Theo kết quả của năm nay, chúng tôi ước tính rằng sự gia tăng giá cả tiêu dùng sẽ vào khoảng 40% và sẽ có sự giảm bớt trong những năm tiếp theo, nhưng lạm phát dưới một con số sẽ chỉ có thể có lại sớm nhất vào cuối năm 2017 đến đầu năm 2018", ông Anastasia Golovach cho biết thông tin tỉ lệ lạm phát của Ukraine trong năm 2015 là khoảng 40% khiến nước này đứng bên bờ vực phá sản.
Hồi đầu tháng 4 này, Phó Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Dmytry Sologub đã dự báo rằng lạm phát trong cả năm của Ukraine sẽ không dưới 30%.
Năm ngoái, chỉ trong tháng 12.2014, tỉ lệ lạm phát của Ukraine đã lên tới con số khó tin là 24,9%, theo một báo cáo của Tổng cục thống kê Nhà nước Ukraine.
Nền kinh tế Ukraine tuột dốc không phanh do tình hình mất ổn định trong nước cũng như cuộc xung đột vũ trang tại miền Đông Ukraine, khu vực đóng góp một phần quan trọng thu ngân sách của đất nước này nhờ ngành công nghiệp mỏ và chế tạo.
Giá của đồng nội tệ Ukraine là đồng hryvnia, đã liên tục giảm kể từ tháng 2 năm ngoái sau khi cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovich thành công, chính quyền Kiev từ đó đến nay phải dựa phần lớn vào viện trợ từ phương Tây để tránh phải bị phá sản hoàn toàn.
Tháng 3.2015, Ukraine được bơm 5 tỉ USD từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), đợt đầu tiên trong gói cho vay trị giá 17.5 tỉ USD sẽ được giải ngân cho Ukraine trong bốn năm tới.
Liên minh châu Âu cũng đã cam kết một gói viện trợ trị giá lên tới 15 tỉ USD cho Ukraine.
Đầu tháng 3.2015, Ngân hàng Trung ương Ukraine đã nâng mạnh lãi suất từ 19,5% lên 30% nhằm kiềm chế lạm phát, hỗ trợ đồng nội tệ. Tuy nhiên, theo dự báo của chính quyền Ukraine thì trong năm nay GDP nước này sẽ giảm ít nhất 5%. Chính quyền Kiev cũng đã phải cam kết một loạt chính sách với IMF và EU để được tiếp cận các gói cứu trợ kinh tế.
Theo Một thế giới