Buffett từng nói rằng "sự khác biệt giữa những người thành công và những người thực sự thành công chính là những người thực sự thành công nói "không" với gần như mọi thứ". Hãy suy nghĩ về điều này. Bạn nói "không" với điều gì? Theo quan điểm của một số người, "không" ở đây có nghĩa là đặt ra giới hạn với các thói quen không mong muốn, và điều này giúp con người tiến xa hơn.
Đối với phần lớn chúng ta, nhịp độ hối hả của cuộc sống và công việc luôn là trở ngại trong việc xem xét xem điều gì đang níu chúng ta lại. Đây là một gợi ý: Hãy nghĩ về tất cả những thứ mà bạn cam kết, những thứ khiến bạn xao nhãng, trở ngại về tâm lý, và những thứ mà chính bạn cho phép chúng kiểm soát cuộc sống của bạn.
Giờ thì điều gì mà bạn nên nói "không"? Sau đây là một số thứ được các chuyên gia khuyến nghị.
Nói "không" với quá nhiều mục tiêu và ưu tiên
Buffett từng đưa ra lời khuyên về cuộc sống, trong đó tích hợp cá tính của ông qua 3 bước làm thay đổi cuộc sống và hướng đến thành công. Và chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng các bước này: Viết ra một danh sách gồm 25 mục tiêu hàng đầu trong sự nghiệp. Khoanh tròn 5 mục tiêu quan trọng và cấp thiết nhất. Sau đó gạch bỏ 20 mục tiêu còn lại, dù chúng có quan trọng như thế nào.
Buffett nói rằng, 20 mục tiêu còn lại là các ưu tiên cấp thấp hơn và không cấp thiết; bởi vậy, bất kỳ nỗ lực đầu tư nào cho chúng đều khiến bạn mất tập trung và tiêu hao năng lượng mà đáng lẽ ra nên để thực hiện 5 mục tiêu hàng đầu.
Nói "không" với chủ nghĩa hoàn hảo
Chủ nghĩa hoàn hảo là một kiểu tiếp cận sẽ ngấm ngầm đầu độc một đội ngũ làm việc. Cùng với tâm lý phủ nhận, chủ nghĩa hoàn hảo sẽ khiến người ta tự lụi bại thông qua những hành động tiêu cực có thể gây ra đủ kiểu tổn thất.
Nói "không" với sự chần chừ
Thú vị thay, sự chần chừ cũng liên hệ chặt chẽ với chủ nghĩa hoàn hảo. Khi người ta không ngừng lo lắng về việc phải làm điều gì đó cho hoàn hảo, họ đóng băng ở đó, bị "tê liệt phân tích" và không thể làm nổi thứ gì khác nữa. Điều này càng trở nên tồi tệ nếu như sự chần chừ xuất hiện.
Nói "không" với tâm lý sợ thất bại
Đừng sợ mắc phải sai lầm. Hãy đối diện với những lỗi lầm như một phần của cuộc sống mà có thể đem lại cho bạn kinh nghiệm đáng nể. Nhưng đầu tiên, bạn cần phải có đủ lòng dũng cảm để phân tích sai lầm. Hãy học hỏi từ mọi sai lầm mà bạn gây ra, và các bạn sẽ trưởng thành.
Nói "không" với suy nghĩ tiêu cực
Nhà tâm lý học Carol Dweck qua quá trình nghiên cứu suốt nhiều thập kỷ đã đúc kết rằng, tư duy của chúng ta - cách mà chúng ta nhìn nhận bản thân - có tầm ảnh hưởng đáng kể tới cách mà chúng ta hành động. Dù bạn đặt ra mục tiêu gì để hoàn thành, dù cho trở ngại nào đang cản trở con đường tới thành công của bạn... hãy nhận thức rằng những cuộc chiến khó khăn nhất luôn nằm ở não bộ. Và con đường dẫn tới thành công hoặc thất bại luôn nằm trong tâm trí bạn. Như một câu ngạn ngữ: "Khi bạn cai trị được tâm trí, bạn cai trị cả thế giới của bạn. Khi bạn lựa chọn được suy nghĩ của mình, bạn chọn được kết quả".