Cái chết của Soleimani vào hôm thứ Sáu (3/1) trong một vụ không kích mà Mỹ thực hiện nhằm vào đoàn xe của ông tại san bay quốc tế Baghdad, Iraq đánh dấu kế cục của một người đàn ông từng được xem là danh tướng ở Iran và bị nhiều nước gồm Mỹ, Israel và Arab Saudi theo dõi sát sao.
Lầu Năm Góc tuyên bố rằng cuộc không kích mà họ thực hiện nhằm ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai.
Người mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran
Tướng Soleimani chỉ nhận lệnh trực tiếp duy nhất từ một người là Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei (Ảnh: Getty)
|
Tướng Soleimani là người trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện các chiến dịch quân sự ở nước ngoài của Iran và thường xuyên xuất hiện trên chiến trường để chỉ đạo các nhóm dân quân người Shi'ite ở Iraq trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ông bị sát hại cùng với một thủ lĩnh dân quân cấp cao của Iraq là Abu Mahdi al-Muhandis. Cả hai vị chỉ huy đều được xem là anh hùng trong cuộc chiến chống lại kẻ thù của Iran và kênh truyền hình nhà nước Iran đã lập tức dành cho họ nhiều lời ca tụng sau khi cái chết của họ được công bố chính thức.
Kênh truyền hình nhà nước Iran hôm 3/1 có chiếu cảnh ông Soleimani lúc ông đứng bên cạnh Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và lúc ông ở trong vùng chiến sự. Đoạn băng tư liệu còn có cảnh ông Soleimani thời vừa tốt nghiệp trung học, đang chỉ huy một đơn vị lính trong cuộc chiến giữa Iran với Iraq vào thập kỷ 80.
Sau cuộc chiến Iran-Iraq, Soleimani nhanh chóng tiến thân trong IRGC và trở thành người đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran. Trên cương vị lãnh đạo này, ông đã giúp Iran thành lập nhiều khối liên minh trên khắp Trung Đông trong bối cảnh nước này chịu sức ép lớn từ các đòn trừng phạt Mỹ áp đặt.
Vào năm 2019, Mỹ liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài, cũng là một phần trong chiến dịch gây sức ép cực đại nhằm buộc Iran phải đàm phán về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và chính sách hạt nhân của nước này.
Lúc bấy giờ, ông Soleimani từng chỉ ra rằng: Mọi cuộc đàm phán với Mỹ sẽ bị coi là sự "thất bại hoàn toàn".
Lực lượng Quds dưới thời ông Soleimani đã tăng cường ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi lực lượng của ông này sắp bại trận trong cuộc nội chiến bùng phát từ năm 2011, và cũng giúp đỡ các lực lượng dân quân Iraq đánh bại IS. Những thành công vang dội của Quds đã giúp ông Soleimani mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran ở khu vực Trung Đông.
Thủ lĩnh tối cao Iran Khamenei chỉ định ông Soleimani làm người chỉ huy lực lượng Quds vào năm 1998, và vị tướng lĩnh giữ bí mật về vị trí của mình suốt nhiều năm để ngấm ngầm tăng cường quan hệ giữa Iran với lực lượng Hezbollah ở Lebanon, với chính quyền Assad và các nhóm dân quân người Shi'ite ở Iraq.
Trong vài năm trở lại đây, Soleimani trở nên nổi tiếng hơn khi mà nhiều chiến binh và các tướng lĩnh ở cả Iraq lẫn Syria đều đăng tải các bức ảnh của ông trên mạng xã hội.
Người từng thách thức Tổng thống Trump
Ông Soleimani từng công khai thách thức Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: NYTimes)
|
Quyền lực và tầm ảnh hưởng của Soleimani đối với quân đội Iran được thể hiện rõ nhất vào năm 2019, khi được Lãnh tụ tối cao Khamenei trao thưởng Huân chương Zolfiqar, phần thường danh giá nhất mà một sĩ quan quân đội Iran có thể nhận được. Đó cũng là lần đầu tiên mà một vị tướng nhận được huân chương này kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập năm 1979.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cái chết của Soleimani, Lãnh tụ tối cao Khamenei nói sẽ tung đòn trả thù cực kỳ mạnh mẽ đối với "những kẻ tội phạm" đã sát hại ông. Cái chết của ông, dù được xem là tổn thất to lớn cho quân đội Iran, nhưng sẽ làm tăng gấp đôi động lực phản kháng lại Mỹ và Israel; Lãnh tụ Khamenei nói.
"Soleimani không phải một người đàn ông làm việc trong văn phòng. Ông ấy đi tới mặt trận để kiểm tra quân đội và quan sát diễn biến chiến sự" - một cựu quan chức cấp cao của Iraq, yêu cầu giấu tên, nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 - "Người duy nhất đủ quyền lực để ra chỉ thị cho Soleimani là Thủ lĩnh tối cao. Ông ấy cần tiền thì sẽ có tiền, cần đạn dược, sẽ có đạn dược. Cần vật liệu, sẽ có vật liệu".
