Trang tin The National Interest mới đây có bài viết phân tích nguyên nhân này.
Theo đó, bên cạnh các khí tài hiện đại, không quân Trung Quốc còn lệ thuộc vào loại máy bay ném bom H-6K của hãng Xian chế tạo từ mẫu máy bay ném bom Tu-16 Badger của Liên Xô có từ những năm 1950. Loại máy bay này có thể mang một lượng bom nhất định và tên lửa hành trình, và có bán kính hoạt động khoảng 3.500 km.
Nhưng nếu có xảy ra cuộc chiến Mỹ - Trung thì Trung Quốc phải có loại máy bay ném bom tầm xa đủ khả năng bay xuyên đại dương tấn công các căn cứ Mỹ ở những nơi xa xôi hay thậm chí tấn công các hạm đội tàu sân bay, nhưng với H-6K thì không có năng lực đó.
Và giải thuyết rằng nếu quân Mỹ tấn công nội địa Trung Quốc vì cuộc chiến Đài Loan thì Trung Quốc chỉ có 2 lựa chọn về vũ khí đánh trả, là vũ khí hạt nhân (nhưng sẽ châm ngòi cho Thế chiến II) và chiến tranh mạng.
Trước đây có tin đồn Trung Quốc đàm phán mua máy bay ném bom siêu thanh tầm xa loại Tu-22M của Nga nhưng không thành công. Việc Trung Quốc nỗ lực tìm mua Tu-22M là phục vụ chiến lược chống thâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) mà nước này học được từ chiến lược tương tự của Liên Xô thời Chiến tranh lạnh khi cắt đứt châu Âu khỏi Bắc Mỹ nếu chiến tranh bùng nổ.
Máy bay tàng hình J-31 của Trung Quốc, được cho vẫn phải dùng động cơ của Nga chế tạo cho dòng Su-27 - Ảnh: dpa |
Tuy nhiên Liên Xô khi đó dựa trên 3 nền tảng vũ khí kết hợp là tàu ngầm, tàu chiến và máy bay ném bom mang tên lửa hành trình để tạo nên đòn tấn công nhóm tàu sân bay là thế mạnh của Mỹ. Còn chiến lược của Trung Quốc hiện nay chỉ có tên lửa chống hạm đời mới để chống tàu sân bay mà thôi.
Trung Quốc cũng thiếu loại tên lửa hành trình hiệu quả có thể phóng từ máy bay, tuy đang nâng cấp loại H-6K cổ lổ. Việc phát triển máy bay ném bom mới sẽ hữu ích cho Trung Quốc, có thể dựa trên nền tảng loại oanh tạc cơ siêu thanh tầm xa Tu-160 của Nga có khả năng mang tên lửa hành trình, hoặc một loại oanh tạc cơ tàng hình mới.
Tuy nhiên đến nay Trung Quốc vẫn chưa thể chế tạo được máy bay ném bom tầm xa. Nguyên nhân là từ cái động cơ máy bay.
Động cơ AL-41F1S lắp cho tiêm kích Su-35 của Nga (ảnh trên), đây là loại tiêm kích Trung Quốc đặt mua 24 chiếc từ Nga - Ảnh: Wikipedia |
Hàng thập niên nay Trung Quốc đầu tư mạnh nhưng vẫn chưa thể phát triển được loại động cơ phản lực đáng tin cậy để sản xuất hàng loạt. Đầu năm 2016 chính phủ Trung Quốc còn phải tuyên bố rằng việc chế tạo động cơ chưa phải là lúc ưu tiên. Ngay cả Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong lần trả lời Reuters đã nói rằng vẫn còn khoảng cách nhất định về công nghệ quốc phòng giữa Trung Quốc và một số quốc gia phát triển khác.
Ta có thể thấy nhiều loại máy bay Trung Quốc đến nay vẫn dùng động cơ do Nga cung cấp, và dù có chế tạo phỏng theo động cơ Nga thì động cơ Trung Quốc cũng không hiệu quả bằng.
Tuy vậy Trung Quốc vẫn đẩy mạnh nghiên cứu phát triển động cơ máy bay. Reuters cho biết hãng tư vấn hàng không Galleon Group ở Thượng Hải ước tính rằng Bắc Kinh sẽ chi tiêu đến 300 tỉ USD trong vòng 20 năm tới để chế tạo động cơ máy bay phục vụ quân sự và dân sự. Trung Quốc được cho là đang thuê mướn kỹ sư và cựu nhân viên không quân nước ngoài phục vụ chương trình này.
Như vậy Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình chế tạo động cơ máy bay riêng rẽ, và đến lúc nào đó chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của các dòng máy bay ném bom mới của Trung Quốc, theo The National Interrest.
Theo Thanh Niên