P-3 Orion do Lockheed Martin chế tạo, chính thức hoạt động trong hải quân Mỹ từ cuối những năm 1960. Nhiệm vụ của loại máy bay này là dò tìm và diệt tàu ngầm, tàu nổi, trinh sát thu thập thông tin. Trên chiếc máy bay to lớn 4 động cơ phản lực cánh quạt này có các chuyên viên về vũ khí, điều khiển các cảm biến…
Ban đầu P-3 được thiết kế hoạt động khoảng 7.500 giờ bay, nhưng hiện đội bay P-3 của Hải quân Mỹ có số giờ bay đến 16.000 giờ mỗi chiếc (160 chiếc). Từ năm 2007 Hải quân Mỹ bắt đầu cho một số chiếc P-3 về hưu, và tốc độ nghỉ hưu là 6-10 chiếc/năm. Thay thế dần P-3 là loại P-8A Poseidon hiện đại hơn, do Boeing chế tạo trên cơ sở máy bay chở khách Boeing 737.
Các máy bay P-3 về hưu được đưa đến nghĩa địa máy bay lớn nhất thế giới là căn cứ không quân Davis-Monthan ở bang Arizona. Căn cứ này từ năm 1964 đã tiếp nhận những máy bay hết hạn phục vụ của quân đội Mỹ, theo trang tin CodeOne. Hiện ở nghĩa địa này có khoảng 4.000 máy bay các loại, từ P-3, B-52, F-111 đến oanh tạc cơ B-1 và cả oanh tạc cơ tàng hình B-2.
Máy bay P-3 Orion của Hải quân Mỹ hết hạn phục vụ, nằm xếp hàng trên sa mạc, ởnghĩa địa máy bay Davis-Monthan ở bang Arizona - Ảnh: CodeOne
Do điều kiện khí hậu nơi đây rất ít mưa, độ ẩm thấp, đất ít tính kiềm và rất chắc chắn nên máy bay phơi ngoài trời gần như chẳng bị xuống cấp. Những vị trí quan trọng của máy bay như buồng lái, động cơ được bọc lớp phủ đặc biệt. Động cơ được tháo hết dầu nhớt, phun chất chống rỉ. Định kỳ 180 ngày nhân viên sẽ xem xét coi có chim hay thú làm tổ trong máy bay hay không.
Một khi có nhu cầu, người ta có thể kéo máy bay từ nghĩa địa này ra, đưa về cơ sở tân trang sửa chữa là sau đó có thể cất cánh.
Từ năm 2007, trong chương trình hoạt động ở ngoài nước, Hải quân Mỹ đã lấy ra khoảng 12 chiếc P-3C Orion đưa về cơ sở của Lockheed Marin ở Greenville, bang Nam Carolina để tân trang sửa chữa và tái sử dụng.
Theo DefenseIndustryDaily, máy bay P-3 Orion sau khi tháo rời ra, chất lên xe tải đưa về Greenville, bang Nam Carolina sẽ trải qua một quá trình tân trang sửa chữa gọi là Zone 5.
Quá trình Zone 5 này rất kỳ công, một chiếc P-3 Orion sẽ mất 21.000 giờ công, khoan 6.000 lỗ để bắt đinh tán (rivet), cùng gắn các thiết bị khác. Người ta sẽ thay thế 5 đến 9 bộ phận ở phần cánh máy bay, tức gần như là thay đôi cánh mới cho chiếc máy bay này.
Rồi sau đó là lắp đặt các thiết bị điện tử mới cho máy bay, thường do tập đoàn L-3 Communications đảm trách.
Quá trình nâng cấp sửa chữa này mất 1 năm cho 1 chiếc P-3 Orion. Khi hoàn tất quá trình, chiếc P-3 Orion sẽ bay được thêm 5.000 giờ nữa, tương đương thời gian phục vụ từ 8 - 10 năm.
Khi cần tái sử dụng, người ta tháo rời nhiều bộ phận của P-3, rồi đưa lên xe tải vận chuyển về cơ sở của Lockheed Martin ở Greenville, bang Nam Carolina - Ảnh: CodeOne
Tính đến tháng 9.2010, đã có 45 chiếc P-3 được “tái sinh” theo kiểu này. Và giá bán mỗi chiếc P-3 tân trang này vào khoảng 80-90 triệu USD, theo lời ông Clay Fearnow, một giám đốc phụ trách nhánh hàng không của Lockheed Martin cho Reuters biết vào ngày 5.6.2016.
Được hãng Lockheed Martin sản xuất từ những năm 1950, P-3 Orion nổi tiếng là máy bay tuần biển và săn ngầm, chống tàu mặt nước, được hải quân nhiều nước sử dụng. Tuy đã cũ nhưng máy bay P-3 Orion với 11 thành viên phi hành cùng các thiết bị radar, sonar dò tìm tàu nổi, tàu ngầm là phương tiện đáng tin cậy có khả năng giám sát khoảng cách rất lớn trên biển.
Máy bay này có 4 động cơ phản lực cánh quạt, vận tốc tối đa 750 km, tầm hoạt động gần 2.000 km, có thể bay quanh một khu vực ở trần bay 500 m liên tục 3 giờ. Vũ khí mang theo có các loại ngư lôi, tên lửa diệt hạm Harpoon, Maverick, mìn biển, cùng các phao thuỷ âm dò tàu ngầm.
Tại cơ sở này, cặp cánh máy bay sẽ được thay mới - Ảnh: Lockheed
Chiếc P-3 đã hoàn tất quá trình sửa chữa Zone 5, trung bình mất 1 năm - Ảnh: Lockheed
Sau khi hoàn tất sửa chữa theo quá trình Zone 5, P-3 Orion có thể tung cánh hoạt động thêm 5.000 giờ nữa, tương đương 8 - 10 năm - Ảnh: Hải quân Mỹ
Các sĩ quan Hải quân Việt Nam trên máy bay săn ngầm P-3C Orion của Không đoàn VP-47 Hải quân Mỹ ở Hawaii ngày 13.4.2016 - Ảnh: Không đoàn VP-47
Máy bay P-3C Orion của phi đội Kiếm sĩ vàng (Không đoàn VP-47) ở Hawaii - Ảnh: Không đoàn VP-47.
Theo Thanh niên