Việt Nam là một trong những quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong 3 năm gần đây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việt Nam đứng thứ 6/10 quốc gia có nguy cơ tấn công vào các thiết bị IoT thông qua Telnet, 4/10 quốc gia có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc qua mạng và 1/10 quốc gia bị lây nhiễm mã độc qua thiết bị lưu trữ rời.
Đảm bao an toàn, an ninh mạng là vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số.
Đảm bao an toàn, an ninh mạng là vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số.

Số liệu thống kê từ công ty bảo mật toàn cầu Kaspersky nêu trên được Đại tá Trần Đức Sự - Giám đốc Trung tâm CNTT và Giám sát An ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ - dẫn lại tại Hội thảo triển lãm quốc gia về An ninh bảo mật 2021, do IDG tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Năm 2020, Việt Nam ghi nhận thành tựu chuyển đổi số mạnh mẽ ở các ngành nghề, lĩnh vực trọng yếu như chính phủ điện tử, viễn thông, tài chính ngân hàng… Nhờ đó, Việt Nam được đánh giá là thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu trong chuyển đổi số thời COVID-19. Tuy nhiên, nguy cơ tấn công trên không gian mạng, xâm phạm dữ liệu người dùng cũng vì thế tăng cao và diễn biến phức tạp.

Báo cáo năm 2020 của BKAV cho biết, thiệt hại do virus máy tính gây ra tại Việt Nam đã vượt mốc 1 tỉ USD (23,9 nghìn tỉ đồng) - cao nhất từ trước đến nay. Theo đại diện Kaspersky khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đứng thứ 21 trên thế giới về các vụ tấn công lừa đảo với 673.743 cuộc tấn công được ghi nhận năm 2020.

Chuyên gia an ninh mạng dự báo, tấn công có chủ đích APT nhắm vào hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và chủ quản hệ thống hạ tầng thông tin quan trọng quốc gia tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm nay.

“Giải quyết các thách thức về an ninh mạng đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của các Bộ ngành, địa phương và người dân cũng như sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với khu vực tư nhân” - Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, nhận định.

Chỉ ra nhiều thách thức còn tồn tại trong giai đoạn này, Đại tá Trương Sơn Lâm đưa ra đề xuất về một số phương án có thể triển khai trong thời gian tới.

Đại tá Trương Sơn Lâm - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.

Đại tá Trương Sơn Lâm - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.

Thứ nhất, đại diện Cục An ninh mạng cho rằng cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng phù hợp. Bên cạnh đó, Đại tá Trương Sơn Lâm nhấn mạnh vai trò của hợp tác công tư, đặc biệt là hợp tác với doanh nghiệp sở hữu và vận hành hạ tầng CNTT, cung cấp dịch vụ công, cung cấp nội dung trên internet, nhà nghiên cứu và sản xuất các giải pháp bảo mật. Khi huy động tiềm lực và sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp, hiệu quả sẽ được nâng cao.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực này cần được chú trọng, từ đó hình thành quan điểm, trách nhiệm ứng xử trên không gian mạng của cá nhân, tổ chức. Đây là là tiền đề xây dựng không gian, môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Thứ ba là thúc đẩy hợp tác công tư, nỗ lực phát triển và làm chủ công nghệ thông tin, chống tội phạm công nghệ cao, sớm hình thành nền công nghiệp an ninh mạng. Các cơ quan, tổ chức cần sớm hoạch định chiến lược đào tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo mật dữ liệu để tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các quốc gia, phù hợp với đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.

“Với tinh thần đó, tôi mong các cấp các ngành trong hệ thống chính trị, từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân chủ động tăng cường các biện pháp bảo mật dữ liệu, nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng phù hợp. Từ đó, góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế” – Đại tá Trương Sơn Lâm nêu quan điểm.

Hội thảo lấy chủ đề “Thách thức và giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong giai đoạn chuyển đổi số hậu COVID-19”, tập trung vào cơ chế, chính sách đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của cơ quan quản lý nhà nước, cảnh báo về nguy cơ, thách thức đang đối mặt. Đồng thời, các chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp triển khai, vận hành hệ thống bảo mật dữ liệu trong các lĩnh vực trọng yếu như chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, tài chính ngân hàng, viễn thông…