Ủy viên Chính Hiệp Trung Quốc: Ông Biden lên, cục diện ‘Trung-Mỹ tất có chiến tranh’ không thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cuộc bầu cử Mỹ đã đi đến hồi kết. Ông Biden đã có bài phát biểu trước cả nước. Các cơ quan truyền thông lớn của Mỹ đều thông báo ông đã chiến thắng; các nguyên thủ quốc gia Canada, Đức, Ireland, Anh, Pháp...đã chúc mừng ông thắng cử.

Giáo sưL]u Triệu Giai, Ủy viên Chính Hiệp Trung Quốc cho rằng: “Ông Biden nắm quyền, cục diện ‘Trung – Mỹ tất có chiến tranh’ sẽ không thay đổi!” (Ảnh: Dwnews).
Giáo sưL]u Triệu Giai, Ủy viên Chính Hiệp Trung Quốc cho rằng: “Ông Biden nắm quyền, cục diện ‘Trung – Mỹ tất có chiến tranh’ sẽ không thay đổi!” (Ảnh: Dwnews).

Trong lúc bà Thái Anh Văn và cơ quan ngoại giao Đài Loan đã lên tiếng chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden thì chính phủ Trung Quốc vẫn giữ im lặng. Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) chiều 8/11 đã đăng bài phỏng vấn Giáo sư Lưu Triệu Giai (Professor Lau Siu-kai), Ủy viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), Phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Hồng Kông và Ma Cao toàn quốc, cựu Cố vấn hàng đầu tổ Chính sách trung ương của chính quyền Đặc khu Hồng Kông, giáo sư thỉnh giảng Đại học Trung văn Hồng Kông. Nội dung phỏng vấn tập trung vào xu hướng của quan hệ Trung-Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Dưới đây là toàn văn bài trả lời phỏng vấn của ông Lưu Triệu Giai:

Đa Chiều: Hiện nay, tất cả các bên đều rất quan tâm đến việc bản thân nước Mỹ sẽ thay đổi như thế nào sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền với một loạt câu hỏi đặt ra là: quan hệ Trung - Mỹ sẽ thay đổi như thế nào, thế giới sẽ thay đổi ra sao. Trước tiên hãy nói về vấn đề đầu tiên: Sau khi ông Joe Biden lên, nước Mỹ sẽ có những thay đổi lớn như thế nào?

Giáo sư Lưu Triệu Giai, học giả Hồng Kông hiện đang giữ chức Ủy viên Chính Hiệp Trung Quốc (Ảnh:master.insight.com).

Giáo sư Lưu Triệu Giai, học giả Hồng Kông hiện đang giữ chức Ủy viên Chính Hiệp Trung Quốc (Ảnh:master.insight.com).

Giáo sư Lưu Triệu Giai: Tình hình chính trị trong nước của Hoa Kỳ vẫn chưa có sự thay đổi cơ bản do cuộc bầu cử tổng thống. Nước Mỹ vẫn đang trong tình trạng bế tắc với mức độ phân hóa cao và nội bộ chia rẽ. Sau cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn chính trị trong nước lâu dài, với những cuộc đấu tranh không ngừng về chủng tộc, dân tộc, đảng phái, giai cấp, thế hệ, khu vực, tôn giáo và quan niệm giá trị.

Tình hình kinh tế của Mỹ sẽ tiếp tục xấu đi, người Mỹ sẽ tiếp tục bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19; vấn đề nợ nần chồng chất cũng sẽ gây ra những rắc rối lớn. Những xung đột chính trị, luật pháp và bạo lực nổ ra sau cuộc bầu cử tổng thống cũng sẽ đặt nước Mỹ vào tình trạng xung đột, đấu đá nội bộ liên miên trong một khoảng thời gian.

Đa Chiều: Tuy nội bộ nước Mỹ còn nhiều khó khăn và mâu thuẫn, nhưng dường như giới chính trị và học thuật Trung Quốc đều nhận định rằng, sau khi ông Joe Biden nhậm chức, không những ông Biden sẽ có rất ít thay đổi đối với nước Mỹ mà quan hệ Trung - Mỹ cũng không thể tốt hơn. Trái lại, về mặt chiến lược, sẽ càng tồi tệ hơn...

Giáo sư Lưu Triệu Giai: Sau khi ông Biden tuyên bố đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, trong tình hình Trung Quốc không còn là vấn đề trong bầu cử và không còn áp lực bầu cử, ông ta nên nhìn nhận lại chính sách kiềm chế Trung Quốc trong những năm qua và đánh giá kỹ lưỡng thành công hay thất bại, được và mất của chính sách đó. Mục tiêu kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy của Mỹ sẽ không thay đổi, nhưng ông Biden hiểu rõ rằng chỉ một mình Mỹ sẽ không thể lật đổ Trung Quốc. Do đó, tôi tính toán rằng Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào sử dụng các thủ đoạn chính trị, quân sự và ngoại giao (đương nhiên không từ bỏ các thủ đoạn kinh tế, công nghệ và tài chính) để ép buộc Trung Quốc, mục đích là giảm cái giá phải trả về kinh tế lợi ích.

Ông Lưu Triệu Giai: Mỹ sẽ lôi kéo các đồng minh, tái lập các mối quan hệ liên minh để chống Trung Quốc.

