Luke Lin, nhà phân tích tại đơn vị nghiên cứu của nhật báo DigiTimes Đài Loan, chuyên về công nghệ cho biết: “Tốc độ di chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ sẽ được đẩy nhanh trong tương lai do nhu cầu đa dạng hóa nhằm tránh rủi ro trước những bất ổn trong chính sách kiểm soát đại dịch của Trung Quốc”, trong một bài viết ngày 3/1.
Theo ông Lin, Ấn Độ đã vượt qua quốc Anh năm 2022 trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, được dự đoán sẽ chiếm 25% tổng sản lượng iPhone vào cuối năm 2023 và lên tới 40% vào năm 2025.
Ông Lin viết, Trung Quốc là quốc gia sản xuất tới 85% iPhone trên toàn cầu năm 2022, có nguy cơ mất vai trò thống trị như một trung tâm sản xuất thiết bị của Apple vì cuộc chiến công nghệ thương mại Mỹ-Trung . Ông kỳ vọng Ấn Độ và Việt Nam sẽ là “những quốc gia hưởng lợi lớn nhất” từ những nỗ lực của Apple nhằm chuyển nhiều hơn nữa chuỗi cung ứng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.
Các công nhân làm việc tại một dây chuyền lắp ráp bên trong khu phức hợp sản xuất điện thoại thông minh của Tập đoàn Công nghệ Foxconn ở Sri City, quận Tirupati thuộc bang Andhra Pradesh, phía đông nam Ấn Độ. Ảnh: YouTube |
Dự báo của DigiTimes Research tích cực hơn so với dự đoán trước đó của JPMorgan, cho rằng Ấn Độ sẽ lắp ráp 25% tổng số iPhone trên toàn thế giới vào năm 2025.
Tập đoàn Công nghệ Foxconn có trụ sở tại Đài Loan, tên chính thức là Hon Hai Precision Industry là một trong những nhà thầu mạnh nhất của Apple đang tăng cường đầu tư phát triển sản xuất tại Ấn Độ. Doanh nghiệp sản xuất theo hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới vào tháng 12 đã đầu tư 500 triệu USD vào công ty con ở Ấn Độ, Foxconn Hon Hai Technology India Mega Development.
Theo bản tin của DigiTimes, các thương hiệu điện thoại thông minh lớn khác cũng đang tăng cường tìm các phương án sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Samsung Electronics đã chuyển nhiều hơn năng lực sản xuất điện thoại thông minh Android ra khỏi Trung Quốc kể từ năm 2019, chủ yếu chuyển sang Việt Nam. Những bản tin trên truyền thông đại chúng cho rằng, hoạt động sản xuất điện thoại thông minh Samsung tại Trung Quốc dự kiến sẽ ngừng trong 5 năm tới, do tỷ lệ lắp ráp của Việt Nam và Ấn Độ lần lượt đạt 35% đến 40% và 40% đến 45% vào năm 2027.
Sản xuất iPhone 14 bị trì hoãn sau nhiều ngày biểu tình bạo lực tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu. Video SCMP. |
Xu hướng đó phản ánh mức độ gián đoạn trong ngành sản xuất của Trung Quốc, bao gồm những biện pháp hạn chế của Mỹ, các hoạt động cách ly tạm thời những địa bàn lây nhiễm trong đại dịch và các vấn đề khác liên quan đến Covid-19. Những gián đoạn và hậu quả của chính sách zero-Covid trở thành động lực thúc đẩy những thương hiệu toàn cầu như Apple và Samsung đẩy nhanh tiến độ thiết lập chuỗi cung ứng mới trên khắp châu Á.
Foxconn, nhà cung cấp iPhone chính của Apple đã và đang cố gắng khôi phục toàn bộ năng lực sản xuất tại khu liên hợp sản xuất ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam sau những gián đoạn nghiêm trọng, hậu quả từ các cuộc biểu tình của công nhân biến thành thành bạo lực và cuộc di tản của hàng chục nghìn nhân viên giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 10 năm ngoái.
Nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu đã phục hồi được khoảng 90% công suất tối đa tính đến ngày 30/12, theo bản tin của Nhật báo Hà Nam dẫn lời Wang Xue, phó giám đốc của nhà máy.
Theo bài viết của DigiTimes, những thương hiệu điện thoại thông minh khác ngoài Apple và Samsung cũng dự kiến sẽ giảm năng lực sản xuất kết hợp ở Trung Quốc tới 50% vào năm 2027 từ mức khoảng 70% vào năm 2023. Cũng theo bài viết này, tỷ lệ năng lực sản xuất của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên 35% trong cùng thời kỳ dự tính. Tỷ lệ năng lực sản xuất của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng tới 15%.
Theo South China Morning Post