Lực lượng quân đội Úc đang xem xét khả năng tham gia của Mỹ trong các sứ mệnh tuần thám đường không và đường biển nhằm đảm bảo “tự do hàng hải” trên các vùng nước và không phận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp bằng cách nạo vét cát đá đáy biển và đổ ồ ạt lên các rạn san hô và đá chìm, hình ảnh của hành động phi pháp này đã được ghi lại bởi rất nhiều các bức không ảnh vệ tinh.
Hãng truyền thông Fairfax Media cho rằng các cuộc tuần thám tương lai của Úc là kết quả của mối quan tâm cao độ do Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự của mình và hạ đặt căn cứ quân sự cắt ngang vùng biển quốc tế. Biển Đông là tuyến đường thương mại quan trọng có tầm chiến lược đặc biệt đối với các nước châu Á-Thái Bình Dương như Úc, một trong ba tuyến vận tải thương mại quá cảnh thế giới đến các biển cận biên.
Theo Reuters, thứ Tư tuần này, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ash Carter kêu gọi Trung Quốc và các nước châu Á khác chấm dứt các hoạt động bồi đắp, xây dựng các đảo trong và xung quanh Biển Đông.
Máy bay và tàu chiến Mỹ tiến hành những hoạt động thực hiện sứ mệnh "tự do hàng hải", ông Carter tuyên bố sẽ tiếp tục sứ mệnh này theo luật pháp quốc tế. Theo các quan chức quân sự Mỹ, sứ mệnh này được định hướng để chống lại những yêu sách đòi hỏi “chủ quyền” phi pháp của Trung Quốc. Các quan chức Úc quan ngại khả năng Trung Quốc sẽ lắp đặt các radar cảnh báo sớm cũng như các loại vũ khí trang bị phòng không tầm xa trên quần đảo Trường Sa.
Tại diễn đàn ở Sydney vào đêm cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Dennis Richardson tuyên bố: những hành động chiếm đoạt và bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông có liên quan đến các mục đích quân sự.
""Đó là lý do chính cần nghi ngờ về việc xâm chiếm và bồi đắp đảo – hoàn toàn không giống như vấn đề du lịch," ông nói.
"Với quy mô và tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, việc bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc cho các mục đích quân sự sẽ được quan tâm đặc biệt."
Các quan chức Bộ quốc phòng Úc sẽ báo cáo ngắn với thủ tướng Tony Abbott trong hai tuần tới về tình hình và dự kiến đề nghị thực hiện các hoạt động như tham gia bay thám sát trên vùng nước quốc tế Biển Đông, các hoạt động hải quân và diễn tập chung với các đối tác khác trong khu vực.
Việc đánh giá mối đe dọa chiến lược cũng như những hành động dự kiến sẽ được cập nhật và bổ xung đầy đủ thông tin để Chính phủ Úc có thể đưa ra Sách trắng về Quốc phòng lần thứ nhất.
Tàu tuần tra HMAS Larrakia (số hiệu 84) của Hải quân Hoàng gia Australia do Thiếu tá David Mc Pherson làm Thuyền trưởng thăm hữu nghị Việt Nam và Quân chủng Hải quân tại TP HCM từ 25 - 28/9/2014
Thứ ba tuần qua Trung Quốc đã công bố Sách trắng Quốc phòng, một thông điệp mạnh mẽ đến các nhân tố "nước ngoài" như Mỹ và Nhật Bản, được cho là những nước "can thiệp tích cực vào tình hình Biển Đông".
Dưới đây là một đoạn trích từ Sách trắng:
“Về các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, lợi ích quốc gia của Trung Quốc, một số các nước láng giềng biển có những hành động khiêu khích và tăng cường sự hiện diện quân sự trên các rạn san hô và các đảo mà họ đã chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc.
Một số quốc gia bên ngoài cũng là can thiệp tích cực vào tình hình nội bộ ở Biển Đông; một số các phương tiện nhỏ duy trì liên tục các hoạt động do thám và giám sát trên mặt nước và trên không với mục đích chống lại Trung Quốc. Do đó, nhiệm vụ lâu dài của Trung Quốc là bảo vệ những quyền và lợi ích hàng hải của mình”.
Tuần trước Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken phát biểu: vấn đề xâm lấn đảo và rạn san hô của Trung Quốc trên Biển Đông đã phá hoại tự do hàng hại và sự ổn định khu vực, một hành động liều lĩnh gây căng thẳng và có thể dẫn đến nguy cơ xung đột.
Theo: QPAN