Ông Lưu Triệu Giai: Mỹ sẽ lôi kéo các đồng minh, tái lập các mối quan hệ liên minh để chống Trung Quốc.

Ví dụ, Mỹ sẽ lôi kéo các "đồng minh", đặc biệt là các nước phương Tây và Nhật Bản, trao lại cho họ một số lợi ích trong thương mại, tái lập các mối quan hệ liên minh (an ninh, thương mại) với họ, cùng nhau ép buộc Trung Quốc thay đổi chiến lược ngoại giao, kinh tế và quân sự. Mỹ sẽ quay lại coi trọng vai trò của các tổ chức quốc tế và các điều ước quốc tế, đồng thời sử dụng chúng làm nền tảng để tranh giành sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với Trung Quốc.

Mỹ sẽ cố gắng kích động ly gián quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, thậm chí hy vọng sẽ kéo Nga về phía trận tuyến của phương Tây. Trong vấn đề Biển Đông, Mỹ sẽ tăng cường phá hoại quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và Malaysia. Mỹ sẽ tiếp tục đưa Đài Loan và Ấn Độ vào chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do” nhằm mục đích bao vây ngăn chặn Trung Quốc, cho họ đóng vai trò kiềm chế Trung Quốc.

Đa Chiều: Trước cuộc bầu cử Mỹ, liên tiếp có các giả thuyết “tất có chiến tranh” giữa Trung Quốc và Mỹ, Chiến tranh Lạnh mới...,Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, xu hướng chung này vẫn không thay đổi, có điều phương thức “chiến tranh” sẽ có thay đổi mà thôi.

Giáo sư Lưu Triệu Giai: Đúng vậy. Hầu như tất cả các chính trị gia, đảng phái chính trị, các think tank, học giả và chuyên gia của Mỹ đều không chấp nhận đề xuất Mỹ và Trung Quốc “ngồi ngang hàng bình đẳng”, tôn trọng lẫn nhau, cùng nỗ lực vì hòa bình thế giới và hạnh phúc của nhân loại. Vì vậy, sự bất đồng giữa các đảng phái và các thế lực khác nhau ở Mỹ chỉ nằm ở phương thức, sách lược, lĩnh vực, tốc độ và sự sẵn sàng trả giá để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc mà thôi.

Dựa trên điều này, ngay cả khi ông Joe Biden lên nắm quyền, việc Mỹ ngăn chặn Trung Quốc toàn diện, nhiều cấp độ và mạnh mẽ đã là một thực tế và chính sách quốc gia không thể thay đổi, đặc biệt là trong các lĩnh vực quân sự, ngoại giao, công nghệ, tài chính, thương mại và hình thái ý thức. Cho đến nay, mặc dù đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ mâu thuẫn với nhau trong nhiều vấn đề, nhưng họ lại đồng thuận hiếm thấy về chính sách đối với Trung Quốc, tình hình giống như Chiến tranh Lạnh giữa phương Đông và phương Tây sau khi Thế chiến II kết thúc hồi thế kỷ trước.

Ông Lưu Triệu Giai: mặc dù đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ mâu thuẫn với nhau trong nhiều vấn đề, nhưng họ lại đồng thuận hiếm thấy về chính sách đối với Trung Quốc (Ảnh: ShenzhenTV).

Ông Lưu Triệu Giai: mặc dù đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ mâu thuẫn với nhau trong nhiều vấn đề, nhưng họ lại đồng thuận hiếm thấy về chính sách đối với Trung Quốc (Ảnh: ShenzhenTV).

Từ nay về sau, Mỹ chắc chắn sẽ cố gắng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc càng nhiều càng tốt, và Trung Quốc cũng sẽ giảm phụ thuộc vào Mỹ nhiều nhất có thể. Chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ không chỉ được thể hiện trong nhiều chính sách và biện pháp; mà quan trọng hơn, nó không ngừng được củng cố, làm sâu sắc, tăng cường và mở rộng thông qua các biện pháp pháp lý. Một loạt đạo luật và quy định do Mỹ xây dựng nhằm vào Trung Quốc Đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng, PLA, khoa học - công nghệ, doanh nghiệp, truyền thông, quan chức, đảng viên và học giả Trung Quốc đã hình thành nên các chuẩn mực và hạn chế vững chắc trong chính sách đối với Trung Quốc của chính phủ Mỹ sẽ không dễ dàng bị bãi bỏ hoặc thay đổi./.

Giáo sư Lưu Triệu Giai (Lau Siu-kai), sinh năm 1947, người tỉnh Quảng Đông, là học giả nổi tiếng ở Hồng Kông. Ngoài nghiên cứu học thuật và giảng dạy ở Đại học Trung Văn Hồng Kông, ông còn tích cực tham gia chính trường. Năm 1993, ông được chính phủ Trung Quốc ủy nhiệm làm Cố vấn về vấn đề Hồng Kông, cùng năm được Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc (Quốc hội) cử làm Ủy viên Ủy ban trù bị Đặc khu Hồng Kông; từ 2003 đến nay liên tục là Ủy viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp); từ 2002 đến 2012 ông là Cố vấn hàng đầu của Tổ chính sách trung ương bên cạnh chính quyền Đặc khu Hồng Kông.