Chưa đến một tháng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga ngừng can thiệp vào cuộc nội chiến Syria và sắp sửa rút quân khỏi nước này. Và chưa đầy hai tuần sau, các chiến binh Hồi giáo đã tiến hành một cuộc tấn công vào lực lượng của Nga ở Syria.
Cuộc nội chiến ở Syria vẫn chưa kết thúc, và sẽ khó có thể kết thúc sớm. Nga đang phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề đối với chiến dịch quan hệ công chúng. Nhưng điều quan trọng hơn là liệu Nga có bị sa vào vũng lầy Trung Đông và điều này có ý nghĩa gì đối với các lực lượng tranh giành quyền lực ở Syria.
Vào ngày 3/1, hãng tin Kommersant của Nga đưa tin rằng cuộc tấn công bằng súng cối của quân Hồi giáo vào căn cứ không quân Hmeimim hôm 31/12 đã khiến Nga mất 4 máy bay ném bom Su-24, 2 máy bay chiến đấu SU-35S và một máy bay vận tải quân sự.
Bộ Quốc phòng Nga không công nhận các chi tiết mà bản tin của Kommersant đăng tải, nhưng không phủ nhận cuộc tấn công này. Bộ Quốc phòng Nga cho biết căn cứ này đã phải hứng chịu một trận nã đạn cối từ nhóm phiến quân Syria và hai lính Nga đã thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
Tại thời điểm này, rất khó để biết chắc chắn về mức độ thiệt hại của căn cứ Hmeimim. Ngoài ra, có ít nhất một phóng viên chiến trường Nga đã đăng tải các bức ảnh về chiếc máy bay bị hư hỏng lên trên phương tiện truyền thông xã hội, cho dù vẫn chưa thể xác nhận tính xác thực của những bức ảnh này.
Nếu người ta chấp nhận rằng những bản tin này là đúng sự thực thì đó quả thực là một cuộc tấn công thiệt hại nặng nề. Không biết có bao nhiêu máy bay Nga có mặt tại Hmeimim lúc đó, nhưng vào thời kỳ đỉnh cao của cuộc can thiệp vào Syria năm 2016, Nga có đến 70 máy bay và 4.000 nhân viên tại căn cứ này.
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết 36 máy bay đã trở lại căn cứ thường trú ở Nga. Nếu tin tức của Kommersant chính xác thì có nghĩa là ít nhất 1/5 các thiết bị hàng không của Nga có mặt ở căn cứ Hmeimim đã bị thiệt hại, trong đó có một nửa số máy bay chiến đấu SU-35S của Nga.
Việc xác định mức độ thiết hại có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc xác định mức độ tổn hại tới hình ảnh của nước Nga, nhưng vẫn phải chờ để xác nhận thông tin này. Tuy nhiên chúng ta có thể chắc chắn rằng cuộc tấn công này quả thực đã diễn ra và khiến quân đội Nga hoàn toàn bất ngờ.
Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố Nga sẽ mở rộng vùng an ninh quanh căn cứ và quân đội Nga giờ đây sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh của chính mình chứ không phải của quân đội Syria như trước đây.
Cho dù tình hình thực tế có như thế nào thì cũng không thể thay đổi sự thực là đây là một cú đánh đau với hình ảnh vốn được chăm sóc cẩn thận của nước Nga. Thêm một vài sự cố như vậy nữa sẽ khiến Nga khó có thể giả vờ rằng cuộc can thiệp vào Syria của nước này đã đạt được mục tiêu.
Rất nhiều các hoạt động quân sự khác mà Nga đã thực hiện ở Syria trong tuần qua đã bị thiệt hại nhân dịp cuộc tấn công này. Trước đó, vào ngày 3/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một chiếc trực thăng Mi-24 đã rơi gần sân bay quân sự Hama, cả hai phi công đều thiệt mạng. Trong khi đó, cùng ngày, Reuters cũng đưa tin rằng các thiết bị không quân Nga đã hỗ trợ cho cuộc tấn công vào một nhóm phiến quân của quân đội Syria ở phía đông Damacus.
