Tháng trước, Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất thuộc Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đã công bố một bản báo cáo về vấn đề này.
Dựa trên các cuộc thăm dò được thực hiện trong suốt 5 năm qua, báo cáo này cho biết, 63% người Triều Tiên bỏ trốn khỏi nước này cho rằng ông Kim Jong Un nhận được sự ủng hộ từ đại bộ phận người dân Triều Tiên.
Những người đưa ra ý kiến trong các cuộc thăm dò này đều trốn khỏi Triều Tiên trong thời gian 2010-2014, trong khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il qua đời.
Ít nhất thì một số nhà quan sát bên ngoài cũng tin vào tính xác thực của con số nói trên.
Chẳng hạn, học giả về Triều Tiên Andrei Lankov nói tốc độ tăng trưởng nhẹ của kinh tế Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong Un đã làm gia tăng sự ủng hộ của người dân dành cho ông so với vị lãnh đạo tiền nhiệm Kim Jong Il. Dưới thời ông Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong Un, Triều Tiên đã phải trải qua nạn đói khủng khiếp vào thập niên 1990.
Thay vì theo đuổi mô hình kinh tế tập trung như người cha và ông nội - nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành - ông Kim Jong Un đã tiến hành một số cải cách kinh tế nhỏ. Trong số các cải cách này có việc cho phép người nông dân được giữ lại một phần sản lượng thu hoạch được. Tuy còn khó xác định hiệu quả, những biện pháp cải cách này có vẻ như đã giúp làm gia tăng mức sống của một bộ phận người dân Triều Tiên.
Theo ông Gareth Johnson, nhà sáng lập công ty Young Pioneers Tours chuyên tổ chức các tour du lịch tới Triều Tiên, người dân nước này đã trở nên lạc quan hơn kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền.
“Theo kinh nghiệm cá nhâni, tôi cho rằng người Triều Tiên hứng khởi trước sự khởi sắc của đất nước và triển vọng kinh tế dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un”, ông Johnson, người đã tới Triều Tiên nhiều lần từ năm 2008 nói.
Những nhận định này về tình hình ở Triều Tiên vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng. 85% những người được khảo sát ý kiến trong cuộc thăm dò của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất đến từ hai tỉnh Ryanggang và Bắc Hwanghae của Triều Tiên, nên chưa thể mang tính đại diện cho người dân trên khắp các vùng miền của nước này.
Cho dù sự ủng hộ như vậy dành cho ông Kim Jong Un là có thật, thì cũng không có gì đảm bảo sự ủng hộ đó sẽ tồn tại lâu dài. Mặc dù cho thấy hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, được lòng dân, bản báo cáo nói trên cũng có một số tín hiệu cảnh báo đối với ông Kim Jong Un.
Trong số những người Triều Tiên bỏ trốn khỏi đất nước trong năm ngoái, hơn 90% đổ lỗi cho ông Kim Jong Un hoặc Chính phủ Triều Tiên khiến nền kinh tế yếu kém.
“Theo tôi, vấn đề lớn đối với sự ủng hộ dành cho ông Kim Jong Un là điều gì sẽ xảy ra khi tăng trưởng khựng lại và mọi người nhận ra ông ấy chỉ làm được có như vậy”, một du khách đã nhiều lần tới thăm Triều Tiên đề nghị giấu tên nói.
Theo TBKTVN