“Vẫn khó mở cửa kinh tế với các tiêu chí mới của Bộ Y tế”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo ông Vũ Tú Thành, hướng dẫn tại dự thảo "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19" mới được Bộ Y tế đưa ra chưa tính tới sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước, nên thiếu tính linh hoạt.
Ông Vũ Tú Thành (Phó Giám đốc khu vực, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN), bên trái. Ảnh nhân vật cung cấp.
Ông Vũ Tú Thành (Phó Giám đốc khu vực, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN), bên trái. Ảnh nhân vật cung cấp.

Dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19" mới được Bộ Y tế đưa ra mặc dù đã tháo gỡ được một số bất cập nhưng vẫn chưa thực sự phản ánh tinh thần “sống chung với dịch” như các tuyên bố của Chính phủ gần đây.

Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng những trói buộc này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế.

Từ “Zero Covid” đến “sống chung an toàn với dịch”

Theo dự thảo hướng dẫn đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, việc đánh giá nguy cơ của tỉnh, thành phố sẽ căn cứ trên các chỉ số.

Trong đó chỉ số bắt buộc, gồm: ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19; 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.

Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.

Dự thảo hướng dẫn cũng đưa ra 4 cấp độ dịch bệnh và các biện pháp ứng phó tương ứng, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp – bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.

Theo ông Vũ Tú Thành (Phó Giám đốc khu vực, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN), dự thảo mới nhất này đã tháo gỡ được phần nào những vướng mắc gây ra bởi các văn bản cũ được ban hành theo hướng “Zero Covid”.

Tuy nhiên, hướng dẫn tại dự thảo chưa tính tới sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước, nên thiếu tính linh hoạt.

Mặt khác, nhiều quy định vẫn mang mục tiêu “zero Covid” chứ chưa hoàn toàn là “sống chung với Covid”, ông Thành nhận xét. Các chỉ số đánh giá đưa ra thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vaccine.

Chẳng hạn như nếu áp dụng quy định trong dự thảo này vào đánh giá nguy cơ dịch bệnh, TP.HCM sẽ nằm ở nhóm nguy cơ cấp độ 4.

Và như vậy phải rất lâu (2-3 tháng nữa), thành phố mới có thể mở cửa kinh tế mặc dù hiện nay TP.HCM đã hoàn tất tiêm chủng 100% mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đạt khoảng 40% dân số tiêm mũi 2.

Trong khi đó, TP.HCM, đã trải qua hơn ba tháng giãn cách xã hội, và đang phải chịu những tổn thương “tới ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế” – theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên.

Cái giá phải trả về kinh tế được các chuyên gia ước tính tương đương 2% GDP của Việt Nam, vào khoảng 6 tỉ đô la.

Hiện nay TP.HCM đã hoàn tất tiêm chủng 100% mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đạt khoảng 40% dân số tiêm mũi 2. Ảnh: GVT.

Hiện nay TP.HCM đã hoàn tất tiêm chủng 100% mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đạt khoảng 40% dân số tiêm mũi 2. Ảnh: GVT.

GDP năm 2021 của TP.HCM được dự báo sẽ tăng trưởng âm 2,8%. Là đầu tàu kinh tế đóng góp 20% GDP của Việt Nam và 25% ngân sách quốc gia, điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế chung của cả nước.

Chính vì vậy, ngày 26/9, TP.HCM đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép TP.HCM áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế.

Theo đó, TP.HCM sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng.

Đề xuất của doanh nghiệp

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay đã đẩy đa số doanh nghiệp vào tình trạng kiệt quệ.

Như cảnh báo của các chuyên gia, việc tạm dừng sản xuất hoặc cắt giảm công suất do các lệnh giãn cách chống dịch không thể kéo dài quá lâu vì khi quá ngưỡng, doanh nghiệp sẽ không thể phục hồi, sẽ mất thị trường và hàng vạn lao động sẽ thất nghiệp, dẫn đến đổ vỡ về kinh tế.

