Vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới sớm sẽ được phóng vào không gian

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Công ty Arctic Astronautics của Phần Lan sẽ sớm phóng vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới vào không gian. Được biết đây là dự án nhằm thử nghiệm những vật liệu mới sẽ được áp dụng trong tương lai.
Ảnh: Cnet
Ảnh: Cnet

Công ty Arctic Astronautics của Phần Lan sẽ sớm phóng vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới vào không gian trong khoảng cuối năm nay. Vệ tinh, WISA Woodsat, là một vệ tinh nano hình khối được tạo thành từ ván gỗ ép bạch dương và có các cảm biến do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu phát triển. Vệ tinh hình lập phương có kích thước chiều dài, cao và rộng đều là 10cm.

Vệ tinh này được tạo ra nhằm mục đích kiểm tra xem gỗ làm vật liệu có thể tồn tại trong môi trường chân không, lạnh, nhiệt và bức xạ trong không gian hay không.

"Tại sao chúng ta không phóng những tàu bay bằng gỗ vào không gian?" Jari Makinen cho biết trong bài trả lời phỏng vấn về dự án Woodsat. Ông Makinen là người đồng sáng lập của Arctic Astronautics. Công ty của ông tạo ra các bản sao vệ tinh có đầy đủ chức năng và sẵn sàng phóng lên quỹ đạo. Các bản sao chủ yếu được sử dụng cho mục đích giáo dục, đào tạo và sở thích của các công ty tư nhân.

Gỗ được sử dụng trong vệ tinh đã được sấy khô trong chân không để làm mất độ ẩm có thể gây rắc rối trong quá trình phóng lên không gian. Ngoài các bộ phận làm hoàn toàn bằng gỗ thì còn có một chiếc gậy camera kim loại và thanh ray bằng nhôm ở góc nhằm mục đích cố định và phóng nó lên không gian.

Vệ tinh sẽ được phóng từ New Zealand trên tên lửa đẩy Electron. Dự tính nó sẽ tồn tại trong quỹ đạo cao tới 500-600 km, bất chấp việc tiếp xúc với oxy nguyên tử. Tuy nhiên, theo dự đoán của các nhà khoa học, ánh sáng mặt trời tia cực tím có thể sẽ gây tác động đến vỏ của những tấm gỗ.

Để theo dõi xem vệ tinh có tồn tại được trong điều kiện khắc nghiệt của quỹ đạo trái đất hay không, ESA đang triển khai một bộ cảm biến cho vệ tinh. Riccardo Rampini, trưởng bộ phận Vật lý và Hóa học của ESA, cho biết: “Sản phẩm đầu tiên chúng tôi đang bắt tay thực hiện là một cảm biến áp suất, cho phép chúng tôi xác định áp suất cục bộ trong các khoang trên tàu ngay sau khi phóng thành công lên quỹ đạo. Các cảm biến cũng bao gồm một công cụ giám sát ô nhiễm, sẽ đo bất kỳ tín hiệu nào xảy ra trên bảng mạch hoặc thân gỗ của vệ tinh".

Theo Cnet, News 18