Trái ngược với sự sụt giảm kỷ lục giá dầu và đồng rúp Nga, năm 2014 là đánh dấu sự khởi sắc của đồng USD.
Giá trị của đồng bạc xanh liên tục tăng mạnh cùng với dấu hiệu phục hồi ấn tượng của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt với con số tăng trưởng đến 5% trong quý III/2014.
Đồng USD mạnh sẽ có rất nhiều tác động tích cực lên nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, không phải là không tồn tại tiêu cực và rủi ro.
"Đây là thời điểm tốt để sở hữu vài xấp USD", tờ CNNMoney nhận định. Bởi chỉ trong hơn nửa năm, đồng bạc xanh đã tăng giá khoảng 20% so với đồng yên Nhật, và gần 15% so với đồng euro.
2014 là năm ảm đạm đối với nền kinh tế châu Âu, Nhật Bản và Nga, riêng chỉ có kinh tế Mỹ là có những bước đột phá.
Tăng trưởng quý III đạt 5% và tỷ lệ thất nghiệp còn thấp hơn cả trước cuộc khủng hoảng. Nên cũng không có gì khó hiểu khi đồng USD mạnh lên đáng kể so với các đồng tiền khác.
Sau khi Mỹ quyết định chấm dứt gói nới lỏng định lượng kéo dài 6 năm vào cuối tháng 10/2014, đồng USD càng mạnh hơn.
Reuters nhận định, "Sau khi Cục dự trữ liên bang bắt đầu nâng lãi suất, đà tăng của đồng bạc xanh sẽ còn tiếp tục kéo dài".
Theo tờ SBSNews, "Có lẽ vui mừng nhất là những người dân Mỹ bởi giới tài chính sẽ đầu tư vào USD, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế tại đây khiến thị trường việc làm hồi phục. Nghĩa là túi tiền của người dân vừa dày lên ít nhiều, mà tiền thì giá trị hơn nên họ có thể mua được nhiều hàng hóa hơn trước".
Tờ The Guardian thì cho rằng, "USD mạnh lên nghĩa là hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ trở nên rẻ hơn so với hàng nội địa, khiến châu Âu và các thị trường mới nổi châu Á có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, kéo theo tăng trưởng sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, đồng USD mạnh lên không hẳn là tin vui cho tất cả. Theo tờ The Wall Street Journal, những công ty Mỹ đang làm ăn nước ngoài có thể thấy doanh thu của mình bị hao hụt đáng kể nếu quy đổi về USD.
Tờ U.S News đánh giá, "Đồng USD càng mạnh thì giá dầu tiếp tục trượt dốc, bởi dầu được định giá chủ yếu bằng USD. Nghĩa là nhiều quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga hay Venezuela sẽ có nguy cơ rơi vào suy thoái, gây ảnh hưởng tới sự cân bằng kinh tế toàn cầu".
Tờ Forbes thì cho rằng, "Chịu thiệt nhiều nhất sẽ là các nền kinh tế mới nổi. Bởi khi đồng bạc xanh tăng giá ngày càng mạnh, nhiều nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với những khoảng nợ tính bằng USD ngày càng đắt đỏ, làm tăng gánh nặng ngân sách và kìm hãm tăng trưởng".
Tờ The Wall Street Journal nhận định, "Nếu xu hướng tăng giá của USD tiếp tục thì lợi cũng nhiều và rủi ro cũng không ít. Và để khắc phục rủi ro, không thể yêu cầu kinh tế Mỹ chậm lại được mà chỉ còn cách bắt thị trường toàn cầu cần nhanh chóng tìm ra biện pháp tăng trưởng để bắt kịp với sức bật của đồng bạc xanh".
Theo: BizLive