Rất nhiều HLV ngoại đến Việt Nam, cho đến khi rời mảnh đất hình chữ S này vẫn không hiểu vì sao đội bóng của mình không yếu, nhưng không hiểu vì sao đá mãi vẫn không thắng, làm thế nào cũng bị thủng lưới. HLV Lee Heung-sil là một trong số đó.
Thầy ngoại cũng phải đi
Với lý lịch “khủng” 2 lần vô địch K-League (2009, 2011), 1 cúp quốc gia, 1 siêu cúp và 1 lần vô địch AFC Champions League (2006) chiến lược gia 57 tuổi người Hàn Quốc thậm chí còn nổi tiếng hơn ông Park Hang-Seo khi đến Việt Nam làm việc. Vị huấn luyện viên người Hàn Quốc của Viettel đã đem về những tân binh chất lượng như Quế Ngọc Hải, Vũ Minh Tuấn…chưa kể họ còn có “của để dành” Trọng Hoàng, có sẵn Tiến Dũng, Hoàng Đức, Trọng Đại, Đức Chiến là những cầu thủ trẻ được khẳng định.
HLV Lee Heung-sil (Hàn Quốc) đã từng vô địch AFC Champions League (2006) cũng không trụ lại được Viettel (ảnh CLB)
|
Sau 12 vòng đấu tại V-League 2019, CLB Viettel chỉ giành được bốn chiến thắng, còn lại là hai trận hòa và sáu trận thua, tạm thời xếp thứ 11 trên bảng xếp hạng V-League. Có những trận thua, như thua HAGL 0-3 ngay trên sân nhà thì xem băng hình đến vài lần, chinh chiến tại K-League bao năm, ông Lee Heung-sil cũng không tài nào hiểu được. Đối thủ ghi 3 bàn, nhận 1 thẻ vàng còn hàng thủ của chủ nhà Viettel thì đá như mơ ngủ và bỗng dưng…hiền lành một cách ngạc nhiên.
Đến trận hòa 3-3 với đội khách Than Quảng Ninh trên sân Hàng Đẫy thì còn kỳ lạ hơn. Hơn 30 phút đầu Viettel ghi liền 2 bàn thắng, rồi đội hình chùng xuống để đối phương gỡ hòa 2-2, rồi ngoại binh Joao Souza tràn lên tấn công vươn lên dẫn 3-2. Nhưng rồi họ lại để Mạc Hồng Quân của Than Quảng Ninh ghi bàn vào phút cuối gỡ hòa 3-3 khi mà hàng phòng thủ có những tuyển thủ quốc quốc gia Ngọc Hải, Tiến Dũng… dù có ông Park Hang-seo trên khán đài.
Đến giờ, HLV Lee Heung-sil đã làm hết cách với hàng phòng thủ, Viettel hết chơi với sơ đồ 3 hậu vệ, rồi chuyển sang 4 hậu vệ vẫn bị thủng lưới. Gia cố chất thép cho hàng tiền vệ, vẫn không thể bịt được đối thủ ghi bàn. Trong 3 trận giữ sạch lưới trước Nam Định, Quảng Nam và SLNA thì có 2 trận sân nhà, chiến thắng 2-0 trên sân Tam Kỳ được cho là trận đấu hay nhất dưới thời HLV Lee Heung-sil.
Nghiệt ngã V-League
Thực ra, 2 trận trên sân nhà ông Lee Heung-sil ngồi bất động trên băng ghế kỹ thuật để trợ lý Hải Biên chỉ đạo trận đấu, trước khi lên đường về Hàn Quốc...nghỉ phép và không trở lại Việt Nam (?!!). Joao De Souza vẫn đang ghi bàn đều đều, với 7 bàn thắng có được ngoại binh này đang dẫn đầu danh sách ghi bàn tại V-League 2019. Trọng Hoàng đã bắt đầu thi đấu từ vòng đấu này, nhưng Lee Heung-sil đã “hết duyên” với Viettel, nên việc chia tay là điều tốt cho cả hai.
Việc Viettel tạm thời xếp thứ 11 trên bảng xếp hạng V.League là nguyên nhân khiến ông thầy Hàn quốc phải ra đi (ảnh Thethaovanhoa)
|
V-League không phải là ngôi nhà hạnh phúc đối với các HLV ngoại. Trước HLV Lee Heung- sil, một nhà cầm quân Hàn Quốc khác là ông Chung Hae-seong của HAGL cũng đã bị sa thải chỉ sau một mùa cầm quân tại phố Núi khi không thể đưa HAGL vào top 5 V-League 2018.
