Kế hoạch tiến hành cuộc không kích bằng B-52 "Stratofortress" đánh vào Việt Nam từ căn cứ không quân "Andersen" (đảo Guam, có 99 B-52G và 53 B-52D) và "U-Tapao" (Thái Lan, có 54 B- 52). Thời gian bay từ Guam khoảng 12-14 giờ và cần máy bay tiếp nhiên liệu. Từ Thái Lan thời gian bay là 3-4 giờ.
Tất cả các В-52D đều được lắp đặt thiết bị gây nhiễu chủ động. Nhưng thiết bị gây nhiễu trên В-52G có chất lượng thấp hơn. Theo các chuyên gia Mỹ đây chính là nguyên nhân khiến B-52G dễ bị tiêu diệt hơn.
Trên đường bay tấn công của Linebacker II đã nghiên cứu kỹ đường bay, độ cao, khoảng cách giữa các máy bay và các phi đội sao cho dải nhiễu tạo lên là dày đặc nhất và kéo dài che chắn cho các tốp B-52 tiếp theo. Đồng thời trên quỹ đạo bay thường xuyên cập nhật thông tin về các tổ hợp tên lửa SA-75 và tốc độ. Mệnh lệnh giao cho các cơ trưởng và chỉ huy đơn vị là cấm tuyệt đối không được thay đổi hoặc đi lệch khỏi đường bay không kích.
Trận đánh ngày 19.12.1972
Trong cuộc không kích ngày 19.12.1972 vào thành phố Hà Nội, số lượng máy bay trong đội hình tấn công là 66 chiếc, phi đoàn máy bay chiến lược có 24 chiếc В-52. Mục tiêu tấn công là sân bay Bạch Mai và 3 khu vực dân cư khác, nằm ở phía Tây Bắc và phía Tây cách trung tâm Hà Nội 10-12 km. Cuộc ném bom từ phía Bắc sang phía Tây theo dải kéo 20-25 km. Giãn cách mỗi đợt ném bom là 0,6 máy bay trong một phút.
Tham gia đánh trận này có 9 tiểu đoàn tên lửa. Nhiệm vụ tấn công mục tiêu được giao trực tiếp từ sở chỉ huy trung đoàn, tiếp nhận thông tin từ các đài radar quan sát tầm xa. Mệnh lệnh tác chiến truyền trực tiếp từ cấp sư đoàn. Thời gian cung cấp tọa độ mục tiêu theo giãn cách 10 giây. Ngoài các thông tin tiếp nhận từ các đài radar trinh sát, bộ đội tên lửa còn sử dụng thiết bị quang học để phát hiện mục tiêu.
Trong trận đánh này, các đơn vị tên lửa đã phóng 19 lần, tiêu hao 35 tên lửa và chỉ diệt được 1 máy bay В-52.
Ngày thứ 3 của cuộc tập kích, đây là thời điểm cao trào và rất căng thẳng đối với các kíp trắc thủ tiểu đoàn, các trắc thủ trung sư đoàn. Đây cũng là thời điểm bộc lộ rõ nhất vấn đề thiếu kinh nghiệm tác chiến trong điều kiện đánh trả một cuộc tập kích đường không quy mô lớn trong tình huống rất phức tạp của không gian chiến trường (mật độ nhiễu dày đặc, địch đánh phá các trận địa tên lửa bằng tất cả các biện pháp khác nhau). Những kết quả của hai ngày trước đã khiến các trắc thủ hoặc quá tự tin hoặc thiếu tự tin, xuất hiện lỗi khi theo dõi mục tiêu. Do tâm lý nên lúng túng khi chuyển chế độ thụ động và chủ động của đài radar.
Khoảng 70% lần phóng tên lửa ở khoảng cách từ 32 đến 40 km, khi đeo bám mục tiêu trong điều kiện nhiễu dày đặc gặp khó khăn, gây tâm lý căng thẳng cho kíp trắc thủ và không đảm bảo dẫn đạn chính xác.
Một tình huống khác là do di chuyển trận địa, số lượng tên lửa có trong tiểu đoàn không đủ cơ số. Hầu hết các tiểu đoàn chỉ còn khoảng 7-8 tên lửa, gây khó khăn cho quyết định phóng. Trong 19 lượt phóng tên lửa 3 lần phóng 1 đạn, còn lại là 2 đạn. Tâm lý sợ thiếu đạn cũng gây ảnh hưởng đến kết quả bắn. Ngoài ra còn có lỗi xác định nhầm mục tiêu, đã nhận nhầm một tốp F-4 nghi binh trong dải nhiễu dày đặc là B-52.
