UBCKNN xử phạt nặng Điện cơ Thống Nhất vì không đăng ký giao dịch

VietTimes -- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt CTCP Điện cơ Thống Nhất (Vinawind - Mã cổ phiếu: VNW) với số tiền tổng cộng lên tới 410 triệu đồng vì 2 lỗi vi phạm là không đăng ký giao dịch chứng khoán và chậm công bố thông tin. Quyết định xử phạt sẽ có hiệu lực kể từ ngày 6/5/2019.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bị xử phạt 410 triệu đồng vì mắc 2 lỗi vi phạm

Trong đó, đối với vi phạm không đăng ký giao dịch chứng khoán, Vinawind đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt số tiền là 350 triệu đồng.

Bên cạnh đó, UBCKNN cũng quyết định xử phạt Vinawind số tiền là 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Vinawind đã công bố thông tin không đúng thời hạn đối với Nghị quyết Hội đồng quản trị số 133/NQ-ĐCTN-HĐQT ngày 23/7/2018 về việc tuyển dụng và bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Quyết (sinh năm 1978) làm Kế toán trưởng; và Nghị quyết Hội đồng quản trị số 156/NQ-ĐCTC-HĐQT ngày 29/8/2018 về việc miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc.

Được biết, cũng vì lý do không đăng ký giao dịch, UBCKNN đã nhiều lần tiến hành xử phạt hành chính với mức phạt tương đương với một số doanh nghiệp khác như: Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco1), CTCP Dệt may Thắng Lợi, CTCP Thiết bị Thủy Lợi… từ cuối năm 2018 tới nay.

Có thể thấy, việc xử phạt diễn ra đối với nhiều công ty có “gốc” Nhà nước sau khi thực hiện cổ phần hóa không chỉ riêng trường hợp của Vinawind.

Tháng 3/2015, với tình hình tài chính và kết quả kinh doanh khả quan, thương vụ IPO của Vinawind đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Kết quả, có 4 nhà đầu tư trúng giá với mức giá đấu thành công bình quân lên tới 42.383 đồng/cổ phần, gấp 4 lần giá khởi điểm, để sở hữu 40,22% vốn điều lệ của Vinawind.

Tới ngày 30/3/2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã thực hiện thoái toàn bộ phần vốn nhà nước còn lại, chiếm tỷ lệ 46,8% vốn của Vinawind, với mức giá đấu thành công bình quân là 42.514 đồng/cổ phần, thu về số tiền lên tới 285,14 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 3/2018, Vinawind đã được UBCKNN chấp thuận hồ sơ đăng ký và trở thành công ty đại chúng.

Cổ đông lớn liên tục thoái vốn trước ĐHĐCĐ

Tính tới ngày 31/12/2018, cơ cấu cổ đông của Vinawind có sự góp mặt của 2 cổ đông tổ chức sở hữu lượng lớn cổ phần là Tổng CTCP Bảo hiểm hàng không và Công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội với tổng tỷ lệ sở hữu chiếm 40,22% vốn điều lệ. Trong khi đó, đa số cổ phần, chiếm 59,78% vốn, do các cổ đông khác nắm giữ.

Kể từ đầu năm 2019 tới nay, Vinawind tiếp tục chứng kiến sự biến động trong cơ cấu cổ đông khi một số cổ đông cá nhân sở hữu lượng lớn cổ phiếu liên tục thoái vốn.

Cụ thể, ngày 21/2/2019, bà Đặng Thị Phương Loan đã có báo cáo về việc bán toàn bộ hơn 1,27 triệu cổ phần đang nắm giữ (chiếm 8,92% vốn) và không còn là cổ đông lớn. Cùng ngày, ông Trần Quang Huy cũng đã thực hiện thoái toàn bộ 1,262 triệu cổ phần VNW (tương đương với 8,83% vốn điều lệ) đang nắm giữ. Tới ngày 10/4/2019, ông Bùi Quốc Doanh cũng thực hiện báo cáo giao dịch bán ra toàn bộ 1,344 triệu cổ phiếu VNW (chiếm tỷ lệ 9,40%) và không còn là cổ đông lớn.

Ở chiều hướng ngược lại, hiện vẫn chưa rõ đối tác đã nhận chuyển nhượng số cổ phần VNW kể trên.

Không chỉ ghi nhận biến động trong cơ cấu cổ đông, ngày 20/3/2019, HĐQT Vinawind đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Lê Văn Hoài (sinh năm 1977) theo nguyện vọng. Đồng thời, HĐQT Vinawind cũng bổ nhiệm ông Bùi Huy Chiến (sinh năm 1948) đảm nhiệm chức vụ này.

Biến động trong cơ cấu cổ đông và nhân sự cấp cao phần nào ảnh hưởng tới việc tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của công ty này. Ngày 25/4 vừa qua, Vinawind đã thông báo hoãn họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 với lý do thay đổi về nhân sự Tổng Giám đốc và để tập trung hơn vào công tác sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mùa vụ./.