Nhưng mâu thuẫn Sunni - Shiite không chỉ xuất phát từ vấn đề tôn giáo.
Ước tính người Sunni chiếm 90% trong tổng số 1,6 tỉ người Hồi giáo trên thế giới. Người Sunni chiếm đa số ở phần lớn các nước Ả Rập và Nam Á. Trong khi đó, người Shiite chỉ chiếm đa số dân số Iran, Iraq, Azerbaijan, Bahrain và là thiểu số đáng kể ở Libăng.
Xung đột giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite bắt nguồn từ thời kỳ cổ xưa với sự mâu thuẫn sâu sắc về người hậu duệ của nhà tiên tri Mohammed sau khi ông qua đời vào năm 632.
Nói một cách đơn giản thì người Shiite tin rằng quyền lực nên được trao cho con rể của Mohammed là Ali và cháu nội Hussain. Trong khi đó, người Sunni phản đối chế độ cha truyền con nối.
Từ Cách mạng Hồi giáo Iran
Tuy nhiên trong nhiều thế kỷ, xung đột này không quá trầm trọng. Đặc biệt sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ vào năm 1922, sự khác biệt Shiite - Sunni lắng hẳn xuống, nhường chỗ cho mâu thuẫn trầm trọng giữa các chế độ ủng hộ phương Tây với lực lượng ủng hộ Liên Xô.
Thập niên 1960, Saudi Arabia không ngần ngại ủng hộ quân nổi dậy Shiite ở Yemen.
Năm 1979, Cách mạng Hồi giáo Iran nổ ra, mở đường cho sự thành lập nền chính trị thần quyền Shiite tại Tehran.
Lãnh tụ Ayatollah Ruhollah Khomeini kêu gọi xóa sổ ảnh hưởng của phương Tây tại Trung Đông, hủy diệt Israel và lật đổ các vương triều “phản động” như vương triều Saudi Arabia.
Iran là quốc gia Shiite nằm trong khu vực người Sunni chiếm đa số. Do đó, giới quan sát nhận định Iran không thể giương ngọn cờ Shiite để lãnh đạo khu vực, nên đưa ra thông điệp chống Mỹ và Israel.
Phản ứng lại, Saudi Arabia và các đồng minh chống Iran bằng chiến lược đổ dầu vào lửa xung đột Shiite - Sunni.
Saudi Arabia tự coi mình là quốc gia lãnh đạo thế giới Hồi giáo vì các thánh địa Mecca và Medina nằm tại nước này, do đó không chấp nhận để Iran “ngồi lên đầu lên cổ”.
Trong nhiều thập kỷ, mạng lưới giáo dục Hồi giáo do Saudi Arabia tài trợ khắp thế giới tập trung tuyên truyền chống người Hồi giáo Shiite. Và thế là chiếc hộp Pandora đã mở.
Tranh giành quyền lực
Trong thập niên 1980, Pakistan cũng mở chiến dịch đàn áp người Shiite để chặn ảnh hưởng của Iran. Năm 2003, xung đột Shiite - Sunni tiếp tục bùng lên khi Mỹ đưa quân xâm chiếm Iraq.
Thế lực Sunni thiểu số tại Iraq từng nắm quyền ở đây trong nhiều năm bị lật đổ, người Shiite lên lãnh đạo. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) mọc lên từ sự hỗn loạn ở Iraq, đẩy căng thẳng Shiite - Sunni lên cao độ.
Và xung đột giữa hai giáo phái Hồi giáo bùng nổ lên mức thảm họa khi nội chiến nổ ra ở Syria vào năm 2011. IS không công nhận người Shiite là người Hồi giáo, buộc họ lựa chọn hoặc cải đạo, hoặc bị xử tử.
Và cuộc đối đầu tiếp diễn ở Yemen, nơi liên minh Sunni do Saudi Arabia lãnh đạo đang mở cuộc chiến chống quân nổi dậy Houthi thuộc Hồi giáo Shiite và được Iran chống lưng.
Có thể thấy xung đột Shiite - Sunni chủ yếu xuất phát từ tham vọng tranh giành quyền lực và ảnh hưởng chính trị, chứ mâu thuẫn giáo phái chỉ đóng một vai trò rất nhỏ.
Vấn đề, như giáo sĩ Shiite Seyed Ali Fadlullah ở Libăng nhận định, là các thế lực chính trị sử dụng công cụ giáo phái trong cuộc tranh giành quyền lực bởi hiệu quả của nó là rất lớn.
“Nếu anh kêu gọi người dân các nước Trung Đông đứng dậy đấu tranh vì ảnh hưởng khu vực và quốc tế thì sẽ chả ai buồn phản ứng. Nhưng nếu anh hô hào rằng giáo phái của chúng ta đang bị đe dọa, tôn giáo thiêng liêng của chúng ta sẽ bị hủy diệt, thì người dân sẽ bị kích động”, theo giáo sĩ Shiite Seyed Ali Fadlullah.
Theo Tuổi trẻ