Ông Putin đã không định rõ ngày rút quân khỏi Syria khi tuyên bố chiến thắng hồi tháng trước, và hoạt động hiện nay của quân Nga trên chiến trường không thể hiện rằng Nga sẽ rút quân sớm. Nếu có, Nga giờ đây phải chứng minh được là nước này có thể kết thúc việc mà đáng ra nó đã được làm rồi.
Câu hỏi giờ đây là tương lai của Syria sẽ ra sao? Nga đã cố đưa ra một giải pháp ngoại giao giúp giữ vững nguyên trạng. Vào lúc này, không bên nào tranh giành ảnh hưởng ở Syria có thể chiếm thế thượng phong. Vấn đề với Nga lúc này là không ai, trừ người Kurd ở Syria hứng thú với việc duy trì nguyên trạng.
Nguyên trạng hiện nay không phù hợp với Iran, nước rất mong muốn chế độ Assad phục hồi và Damacus lại trở thành đồng minh của Iran trong giấc mơ triển khai sức mạnh trên toàn Địa Trung Hải của nước này. Nguyên trạng này cũng không phù hợp với Thổ Nhĩ Kỳ, nước mà tuần trước còn hỗ trợ thành lập “Quân đội quốc gia” với 22.000 quân sẽ chiến đấu chống Assad, IS và Đảng Công nhân người Kurd (PKK), và mục tiêu chính là người Kurd ở Syria hiện đang đóng ở Afrin.
Về phần mình, tổng thống Assad cũng muốn đất nước quay trở về tầm kiểm soát mà không cần quỵ lụy bất kỳ nước nào, và điều này có nghĩa là phải giữ Nga ở lại Syria để giúp đỡ chế độ này chiếm lại lãnh thổ.
Cuộc chiến khởi phát năm 2011 chỉ là một cuộc nội chiến. Cuộc chiến đó đã tạm nghỉ khi IS trỗi dậy trên biên giới lãnh thổ Syria và Iraq, giữa lúc đang hỗn loạn nhất. Khi IS không còn, cuộc nội chiến lại tiếp diễn.
Nga và chế độ Assad đã khiến thế giới tin rằng điều duy nhất phải làm là dọn sạch một số nhóm phiến quân thánh chiến. Iran lại khiến thế giới tin rằng mối đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều, nhằm biện minh cho sự hiện diện ngày càng lớn của Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang hy vọng nước này có thể đưa người Kurd ở Syria quay trở lại khu vực trước đây, trong khi thay thế chế độ Assad bằng một nhà nước dòng Sunni có lợi cho lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi nước đang sử dụng cuộc chiến ủy thác của mình để thực hiện mục đích và mỗi nước lại xoay tình thế theo hướng phản ánh chiến thắng về phía mình.
Tuy nhiên chiến thắng chỉ lướt qua vùng đất này. Nếu IS bị đánh bại, sẽ có những nhóm phiến quân khác nổi lên, sẽ ra sao nếu một trong các căn cứ chính của Nga ở khu vực lại bị tập kích? Rõ ràng Nga có nhiều việc phải làm hơn. Và đây sẽ không thành vấn đề nếu như Nga không cố dùng việc can thiệp vào Syria để thể hiện cho sức mạnh của mình trong khu vực và trên thế giới.
Nhưng Nga đã cố biến cuộc can thiệp ở Syria thành cuộc chơi để Nga thể hiện sức mạnh, và điều này đã khiến cuộc tấn công vào căn cứ Hmeimim thành điều khiến Nga lo lắng, dù máy bay nước này có phải chịu nhiều thiệt hại hay không.
Nga đã đưa quân vào Syria khi nền kinh tế đang gặp khó khăn do giá dầu thấp hơn kỳ vọng và khi uy tín của ông Putin đang gặp nhiều trở ngại sau vấn đề Ukraine vào năm 2014. Do đó chính phủ Nga cần đạt được một chiến thắng ở Syria. Càng ít khả năng thắng thì cuộc can thiệp này lại càng khó kết thúc.