Trong trận chiến ngày 19.12.1972, các chuyên gia Mỹ nhận xét: Đường bay của cuộc không kích không thay đổi, độ cao các máy bay khoảng 10 km. Đây là độ cao mà các nhóm máy bay tiêm kích đa năng F-4 cho thể gây nhiễu thụ động che chắn cho B-52 tốt nhất. Giãn cách giữa các tốp máy bay B-52 khoảng 4 phút bay. Các tốp máy bay B-52 và phi đội 3 chiếc được phép bay tản ra để tránh tên lửa và máy bay tiêm kích khi đến sát mục tiêu và sau khi ném bom.
Cũng trong cuộc không kích này, các chuyên gia Mỹ cho rằng đã sử dụng 93 máy bay ném bom В-52, bộ đội tên lửa Việt Nam đã phóng khoảng 180 tên lửa V-750, nhưng không có máy bay nào trúng đạn. Theo các chuyên gia Mỹ, bộ đội tên lửa Việt Nam đã gặp tổn thất năng và tâm lý căng thẳng, phương thức gây nhiễu đã có hiệu quả tốt trong trận không kích này.
Trận đánh ngày 26.12.1972
Trận đánh đạt hiệu quả cao nhất của bộ đội tên lửa Việt Nam trên bầu trời Hà Nội là ngày 26.12.1972 Thời gian không kích vào lúc 22.15 đến 23.24. Tham gia không kích vào thủ đô Hà Nội có 80 máy bay, trong đó có 36 chiếc B-52. Mục tiêu của cuộc không kích nhằm vào sân bay Gia Lâm, ga xe lửa Đông Anh, Yên Viên về phía Tây thành phố Hà Nội và một số khu vực nằm về phía Nam cách trung tâm Hà Nội 8-10 km. Cuộc không kích của máy bay ném bom chiến lược được tiến hành từ 3 hướng: hướng Tây Bắc với dải ném bom kéo dài 10 km, hướng tây - 15 km, hướng đông nam - 10 km. Thời gian toàn bộ cuộc không kích kéo dài 24 phút, mật độ không kích khoảng 1,5 máy bay mỗi phút.
Trong ngày hai tiểu đoàn tên lửa của cụm phòng không Hải Phòng (tiểu đoàn 71 và 72) được điều chuyển lên phòng thủ Hà Nội, đồng thời có 2 tiểu đoàn bị thiệt hại nặng mất khả năng tác chiến. Trong biên chế cụm phòng không Hà Nội có 13 tiểu đoàn tên lửa. Nhờ có sự chuẩn bị đầy đủ đạn, cụm phòng không Hà Nội tiêu diệt 6 máy bay B- 52, các đơn vị tên lửa đã tiến hành 24 lần phóng đạn, tiêu hao 45 tên lửa.
Trong trận đánh này, năng lực tác chiến của các đơn vị tên lửa đạt mức 75%. Hiệu suất bắn trung bình đạt thấp 0,25, mức tiêu hao tên lửa là 7,5 trên 1 máy bay. Hiệu quả tác chiến cao do các kíp trắc thủ từ cấp chỉ huy đến cấp tiểu đoàn tên lửa đã nhuần nhuyễn kỹ năng tác chiến, thành thục trong khai thác sử dụng tên lửa đồng thời kinh nghiệm cũng như độ ổn định tâm lý chiến đấu đạt ở cấp độ cao.
Các kíp trắc thủ cấp chỉ huy trung đoàn và cấp tiểu đoàn hành động tự tin, chắc chắn, chiến thuật lựa chọn mục tiêu thông minh sáng tạo và đặc biệt là sử dụng nhuần nhuyễn các chế độ hoạt động của radar. Phóng tên lửa trên khoảng cách hợp lý 25 – 35 km, trong 5 lần phóng đạn diệt mục tiêu, khoảng cách bắn là 28-32 km.
Nhưng vẫn còn các lỗi kỹ thuật. 2 lần máy bay B-52 do cơ động tương đối đặc biệt đã bị xác nhận nhầm là tốp F-4 do đó không bắn. Trong 24 lần phóng đạn có 4 lần phóng chỉ 1 tên lửa, trong đó có 2 lần phóng đuổi theo mục tiêu, một lần phóng 3 đạn liên tiếp, còn lại đều phóng 2 đạn 1 mục tiêu.
Trong trận đánh ngày 26.12.1972, các chuyên gia Mỹ nhận định đây là một ngày thảm họa. Các tốp máy bay B-52 bay vào Hà Nội, đã bị lực lượng radar không quân và tên lửa phát hiện sớm, đồng thời xác định rất rõ tốc độ, độ cao, đường bay và phân biệt chính xác các tốp F-4 với các pháo đài bay B-52. Trận đánh kết thúc với 6 máy bay rơi.