Soleimani cũng chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo và chỉ đạo các chiến dịch quân sự ngầm của lực lượng Quds. Trong năm 2018, vị tướng lĩnh từng công khai thách thức Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Tôi đang nói với ông, kẻ đánh cược Trump, hãy nhớ rằng chúng tôi đang ở rất gần ông, ở nơi mà ông không thể ngờ tới" - Soleimani nói trong một đoạn clip đăng tải trên Internet - "Ông sẽ bắt đầu một cuộc chiến nhưng chúng tôi mới là người kết thúc nó".
Tầm ảnh hưởng lớn ở Trung Đông
Tướng Soleimani là người có tầm ảnh hưởng lớn ở Iraq và cả Syria (Ảnh: Getty)
|
Là người có phong cách nói khá nhẹ nhàng, ông Soleimani có xuất phát điểm khiêm nhường, sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp ở thị trấn Rabor, Đông Nam Iran vào ngày 11/3/1957.
Lúc 13 tuổi, ông di chuyển tới thị trấn Kerman để làm công nhân xây dựng giúp gia đình có thêm chút tiền trả nợ - theo tài liệu về ông Soleimani được đăng tải bởi Defa Press, một website tập trung vào lịch sử cuộc chiến kéo dài 8 năm giữa Iran và Iraq.
Khi cuộc cách mạng lật đổ chế độ Shah bắt đầu vào năm 1978, Soleimani đang làm việc tại cơ quan quản lý nước đô thị ở Kerman và tổ chức các cuộc tuần hành chống lại chế độ Shah. Ông gia vào IRGC và sau khi cuộc chiến với Iraq bùng nổ vào năm 1980, nhanh chóng leo lên hàng ngũ cấp cao trong lực lượng này, tham gia vào cuộc chiến chống buôn lậu thuốc phiện ở khu vực biên giới với Afghanistan.
“Soleimani là người luôn lắng nghe. Ông không phô trương, nhưng lại luôn có được thứ mà mình muốn" - một quan chức Iraq giấu tên kể lại.
Vào lúc cao điểm của cuộc nội chiến giữa các nhóm phiến quân người Hồi giáo dòng Sunni và Shi'ite ở Iraq năm 2007, quân đội Mỹ tố lực lượng Quds cung cấp các thiết bị nổ tự chế cho phiến quân người Shi'ite, dẫn tới cái chết của nhiều binh sĩ Mỹ.
Ông Soleimani đóng vai trò hết sức quan trọng đối với an ninh của Iraq nhờ vào quan hệ với các nhóm dân quân. Điều này khiến cho tướng David Petraeus - lúc bấy giờ là chỉ huy lực lượng Mỹ ở Iraq - phải gửi nhiều thông điệp cho ông thông qua giới chức Iraq; theo một số tài liệu mà Wikileaks công bố.
Sau cuộc trưng cầu dân ý độc lập ở khu vực của người Kurd ở phía Bắc vào năm 2017, ông Soleimani đưa ra lời cảnh báo cho các thủ lĩnh người Kurd, từ đó làm dấy lên làn sóng rút quân khỏi các khu vực tranh chấp và cho phép lực lượng chính phủ Iraq giành lại quyền kiểm soát các khu vực này.
Soleimani thậm chí còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn ở Syria. Chuyến thăm của ông tới Moscow trong mùa Hè năm 2015 chính là bước đi đầu tiên trong việc lên kế hoạch để Nga tham chiến ở Syria, từ đó định hình lại cuộc chiến ở Syria và thiết lập một khối đồng minh Iran-Nga để ủng hộ chính quyền Assad.
"Cái gai" trong mắt của Mỹ
Lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài (Ảnh: Sputnik)
|
Chính vì những hoạt động trên mà Soleimani liên tục trở thành mục tiêu trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ: Ông từng bị Mỹ trừng phạt sau khi lực lượng Quds bị tố hỗ trợ nhóm Hezbollah cùng nhiều tổ chức vũ trang khác ở Lebanon, vì vai trò của ông trong cuộc dẹp loạn biểu tình ở Syria và do bị Mỹ cáo buộc có liên quan tới một âm mưu ám sát Đại sứ Arab Saudi tại Mỹ.
Vai trò của ông Soleimani trong việc thúc đẩy các hoạt động của Iran trong khu vực cũng khiến ông bị nhiều nước địch thủ đặt vào tầm ngắm - trong đó không thể không kể tới Arab Saudi và Israel.
Các quan chức tình báo hàng đầu của Arab Saudi từng tính đến việc ám sát Soleimani trong năm 2017 - theo một bài viết mà tờ New York Times đăng tải năm 2018. Một phát ngôn viên của chính phủ Arab Saudi lúc bấy giờ từ chối bình luận về vụ việc, theo New York Times, nhưng giới chức quân sự Israel lại công khai thảo luận về kế hoạch ám sát Soleimani.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu