Việt Nam kêu gọi phi quân sự hóa ở Biển Đông

Phát biểu sau cuộc họp ngoại trưởng các nước ASEAN ngày 27/2, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam "đặc biệt quan ngại" trước hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam kêu gọi phi quân sự hóa ở Biển Đông

“Các bộ trưởng rất quan ngại về những diễn biến hiện nay và gần đây trên Biển Đông”,Reutersdẫn tuyên bố sau cuộc họp thường niên của bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Lào ngày 27/2.

Tuyên bố còn nêu rõ, bồi lấp đất và hành động leo thang trên Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, đồng thời có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Phát biểu sau cuộc họp, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi phi quân sự hóa ở Biển Đông".

Khi phóng viên hỏi về hoạt động quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam "đặc biệt quan ngại trước hành vi của Trung Quốc".

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong cho biết, ASEAN đã nhất trí tìm kiếm một cuộc họp giữa ngoại trưởng Trung Quốc và bộ trưởng 10 nước ASEAN nhằm thảo luận về Biển Đông cùng các vấn đề khác.

Trong chuyến thăm Mỹ tháng 9/2015, lãnh đạo Trung Quốc cam kết không quân sự hóa quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhận thấy ý đồ quân sự của Bắc Kinh khi xây dựng các đường băng và lắp đặt radar tại quần đảo này.

Chỉ trong một tuần trở lại đây, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành vi gây lo ngại nghiêm trọng ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 16/2, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Đến ngày 22/2, CSIS cho biết Trung Quốc đã xây dựng các tháp radar trên 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ngày 23/2, các nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nhận định, việc Trung Quốc một lần nữa điều máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là "xu hướng đáng lo ngại".

"Nó không phù hợp với cam kết của Bắc Kinh nhằm tránh các hành động có thể làm leo thang căng thẳng", ông Harris nói. Lần đầu tiên Trung Quốc đưa J-11 trái phép tới đảo Phú Lâm là tháng 11/2015.

Tại cuộc họp báo ngày 25/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, khẳng định những diễn biến gần đây ở Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy nguyên trạng khu vực đang bị phá vỡ và nghiêm trọng hơn là các hoạt động gia tăng quân sự hóa trên Biển Đông. Ông Bình cho rằng chúng là yếu tố hết sức đáng lo ngại, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Theo Zing