Cũng theo các nhà bình luận quân sự Mỹ, sai lầm thuộc về Bộ Tư lệnh liên quân Thái Bình Dương, phi đoàn không kích kéo dài trên không với khoảng cách 113 km. Các phi công gọi là “cuộc dạo chơi của các chú voi” trên một đường bay cố định với tốc độ cố định và độ cao không thay đổi. Điều đó đã tạo nên một con đường cố định, thuận lợi cho SA-75M tác chiến và bắn hạ máy bay Mỹ.
Mặc dù vậy, nhưng các nhà bình luận quân sự Mỹ vẫn nhận định, mặc dù phòng không Hà Nội là lực lượng phòng không mạnh nhất Đông Nam Á, nhưng vẫn không thể bảo vệ các mục tiêu không bị thiệt hại bởi các cuộc không kích.
Thống kê các hoạt động tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, các chuyên gia Nga, trực tiếp theo dõi từng trận đánh nhận xét: Một trong những đặc điểm đặc trưng của lực lượng tên lửa trong trận đánh chống lại cuộc tập kích đường không quy mô lớn là, tập trung hỏa lực vào một nhóm mục tiêu. Điều đó được hiểu là nhiều đơn vị tên lửa cùng tấn công một nhóm mục tiêu. Tập trung hỏa lực từ nhiều tiểu đoàn tên lửa cho thấy hiệu quả tác chiến cao.
Trong 23 lần phóng tên lửa đã tiêu diệt 13 máy bay В-52, tiêu hao 98 tên lửa. Hiệu suất tác chiến đạt (0,56) gấp 2,5 so với tất cả các lần phóng tên lửa tấn công máy bay ném bom chiến lược B-52, nhưng mức tiêu hao tên lửa lại thấp hơn định mức tiêu chuẩn đặt ra.
Một số lần phóng tên lửa tập trung của 3 tiểu đoàn không diệt được mục tiêu do chất lượng điều hành tác chiến không đạt yêu cầu, một phần trong đó là chất lượng thông tin trong trận đánh suy giảm đáng kể, gây khó khăn cho hoạt động chỉ huy, điều hành tác chiến.
Các trận địa tên lửa bị tấn công dữ dội bằng bom nổ phá mảnh, bom bi, tên lửa chống radar "Shrike", khiến 6 tiểu đoàn tên lửa tạm thời mất khả năng tác chiến. Trong đó có các trang thiết bị bị phá hủy hoàn toàn bao gồm: ba anten PA-11 và PA-12, một cabin đài radar, 5 máy phát điện DES-75, 9 bệ phóng tên lửa, 15 tên lửa bị hư hỏng hoàn toàn, một đài chỉ huy, một máy kéo ATS-59, trong 3 tiểu đoàn các đường dây cáp bị hư hỏng nặng
Tiểu đoàn tên lửa số 73 bị trúng tên lửa "Shrike" do đã thực hiện sai quy trình, trắc thủ dẫn đạn đã duy trì thời gian bật radar tìm kiếm phát hiện mục tiêu ở chế độ phát xung chủ động trong khoảng 80 giây. Các vụ tấn công bằng "Shrike" khác, do kíp trắc thủ dày dạn kinh nghiệm nên tên lửa chống radar thường nổ trên khoảng cách từ 2-3 km đến vị trí đài radar.
Theo các chuyên gia Mỹ, lực lượng không quân chiến lược đã đạt được mục đích chính trị đặt ra. Các đợt không kích đạt hiệu quả cao. Ví dụ ngày 20.12.1972, 90 trong số 99 lượt xuất kích của B-52 được cho là đánh trúng mục tiêu, đạt được mục đích đề ra. Trong chiến dịch không kích 2 chiếc В-52G và 1 chiếc В-52D bị bắn hạ khi đang trên đường bay đến mục tiêu. 3 chiếc bị bắn hạ trước khi ném bom và 5 chiếc sau khi ném bom. Trong số các máy bay B-52 G bị bắn hạ ở Việt Nam, không có máy bay nào bị trúng tên lửa nếu trang bị thiết bị gây nhiễu tiên tiến AN/ALT-22ЕCМ.
