lọt vào danh sách 10 nước nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. Tháng 7/2013, trong Thông cáo chung Việt – Mỹ đã nhấn mạnh “kinh tế, mậu dịch và hợp tác đầu tư là nền tảng và động lực của quan hệ toàn diện Việt – Mỹ”.

Việc Việt Nam tham gia TPP không chỉ vì nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác Việt – Mỹ. Như phân tích của học giả Việt Nam, vì TPP nằm trong chiến lược tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ để Mỹ đẩy mạnh cạnh tranh với Trung Quốc, việc Mỹ mời Việt Nam tham gia TPP chứng tỏ Việt Nam có vai trò quan trọng đối với Mỹ.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nâng quan hệ Việt-Mỹ lên tầm mức mới
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nâng quan hệ Việt-Mỹ lên tầm mức mới

Tháng 11/2008, Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải đến thăm Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice biểu thị hoan nghênh Việt Nam tham gia đàm phán TPP. Tháng 3/2010, Việt Nam tham gia cuộc đàm phán đầu tiên về TPP. Ông Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, TPP do Mỹ khởi xướng là hiệp định thương mại tự do của thời đại mới, là mô thức mới của thương mại quốc tế trong tương lai. Việc Việt Nam tham gia TPP không chỉ giúp mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư mà còn giúp hoàn thiện nền kinh tế thị trường, giúp Việt Nam vượt qua Trung Quốc trong cải cách mô hình kinh tế, tạo ưu thế cạnh tranh với Trung Quốc, giúp Việt Nam tăng sự độc lập và tự chủ đối với Trung Quốc.

Tháng 2/2016, Việt Nam đã ký kết TPP, đây chính là thành quả phát triển trong quan hệ Việt – Mỹ, giúp tăng sức ảnh hưởng và vị thế của Việt Nam trong khu vực.

Hợp tác an ninh quốc phòng Việt – Mỹ đi vào chiều sâu

Lý Xuân Hà nhận định, hợp tác an ninh – quốc phòng là điểm nhấn quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ. Đặc biệt từ 2012 khi Mỹ đề ra “chiến lược tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” thì hợp tác quân sự Việt – Mỹ đã được tăng tốc. Trong chiến lược “hội nhập quốc tế” của Việt Nam cũng xem “tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh – quốc phòng” là đột phá trọng điểm, cần lấy hợp tác quân sự với Mỹ là điểm nhấn.

Cả hai bên Việt – Mỹ đều xem trọng xây dựng cơ chế hợp tác trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, từ 2008 hai nước xây dựng cơ chế đối thoại an ninh quốc phòng chính trị; năm 2010 hai nước triển khai cơ chế đối thoại cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tức hội nghị đối thoại chính sách quốc phòng. Cùng năm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội, nâng hợp tác quân sự Việt – Mỹ lên cơ chế hợp tác đa phương.

Chuyên gia Trung Quốc lưu ý, những năm gần đây nhiều quan chức cấp cao trong lĩnh vực quốc phòng của Mỹ đã đến thăm Việt Nam để thúc đẩy niềm tin và hiểu biết về nhau, tiêu biểu như Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Bộ trưởng Hải quân, Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Hợp tác an ninh quốc phòng Việt – Mỹ đã đạt được những tiến bộ thực chất, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu. Từ lần đầu tiến hành tập trận hải quân chung năm 2010 đến nay, giao lưu giữa hải quân hai nước được triển khai thường xuyên.

Năm 2011, Việt Nam và Mỹ ký thỏa thuận hợp tác quân y, trở thành thỏa thuận hợp tác quân sự chính thức đầu tiên ký kết kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Năm 2012 khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tới thăm Việt Nam đã thăm vịnh Cam Ranh, nơi từng được Mỹ đặt căn cứ không quân và hải quân, cho thấy Việt Nam hoan nghênh vai trò của Mỹ trong việc giữ gìn an ninh khu vực. Hiện nay, phía Việt Nam đã đồng ý cho tàu chiến Mỹ ghé vịnh Cam Ranh theo định kỳ, cho tàu hải quân Mỹ được phép cập cảng Khánh Hòa để tu sửa. Đặc biệt từ tháng 7/2013, khi Việt – Mỹ xác lập quan hệ “hợp tác toàn diện”, hợp tác an ninh quốc phòng hai nước không ngừng được đẩy mạnh.

Hải quân Mỹ thăm và giao lưu với hải quân Việt Nam tại Đà Nẵng
Hải quân Mỹ thăm và giao lưu với hải quân Việt Nam tại Đà Nẵng
Phái đoàn quân sự Việt Nam sau chuyến bay trên máy bay trinh sát, săn ngầm P-3 Orion
Phái đoàn quân sự Việt Nam sau chuyến bay trên máy bay trinh sát, săn ngầm P-3 Orion

Năm 2014, khi Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Mỹ, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Cùng năm, hai bên đã ký kế hoạch viện trợ trị giá 18 triệu USD cho cảnh sát biển Việt Nam giúp nâng cao khả năng phản ứng thần tốc của lực lượng này để đảm bảo an ninh trên biển. Năm 2015, hai nước đã ký “Tuyên bố Tầm nhìn chung quốc phòng Việt – Mỹ” xây dựng nền tảng hợp tác quốc phòng trong tương lai giữa hai nước. Tháng 5/2016, khi Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam đã tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với Việt Nam, nâng cao năng lực biển của Việt Nam.

