Trong bài phỏng vấn mới đây với hãng Fox News, Tổng tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein đã tiết lộ về cách mà Mỹ phản ứng trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Sử dụng Nga như một ví dụ - do nước này có kho vũ khí hạt nhân lớn – ông Goldfein đưa ra 3 bước mà ông sẽ thực hiện trong trường hợp khẩn cấp hạt nhân.
Và theo vị tướng lĩnh, bước đầu tiên sẽ là viện sự hỗ trợ từ NATO.
“Bước đầu tiên sẽ là cuộc gọi cho Tư lệnh tối cao NATO Tod Wolters – người sẽ nói cho tôi điều cần làm để phối hợp với các lực lượng NATO nhằm ngăn chặn hành động của kẻ thù và triệt hạ các mục tiêu của chúng. Bằng ưu thế tốc độ triển khai các lực lượng không quân và không gian, ông ấy sẽ kỳ vọng chúng tôi (không quân Mỹ) sẽ là bên đầu tiên gia nhập vào lực lượng hùng hậu của ông ấy” – ông Goldfein nói.
Để phản ứng trước một đòn tấn công hạt nhân, Mỹ và NATO sẽ triển khai lực lượng phản công đồ sộ, sử dụng mọi loại phi cơ chiến đấu, từ F-35 cho tới F-22 và các máy bay ném bom B-2. Theo ông Goldfein, các chiến đấu cơ của họ sẽ tấn công các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của kẻ địch ngay khi chúng vượt qua tầng khí quyển Trái Đất. Bên cạnh đó, các chiến đấu cơ F-35 – sẽ sớm được trang bị vũ khí hạt nhân trong vài năm tới – sẽ tấn công các cơ sở của kẻ địch, bao gồm các bãi phóng hạt nhân, trong khi F-22 sẽ chặn đứng phi cơ của kẻ địch.
Máy bay ném bom B-2 sẽ có nhiệm vụ tiêu diệt các hệ thống phòng không, bãi phóng hạt nhân của kẻ địch, hoặc thực hiện chỉ thị đặc biệt của Tổng thống Mỹ nhằm tiêu diệt toàn bộ các thành phố của kẻ địch.
Mỹ và NATO vốn đã triển khai nhiều phi cơ và hệ thống phòng thủ tên lửa ở nhiều nơi như Romania, Ba Lan và nhiều khu vực có tầm quan trọng về chiến lược khác – ông Goldfein nói. NATO sẽ sử dụng tới các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đặt ở châu Âu – thứ mà Mỹ liên tục nói rằng được xây dựng là để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân Iran – cũng như các tàu khu trục, chiến hạm triển khai gần vị trí kẻ địch.
Tuy nhiên, ông Goldfein nói rằng Mỹ và NATO trong tương lai sẽ vận dụng tới cả các vũ khí “laser, súng điện từ và các đầu đạn siêu tốc” phóng từ chiến hạm để ứng phó.
Bước thứ hai mà ông Goldfein đề cập tới là viện tới sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD).
NORAD có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Mỹ khỏi các đòn tấn công bằng ICBM. Để làm được điều này, họ dựa vào các tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất (GBI), phân biệt đầu đạn thực với các đầu đạn “chim mồi”. Ông Goldfein nói rằng Mỹ đã từng đánh chặn thành công một ICBM bằng GBI trong một cuộc thử nghiệm thực tế.
Đặc biệt, ông Goldfein nhắc tới một cuộc thử nghiệm mà hãng Raytheon thực hiện hồi tháng 3 năm nay, trong đó tên lửa đánh chặn EKV (Exoatmospheric Kill Vehicle) đã tiêu diệt thành công một ICBM, phân biệt được đầu đạn thật giữa các đầu đạn “chim mồi”. Raytheon cũng đang nghiên cứu về một hệ thống thế hệ mới có khả năng phóng nhiều đầu đạn đánh chặn cùng lúc, tăng khả năng đánh trúng ICBM.
Bước thứ ba trong kế hoạch của ông Goldfein là viện sự hỗ trợ của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM) John Hyten và triển khai các tàu ngầm có trang bị vũ khí hạt nhân.
Các tàu ngầm này đều có khả năng thực hiện “đòn tấn công thứ hai” hủy diệt, trong đó “đảm bảo mang tới sự hủy diệt cho bất cứ bên nào dám tấn công hạt nhân nước Mỹ” – theo ông Goldfein. 3 bước này, theo vị tướng lĩnh, cần phải được thực hiện đồng thời mới có thể giúp nước Mỹ an toàn trước một đòn tấn công hạt nhân.
Theo Sputnik News