Mặc dù vậy, các chuyên gia Mỹ lại có số liệu thống kê ngược hẳn so với các chuyên gia Liên Xô về số lượng máy bay tham gia không kích tính từ ngày 26 đến ngày 29 trước ngày chiến dịch không kích Linebacker II kết thúc, số lượng máy bay ném bom B-52 suy giảm trong khoảng từ 78 lần chiếc đến 60 lần chiếc và không có chiếc B-52 nào bị bắn hạ. Phía Việt Nam khẳng định, ngày 29.12.1972. 1 chiếc B-52 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.
Tham gia vào các cuộc không kích bảo vệ B-52 thường xuyên có khoảng 114 máy bay không quân chiến thuật. Máy bay F-4 Phantom II được sử dụng để đánh chặn MiG-21, gây nhiễu thụ động và phát hiện radar tìm kiếm mục tiêu SNR -75. Ngoài ra, các nhóm máy bay F-4 và F-105 thực hiện nhiệm vụ chế áp lực lượng tên lửa phòng không, pháo phòng không và tấn công các mục tiêu khác.
Được đánh giá hoạt động có hiệu quả cao là máy bay tác chiến điện tử ЕВ-66, chế áp thành công các đài radar tìm kiếm và theo dõi mục tiêu của phòng không Việt Nam. Các máy bay F-111 và cường kích A-7 thực hiện nhiệm vụ tấn công các sân bay Việt Nam được cho là có hiệu quả tác chiến tốt.
Ngoài các máy bay chiến đấu , tham gia vào nhiệm vụ đảm bảo hậu cần kỹ thuật có các máy bay tiếp dầu trên không KC-135, nhóm máy bay tìm kiếm cứu hộ phi công C-130 và trực thăng НН-53, máy bay ЕС-121 thực hiện nhiệm vụ chỉ huy chuyển tiếp trên không.
Kết quả chiến dịch phòng không Điện Biên Phủ trên không nhìn từ 2 phía.
Theo các chuyên gia quân sự Liên Xô
Trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh trả cuộc tập kích đường không của máy bay ném bom chiến lược Mỹ, lực lượng tên lửa phòng không đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Hà Nội và Hải Phòng. Liên tục trong 12 ngày đêm, các đơn vị tên lửa thường xuyên tiến hành từ 10 đến 12 lần phóng đạn hoặc nhiều hơn. Tiêu diệt 31 chiếc B-52 trên bầu trời Hà Nội
Không quân Việt Nam trong 12 ngày đêm chỉ xuất kích 31 lần, tiến hành 8 trận không chiến, bắn rơi 7 máy bay (9% tổng số máy bay bị bắn hạ) trong đó có 2 B-52. Các trận không chiến với F-4 mang tính chất thường xuyên, sử dụng biên đội 2 MiG, không chiến với B-52 thực hiện chế độ săn đêm, hoàn toàn mang tính thử nghiệm.
Lực lượng pháo phòng không các cỡ nòng vẫn duy trì hiệu quả chiến đấu cao, trong 12 ngày đêm bắn hạ 20 máy bay (chiếm 25% tổng số máy bay bị hạ) có 5 chiếc F-111.
Tổng kết chung, trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, lực lượng Phòng không Không quân đã bắn hạ tổng số 81 máy bay trong đó có 34 chiếc B-52 và 5 chiếc F-111.
Nhận định của các chuyên gia Mỹ
Chiến dịch Linebacker II đạt được mục tiêu chính trị đề ra là đưa Hà Nội trở lại bàn đàm phán Paris. Trong chiến dịch đã chứng minh được tính hiệu quả hoạt động tác chiến liên kết phối hợp các lực lượng liên quân, đóng vai trò then chốt là lực lượng máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay chiến thuật không quân, không quân Hải quân.
Trong chiến dịch Linenacker II, B-52 đã thực hiện 729 lần xuất kích (theo kế hoạch là 741), ném xuống Hà Nội và Hải Phòng khoảng 15.000 tấn bom. Cũng theo các chuyên gia Mỹ, Việt Nam đã sử dụng 1240 quả tên lửa, Mỹ chỉ mất 15 B-52 Stratofortress (nhỏ hơn 2% số lượng theo biên chế). Trong số 92 phi công ném bom chiến lược bị bắn rơi, 25 phi công được cứu hộ, 26 phi công được trao trả tù binh năm 1973, số còn lại hoặc tử trận hoặc mất tích.
Cũng theo các chuyên gia và tướng lĩnh Mỹ, nếu chiến dịch Linebacker II tiếp tục kéo dài, Mỹ có thể sẽ giành chiến thắng và chính quyền Sài Gòn sẽ không sụp đổ.
Xem lại: Việt Nam “quật ngã” không lực mạnh nhất thế giới thế nào?
TTB