Malaysia có kế hoạch áp thuế cao hơn đối với các loại đồ uống có đường, với hy vọng giảm lượng tiêu thụ đường của người dân trong bối cảnh chính phủ nước này hiện phải đối phó với tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và các bệnh không lây nhiễm khác gia tăng.
Đề xuất này, được Bộ trưởng Y tế Dzulkefly Ahmad công bố vào đầu tuần, dự kiến sẽ được đưa vào dự thảo ngân sách năm 2025 và trình lên Quốc hội vào ngày 18/10 tới.
Malaysia lần đầu tiên áp thuế đường vào năm 2019, với mức 0,4 ringgit (9 cent) mỗi lít đối với các loại đồ uống nhanh chứa hơn 5 gram đường trên 100 ml và các loại nước ép trái cây hoặc rau quả có lượng đường vượt quá 12 gram trên 100 ml. Các loại đồ uống pha chế tươi tại các quán ăn được miễn thuế.
Năm nay, chính phủ đã tăng mức thuế lên 0,5 ringgit mỗi lít. Ông Dzulkefly cho biết việc tăng thuế đã giúp giảm 9,25% lượng tiêu thụ đồ uống có đường trên toàn quốc.
"Số liệu cho thấy, thuế SSB (đồ uống có đường) đã thực sự góp phần giảm lượng tiêu thụ đường trong cộng đồng", ông Dzulkefly giải thích lý do chính phủ quyết định áp dụng mức thuế mới, theo tờ The Star.
Chi tiết cụ thể của chính sách mới vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, vào tháng 7, ông Dzulkefly đã gợi ý trong phiên họp Quốc hội rằng mức thuế có thể sẽ tăng thêm 20%.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Malaysia tiếp tục đối mặt với các vấn đề về sức khỏe cộng đồng, ngay cả sau khi thuế đường được áp dụng từ năm 2019.
Theo Khảo sát Sức khỏe và Bệnh tật Quốc gia 2023 của Bộ Y tế, khoảng 3,6 triệu người Malaysia, chiếm 15,6% dân số trưởng thành, đang mắc bệnh tiểu đường. Hơn nửa triệu người Malaysia đang phải đối mặt với các bệnh không lây nhiễm nghiêm trọng, bao gồm tiểu đường, cao huyết áp, cholesterol cao và béo phì. Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân và béo phì đã tăng từ 44,5% vào năm 2011 lên 54,4% trong năm 2023.
"Biện pháp mà chính phủ có thể đưa ra là khiến việc tiêu thụ đường trở nên kém hấp dẫn hơn, bằng cách tác động vào túi tiền của người dân. Điều này không thể hoàn toàn giảm thiểu các bệnh không lây nhiễm, nhưng tôi tin rằng đây là bước đi đúng đắn", Christopher Lee, cựu quan chức cấp cao trong ngành y tế Malaysia, chia sẻ với Nikkei Asia. "Bước tiếp theo cần phải là giáo dục và nâng cao nhận thức".
Mageswari Sangaralingam, cán bộ thuộc Hiệp hội Người tiêu dùng Penang, tin rằng chính phủ nên mở rộng phạm vi áp thuế đối với nhiều sản phẩm hơn dưới chế độ thuế đường để tăng tính hiệu quả. Bà nói thêm rằng việc chỉ đánh thuế nước ngọt "có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang các nguồn đường thay thế", điều này sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách.
"Để thực sự giảm lượng tiêu thụ đường, chính phủ nên xem xét đánh thuế cả các loại đường tinh luyện – bao gồm đường trắng, đường nâu và đường bột – cũng như siro ngô có hàm lượng fructose cao. Những thành phần này thường được sử dụng trong thực phẩm chế biến và đóng góp lớn vào lượng đường tiêu thụ cao", bà Sangaralingam cho biết.
Mặc dù mục tiêu của thuế đường là giảm lượng tiêu thụ, Helmy Haja Mydin, đồng sáng lập kiêm cố vấn chính sách cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Sáng kiến Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội, cho rằng cần có một chiến lược tổng thể và các biện pháp kinh tế để ngăn chặn việc ngành công nghiệp chỉ đơn thuần chịu đựng chi phí thuế mà không có những thay đổi thực sự trong cách tiếp cận hoặc sản phẩm của họ.
"Đã có bằng chứng cho thấy biện pháp này có hiệu quả. Theo Khảo sát Chế độ ăn uống và Dinh dưỡng Quốc gia của Vương quốc Anh từ năm 2011 đến 2019, thuế đường đã giúp giảm lượng nước ngọt được mua, và các nhà sản xuất đã điều chỉnh công thức sản phẩm để giảm hàm lượng đường nhằm tránh bị đánh thuế", ông nói.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu