Vì đâu xã hội hóa đầu tư đường sắt chậm?

Đến nay công tác triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn lúng túng.
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt mới Hà Nội - Hải Phòng thu hút được các nhà đầu tư.
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt mới Hà Nội - Hải Phòng thu hút được các nhà đầu tư.

Ngay khi ngành Đường sắt “mở rộng cửa” đón các nhà đầu tư rót vốn, khai thác các công trình, dự án đường sắt đã thu hút được sự quan tâm, đề xuất của khá nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay công tác triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn lúng túng.

Triển khai quá chậm

Trong cuộc họp kiểm điểm công tác triển khai Đề án huy động vốn xã hội hóa (XHH) để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, các đơn vị triển khai còn chậm và lúng túng. Các đầu mối được giao thực hiện chưa thực sự vào cuộc.

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thừa nhận: “Mặc dù nhận được nhiều đề xuất từ các nhà đầu tư, nhưng hiện nay chúng tôi rất lúng túng khi thực hiện”. Ông Tùng cho biết, các nhà đầu tư phản ánh Bộ GTVT chưa có đầu mối rõ ràng cũng như quy trình thực hiện một dự án PPP. Ngay cả về hình thức đầu tư, cả VNR và một số nhà đầu tư cũng chưa xác định được rõ đầu tư theo phương thức nào để thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.

Như với dự án đầu tư khai thác bãi hàng ga Yên Viên, VNR đề nghị Bộ GTVT đồng ý với hình thức cho thuê. VNR đề xuất lựa chọn nhà đầu tư là Công ty ITL Railway Logistics vì kinh nghiệm trong vận chuyển đa phương thức, có khả năng phát triển vận tải container bằng đường sắt. Với việc đầu tư này, VNR mong muốn có thể cải thiện, nâng cao năng lực tác nghiệp hai đầu. Hoặc VNR cũng xin ý kiến của Bộ GTVT về xác định hình thức thực hiện đầu tư trước đề xuất của một số nhà đầu tư về việc sẽ đầu tư xây dựng tại các ga lớn là các tòa cao ốc, trong đó dành các tầng dưới có công năng phục vụ vận tải hành khách, các tầng trên khai thác kinh doanh.

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN lại cho rằng, việc xác định phương án thu hồi vốn đầu tư cũng còn nhiều vướng mắc. Trong đó, khó khăn nhất là việc đầu tư các công trình nhỏ lẻ phục vụ vận tải đường sắt. “Các nhà đầu tư hiện vẫn băn khoăn sẽ được thu trực tiếp từ công trình hay thu qua giá vận chuyển? Ngoài ra, Bộ GTVT cũng như VNR chưa công bố tiêu chuẩn hay đánh giá tình hình kỹ thuật thực tế của các tuyến đường sắt để làm cơ sở khi thực hiện hình thức chuyển nhượng khai thác”, ông Khôi nói.

Chưa phân định rõ đầu mối quản lý

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa quy định rõ các chủ thể quản lý, sở hữu tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Tới đây, cần phân loại hạ tầng các lĩnh vực đường sắt để kêu gọi đầu tư; đồng thời phân định rõ đầu mối theo dõi, quản lý.

Lãnh đạo Cục Đường sắt VN cũng cho biết, cần sớm ban hành quy định về tổ chức thực hiện, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để xác định cụ thể vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể. Từ đó, các đơn vị sẽ lấy đây làm căn cứ triển khai thực hiện.

Ở một góc nhìn khác, ông Vũ Nam Nguyên, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt cho rằng, hiện vẫn đang có mâu thuẫn lớn. Đáng lý VNR phải đề xuất đầu tư các công trình, dự án trước tiên vì là doanh nghiệp đang trực tiếp quản lý, kinh doanh đường sắt nên hiểu rõ nhất thực tế và hiệu quả, tương lai phát triển sau đầu tư. Nhưng VNR lại thực hiện chức năng như một đơn vị quản lý Nhà nước (tiếp nhận và giải quyết đề xuất của nhà đầu tư).

Còn theo ông Khôi, hiện công tác XHH đầu tư dự án đường sắt đang “bỏ quên” các đường nhánh nối vào các cảng biển và nên giao VNR triển khai.

Để phân định rõ các đầu mối quản lý, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu VNR chủ động hơn trong việc triển khai đề án, kịp thời đề xuất cơ chế xin ý kiến của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các vướng mắc. Đối với các tuyến đường sắt hiện hữu cùng cơ sở hạ tầng liên quan như nhà ga, kho, bãi hàng, VNR chủ trì, tiếp nhận đề xuất đầu tư, nghiên cứu, xây dựng phương án hoặc báo cáo Bộ GTVT những vấn đề còn vướng mắc để giải quyết.

Đối với việc nhượng quyền khai thác tuyến đường sắt hiện hữu, Cục Đường sắt VN quản lý và đề xuất cơ chế để triển khai nhượng quyền thí điểm. Ban PPP chủ trì tham mưu; Ban QLDA đường sắt là đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề xuất hình thức đầu tư đối với dự án xây dựng tuyến mới như Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Lộc Ninh. Ban PPP cũng là đầu mối triển khai các công trình di dời đường và ga, thực hiện thí điểm đối với việc di dời ga Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm thành phố.

10 công trình, dự án đường sắt đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư gồm:

Nhượng quyền khai thác đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát và các cơ sở hạ tầng nhà ga, kho ga liên quan; Đầu tư khai thác bãi hàng ga Yên Viên; Cải tạo mở rộng ga Xuân Giao A; Đầu tư ga Hà Nội; Di dời, xây mới ga Đà Nẵng; Đầu tư, khai thác cơ sở hạ tầng khu ga Sài Gòn; Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt mới Hà Nội - Hải Phòng; Đầu tư xây dựng hầm đường sắt Khe Nét, nhượng quyền khai thác đối với đường sắt hiện có; Đầu tư xây dựng đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; Đầu tư vào đường sắt, nhượng quyền khai thác, kinh doanh các ga Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn.

Theo Báo Giao thông