"Đây là khu vực truyền thống, chiếm hơn 40% khối lượng xuất khẩu của Rosoboronexport”, ông Goreslavskii cho biết tại triển lãm vũ khí Indo Defence 2016 khai mạc tại Jakarta. Theo ông Goreslavskii, Nga luôn sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng và hợp tác cùng có lợi với các đối tác nước ngoài.
"Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực quan trọng nhất của chúng tôi", trưởng đoàn Rosoboronexport cho biết. Ông nhấn mạnh có hơn 20 triển lãm và hội chợ vũ khí quốc tế diễn ra ở khu vực. Trong số những nước khách hàng hàng đầu mua sản phẩm quân sự Nga có Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc.
Một đại diện Việt Nam dự Diễn đàn quân đội 2016 tại Nga cho biết, xuất phát từ vị trí địa lý nên Việt Nam quan tâm mua tàu biển của Nga, trong đó có tính đến việc chuyển giao công nghệ, tàu tuần tra, tàu ngầm và máy bay chiến đấu. Việt Nam có bờ biển và địa hình đồi núi, đòi hỏi nhiều loại thiết bị khác, như xe tăng chẳng hạn…
Trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật, Việt Nam sẵn sàng phát triển quan hệ đối tác nhằm tăng cường tiềm năng quốc phòng của mình với tất cả các nước. Tuy nhiên, đối tác lâu đời nhất và đáng tin cậy của Việt Nam trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật là Nga, nước kế thừa vị trí của Liên Xô. Theo giới phân tích, vũ khí Nga đã quá quen thuộc với những người lính Việt Nam, độ tin cậy cao, lại có giá rẻ hơn so với vũ khí sản xuất ở các nước khác, và được phía Nga bán cho Việt Nam không kèm theo bất kỳ điều kiện chính trị nào.