CLB TP.HCM cũng nói lời chia tay với HLV Miura, nhà cầm quân người Nhật Bản từng nắm đội tuyển Việt Nam nhưng vẫn thất bại ở cấp CLB. HLV Marian Mihail rời FLC Thanh Hóa chỉ sau bốn tháng cầm quân… chiến lược gia người Romania trước khi rời Việt Nam đã chua chát: "Ông phải rời đội bóng xứ Thanh là bởi, có một nhóm các cầu thủ đã "tạo phản"".
Lee Heung- sil ra đi và nếu người mới đến khiến Viettel đá khởi sắc thì cũng là chuyện bình thường. Danh sách những nhà cầm quân người Hàn Quốc làm việc tại Viêt Nam tạm thời bớt đi 1 người mà thôi. Bóng đá thế giới vẫn có những chuyện như thế và V-League đã có rất nhiều chuyện như thế.
Chuyện 4 HLV nội
Vị “thuyền trưởng” đầu tiên rời V.League 2019 chính là HLV Trần Minh Chiến. Khi không kiểm soát được phòng thay đồ của B.Bình Dương, thì lòng tự trọng đã khiến ông buông bỏ. Nhưng với đẳng cấp đã được khẳng định HLV Trần Minh Chiến đã nhanh chóng được đội bóng hạng Nhì – CLB Bà Rịa – Vũng Tàu mời về cầm quân.
Đội bóng Phố Núi cũng thay đổi vị trí nhà cầm quân, một cuộc chia tay trong hòa bình vì HLV Dương Minh vẫn có mặt trong Ban huấn luyện của đội chủ sân Pleiku. Nhận thấy nếu cứ “tấn công không phòng thủ” như HLV họ Dương thì HAGL sẽ sớm chìm xuống đáy BXH nên bầu Đức đã phải ra tay. Giám đốc kỹ thuật người Hàn Quốc Lee Tae-hoon là người lên thay và nhiệm vụ đầu tiên của ông là làm cho Văn Toàn, Tuấn Anh không còn chơi bóng hồn nhiên như trước nữa.
Số phận HLV Hoàng Văn Phúc khá giống với HLV Claudio Ranieri, dẫn dắt Leicester vô địch Premier League 2015-2016 và sớm bị sa thải sau đó khi thành tích đội bóng nết bát (ảnh Onsport)
|
Chỉ sau cuộc gặp gỡ ngắn với sếp CLB thì HLV Hoàng Văn Phúc rời đội bóng. Dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Văn Phúc, CLB Quảng Nam đã giành được 1 chức vô địch V.League và 1 Siêu cúp QG (2017). Số phận của ông khá giống với HLV Claudio Ranieri, dẫn dắt Leicester vô địch Premier League 2015-2016 và sớm bị sa thải sau đó khi thành tích đội bóng nết bát. Không ai được nghe nội dung cuộc nói chuyện là gì, có điều phải công nhận ông Phúc là người đàn ông tự trọng. Tiễn học trò vào Nha Trang thi đấu với S.Khánh Hòa, còn mình lặng lẽ khoác ba lô về nhà, kín tiếng với báo chí.
Giống như HAGL, HLV Nguyễn Văn Sỹ là nhà cầm quân thứ 4 rời chức vụ trong hòa bình. Người lên thay chính là chính là người anh trai ruột – HLV Nguyễn Văn Dũng, lâu nay vẫn ngồi chung cabin kỹ thuật. Thực ra đây là kế “ve sầu thoát xác”. CLB Dược Nam Hà Nam Định đang thi đấu V-League 2019 theo định hướng của Văn Sỹ mà không đăng ký chức danh cho người tuổi 49, tuổi kỵ theo quan điểm của người Việt Nam.
Như vậy, trong 4 cuộc chia tay thì xem ra chỉ có HLV Dương Minh Ninh và Nguyễn Văn Sỹ là vẫn giữ được nụ cười vẫn đọng trên môi. Nhưng bất luận dù lý do ra đi là gì thì V-League 2019 đang rộ lên xu thế “quân thua, chém tướng” bất luận thành tích trong quá khứ như thế nào. Chắc một điều, con số người ra đi sẽ không chỉ dừng ở con số 5 bởi V-League 2019 mới chỉ non nửa chặng đường.