Lấy ASEAN làm điểm tựa, hợp tác với Mỹ như “kiềng ba chân”

Theo Lý Xuân Hà, không chỉ đẩy mạnh cơ chế quan hệ song phương Việt – Mỹ, Việt Nam còn có bước đi đột phá dựa vào ASEAN để thúc đẩy cơ chế đa phương với Mỹ trong các diễn đàn quốc tế và khu vực. Như một học giả phương Tây từng nói, chủ nghĩa đa phương (đặc biệt là thành viên ASEAN) là thứ vũ khí lợi hại của Việt Nam. Học giới Việt Nam cũng chỉ ra, biết tận dụng điều kiện môi trường quốc tế thuận lợi, nước nhỏ cũng có thể “chuyển việc nhỏ thành việc lớn”, dùng sức mạnh bên ngoài để đấu tranh với nước lớn bên cạnh (trong phạm vi không để nước lớn bị mất mặt). Với vai trò là thành viên ASEAN, từ Đại hội XI đến nay, Việt Nam đã chú trọng dùng ASEAN làm điểm tựa để đẩy mạnh cơ chế ngoại giao đa phương trên phạm vi quốc tế.

Năm 2007, sau khi thông qua Hiến chương ASEAN, Việt Nam nhận thức rõ ASEAN có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mình, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đã hình thành nhận thức “Đoàn kết ASEAN để Việt Nam mạnh mẽ”. Từ đó Việt Nam đã rất tích cực trong tham gia xây dựng ASEAN, chủ động trong mở rộng quan hệ bạn bè giữa ASEAN và bên ngoài. Một mặt, Việt Nam đề ra nguyên tắc tham gia vào công việc ASEAN “chủ động, tích cực và gánh vác trách nhiệm”, đặc biệt là Việt Nam muốn giữ vị thế hàng đầu trong lĩnh vực an ninh chính trị; mặt khác, Việt Nam đẩy mạnh quan hệ theo chiều sâu với các nước lớn, đặc biệt trong hợp tác an ninh quốc phòng và quan hệ đa phương với Mỹ, muốn làm cầu nối giữa ASEAN và các nước lớn. Các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, rất ủng hộ chính sách này của Việt Nam, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng hệ thống an ninh đa phương và phát huy ưu thế ngoại giao đa phương, chính cơ chế này đã giúp Việt Nam mạnh mẽ hơn rất nhiều trong quan hệ với các nước lớn.

Mỹ luôn ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trong vấn đề an ninh khu vực, nhưng càng ủng hộ Việt Nam hơn đối với việc phát huy vai trò trong khối ASEAN nói riêng, trên quốc tế nói chung. Năm 2009, Mỹ đã ký “Hiệp ước Hữu nghị ASEAN” (TAC), bắt đầu tích cực tham gia vào công việc của ASEAN. Năm 2010, Việt Nam dùng vai trò Chủ tịch ASEAN để kéo Mỹ vào Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM). Việt Nam còn dùng cơ chế đa phương (như diễn đàn ARF) với ASEAN làm nền và tận dụng ủng hộ của Mỹ để đẩy mạnh quốc tế hóa trong vấn đề Biển Đông; năm 2013, tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, Mỹ đã hối thúc ASEAN thống nhất lập trường trong vấn đề khu vực.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ ba vào năm 2015, quan hệ song phương Mỹ - ASEAN được nâng lên thành quan hệ bạn bè chiến lược, theo đó thông qua “kế hoạch hành động 2016 - 2020”, Mỹ đã tăng cường ủng hộ ASEAN, giúp nâng cao năng lực an ninh của ASEAN, đặc biệt là an ninh biển, chống khủng bố, phổ biến hạt nhân, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia.

Mỹ và Việt Nam luôn phối kết hợp chặt chẽ trong những vấn đề mang tính toàn cầu cũng như khu vực. Mỹ ủng hộ Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2017; ủng hộ Việt Nam phát huy vai trò tại Diễn đàn khu vực ASEAN về các vấn đề nóng trong khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), ủng hộ Việt Nam trong vấn đề an ninh nguồn nước vùng sông Mê Kông, hai bên thông qua Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông (LMI); ủng hộ Việt Nam tham gia hành động vì hòa bình Liên Hiệp Quốc. Việt Nam luôn biểu dương Mỹ phát huy vai trò tích cực trong vấn đề an ninh khu vực (đặc biệt vấn đề Biển Đông), đã tích cực tham gia cơ chế đa phương TPP do Mỹ khởi xướng, Sáng kiến An ninh chống Phổ biến vũ khí giết người hàng loạt (Proliferation Security Initiative – PSI). Vào tháng 2/2016, khi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã kiến nghị thành lập trung tâm Mỹ - ASEAN tại Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp ASEAN và giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lý Xuân Hà dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc từng nhận định, hợp tác quan hệ Việt – Mỹ hiện đã diễn ra ở ba cấp độ: song phương, khu vực và toàn cầu, vững chắc như “kiềng ba chân”.