Sức chịu đựng của nền kinh tế đã tới hạn. Nếu sản xuất kinh doanh tiếp tục đình đốn sẽ dẫn đến thảm hoạ kép về cả y tế và kinh tế”, ông Vũ Tú Thành cảnh báo.

Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đã đề xuất Chính phủ áp dụng linh hoạt chiến lược kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế.

Theo đó, ở giai đoạn chuyển tiếp (dự kiến từ nay đến đầu quý 1/2022), các doanh nghiệp đề xuất nguyên tắc: Vùng nào vaccine phủ sớm thì mở cửa sớm.

Qua nhiều lần test lấy mẫu diện rộng trong cộng đồng, số ca lây nhiễm bởi Covid-19 ở TP.HCM vẫn liên tục tăng cao. Ảnh: GVT.

Qua nhiều lần test lấy mẫu diện rộng trong cộng đồng, số ca lây nhiễm bởi Covid-19 ở TP.HCM vẫn liên tục tăng cao. Ảnh: GVT.

Để mở cửa sống chung với Covid-19 trong giai đoạn này, nên tách 2 vùng theo tình hình dịch để có biện pháp quản lý phù hợp.

Vùng 1 là các vùng đang bùng phát, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Điều chỉnh biện pháp áp dụng mức độ giãn cách phù hợp, tuỳ theo cấp độ dịch, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, mức độ tiêm vaccine.

Nếu tỷ lệ lấp đầy giường bệnh trên 75% thì tăng các biện pháp phòng ngừa để giảm tỷ lệ tử vong; nếu trên 90% thì nâng hẳn lên một cấp độ dịch.

Bỏ các quy định hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh. Bỏ các quy định hạn chế các hoạt động kinh tế, cho phép F0 điều trị tại nhà.

Cho phép người tiêm đủ 2 mũi vaccine, F0 đã khỏi bệnh được đi làm.

Ngành y tế có quy trình hướng dẫn doanh nghiệp xử lý F0 trong mỗi giai đoạn. Không đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu có F0.

Người đi từ vùng cấp độ 4 xuống vùng cấp độ dịch thấp hơn thì phải có xét nghiệm âm tính.

Vùng 2 là vùng dịch lây lan chậm hoặc chưa có dịch, giai đoạn chuyển tiếp 3-5 tháng đến khi tiêm đủ vaccine.

Nếu mức lây nhiễm tăng lên hơn 0,7 ca mắc mới trên 100.000 dân một ngày trong một tuần liên tiếp thì nâng mức cảnh báo nhưng không phong toả diện rộng.

Vùng nào tiêm đủ vaccine theo các tiêu chí thì sẽ chuyển thẳng sang bình thường mới, bỏ phong toả.

TP. HCM tiến hành giãn cách xẫ hội đã nhiều tháng nay, cần sớm được mở cửa trở lại. Ảnh: GVT.

TP. HCM tiến hành giãn cách xẫ hội đã nhiều tháng nay, cần sớm được mở cửa trở lại. Ảnh: GVT.

Ở giai đoạn sống chung với virus, dự kiến từ giữa quý I/2022 và có thể sớm hơn nếu độ phủ vaccine sớm hơn, các đề xuất là:

Mở cửa từng vùng và toàn bộ cả nước khi đã tiêm đủ vaccine cho hơn 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt chỉ số 1 trên 80% trên 50 tuổi tiêm đủ vaccine.

Giãn cách phù hợp theo cấp độ dịch, sản xuất kinh doanh, giao thông công cộng được mở lại 100% ở tất cả cấp độ dịch.

Bỏ toàn bộ các giới hạn đi lại giữa các vùng, gồm cả người và xe vận tải. Bỏ cách ly F1, bỏ cách ly người từ vùng khác đến.

Bỏ xét nghiệm diện rộng, cho phép F0 điều trị ở nhà. Tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm liều tăng cường cho người lớn./.