Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước 2.040 tỷ đồng từ nguồn thu bán cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng để hỗ trợ Bộ NNPTNT và các địa phương thực hiện các dự án cấp bách khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KHĐT thông báo cho Bộ NNPTNT và các địa phương liên quan về tổng mức vốn, danh mục công trình dự án được hỗ trợ. Bộ KHĐT chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác các thông tin của các dự án được hỗ trợ vốn; đồng thời, hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục đầu tư liên quan đối với dự án cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KHĐT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án sử dụng nguồn thu từ bán cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 vào thời điểm phù hợp, trong đó bố trí 2.040 tỷ đồng để hoàn trả số vốn ứng đã được trước nêu trên.
Bộ NNPTNT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ vốn có trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khẩn cấp theo đúng quy định; đồng thời, chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số vốn được hỗ trợ, bảo đảm đúng mục đích và hiệu quả đầu tư.
Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án khẩn cấp thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.
Trước đó, tại cuộc làm việc của Văn phòng Chính phủ với Bộ KHĐT hôm 25/8, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết do Bộ KHĐT không cùng quan điểm với Bộ NNPTNT, mà 2.000 tỷ đồng khẩn cấp chữa “khát” cho ĐBSCL đã bị... treo, mà chưa thể giải ngân.
Số 2000 tỷ đồng này được phân bổ từ hơn 10.000 tỷ đồng vốn dư của dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Đáng ra, số tiền này phải phân bổ cho ĐBSCL từ tháng 5, 6, nhưng hiện quá hạn mà vẫn chưa có tỉnh nào rút được 1 đồng tiền hỗ trợ cho đợt khô hạn năm nay.
Về nguyên nhân, Bộ KHĐT cho biết, Bộ chủ trương chia đều cho mỗi tỉnh bị hạn mặn khoảng 80 tỷ đồng để giải quyết ngay những việc bức thiết như nạo vét hồ chứa nước, khơi kênh rạch dẫn nước về đồng…
Nhưng Bộ NNPTNT lại muốn "kèm" vào việc sử dụng số tiền này một số dự án dang dở của ngành nông nghiệp.
Do sự chưa thống nhất về quan điểm này giữa hai bộ, đến nay 2000 tỷ đồng vẫn chưa được giải ngân, mà bị ách lại đến nay.
Cho đến quyết định ứng tiền lần này của Chính phủ, dường như quan điểm của Bộ NNPTNT đã thắng thế, khi tiền được chi cho các dự án cấp bách khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016.
Tuy nhiên, chi cho các dự án nào sẽ thuộc quyền quyết định của Bộ NNPTNT, với giám sát của Bộ KHĐT và Bộ Tài chính. Nguồn tiền ứng để chi cho các dự án sẽ từ tiền bán cổ phần DNNN