Thách thức và triển vọng quan hệ Việt – Mỹ

Trong tình hình mới, để thực hiện chiến lược “hội nhập quốc tế”, lấy “lợi ích quốc gia – dân tộc” là nguyên tắc cao nhất trong ngoại giao, Việt Nam đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách ngoại giao với Mỹ. Việt Nam xem đây là cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh từng cho rằng, nếu “thế kỷ châu Á” trở thành hiện thực thì quan hệ bạn bè xuyên Thái Bình Dương giữa Mỹ và châu Á, bao gồm quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ, sẽ quyết định phân bổ quyền lực của khu vực sau này.

Sau khi Việt Nam tham gia TPP, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu cho rằng, thế giới đang trải qua làn sóng công nghiệp hóa lần thứ tư, đây là thời kỳ thay đổi nhanh chóng, nếu chúng ta có chiến lược phát triển đúng đắn thì hoàn toàn có thể đuổi kịp những nước có trình độ phát triển cao. Điều này phần nào cho thấy lãnh đạo Việt Nam đặc biệt quan tâm hợp tác với Mỹ để nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam.

Tuy nhiên, tLý Xuân Hà cho rằng, mối quan hệ Việt – Mỹ cũng có những khó khăn và thách thức khó tránh khỏi. Theo đó, cùng với việc quan hệ Việt – Mỹ không ngừng đi vào chiều sâu, Việt Nam phải đối diện thách thức từ “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến” ngày càng lớn. Trong Nghị quyết của Đại hội XI, Đại hội XII, đều nhấn mạnh “diễn biến hòa bình” của “thế lực thù địch”, ngoài ra còn tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vô cùng phức tạp, vấn đề đi chệch hướng mục tiêu chủ nghĩa xã hội đang là nguy cơ trước mắt.

Bài viết nhận định, để cùng Việt Nam tăng cường hợp tác theo chiều sâu, Mỹ cũng đặt những điều kiện trong vấn đề dân chủ và nhân quyền đối với Việt Nam. Trong TPP vừa đạt được, những yêu cầu cao đối với hệ thống công đoàn, doanh nghiệp nhà nước, tự do lập hội… gây áp lực nhất định đối với Việt Nam. Đặc biệt trong thời điểm xã hội chính trị Việt Nam đang trong thời chuyển mô hình, khoảng cách giàu nghèo khá lớn, mâu thuẫn xã hội gay gắt, đang là thách thức lớn đối với Việt Nam. Vì thế, trong tình hình hiện nay, tuy Việt Nam và Mỹ có những điểm chung nhất định trong vấn đề an ninh khu vực, nhưng không thể tránh khỏi mặt chia rẽ trong hệ thống chính trị, giá trị quan, hệ tư tưởng giữa hai nước.

Theo Lý Xuân Hà đánh giá, Việt Nam cũng nhận thức rõ cơ hội và thách thức trong sự phát triển quan hệ Việt – Mỹ. Vì thế, Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị Việt Nam nêu rõ, trong chiến lược tổng thể “hội nhập quốc tế” cần giữ phương châm “vừa đấu tranh vừa hợp tác”, cùng với hợp tác theo chiều sâu cũng cần “chủ động phát hiện và đấu tranh với thế lực thù địch”. Tương tự, trong quan hệ với các nước lớn, Việt Nam giữ nguyên tắc “vừa đấu tranh vừa hợp tác”, trong quan hệ với bất cứ nước nào cũng đều có mặt hợp tác và mặt đấu tranh. Tuy nhiên, tư duy ngoại giao mới của Việt Nam lấy “lợi ích quốc gia – dân tộc” làm nguyên tắc tối cao cho thấy xu hướng phát triển quan hệ bạn bè Việt – Mỹ là không thể đảo ngược.

Chuyên gia Trung Quốc kết luận, cùng với việc Mỹ thúc đẩy “xoay trục sang châu Á”, vai trò của Việt Nam nổi bật lên trong mục tiêu bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển của Mỹ trước Trung Quốc, vì thế Việt Nam rất quan trọng đối với Mỹ. Trong tương lai, quan hệ Việt – Mỹ trong cái khung “quan hệ bạn bè toàn diện” sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là các hình thức hợp tác quân sự - quốc phòng vì vấn đề an ninh khu vực.