Tướng Lê Văn Cương: Trung Quốc sẽ hung hăng, quyết liệt hơn ở Biển Đông năm 2016

VietTimes -- “Phải nhận thức rõ rằng, với Việt Nam, Trung Quốc luôn nhất quán thi hành chính sách  kẻ cả, không có tí gì là chủ nghĩa quốc tế vô sản. Chỉ có thể lấy lợi ích quốc gia, quyền lợi dân tộc làm tối thượng khi giải quyết các mối quan hệ với “người láng giềng” này” - Tướng Lê Văn Cương nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Thiếu tướng Lê Văn Cương

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an đã khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với VietTimes.

- Thưa ông, trong những ngày qua, Trung Quốc đã thực hiện hàng chục chuyến bay vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) để tới đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta.  Những chuyến bay này đã uy hiếp nghiêm trọng hoạt động bay trong vùng thông báo bay, nơi có những đường bay nhộn nhịp vào bậc nhất thế giới. Ông đánh giá thế nào về sự kiện này?

Để đánh giá đúng sự kiện này, cần truy nguyên gốc của vấn đề: Suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm cho đến trước tháng 1-1988, Trung Quốc chưa hề hiện diện tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm các đá Gạc Ma, Co Lin và Len Đao, sát hại nhiều quân nhân Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Tham chiếu hệ thống pháp luật quốc tế thì Trung Quốc đã vi phạm các khoản 3 và 4 Điều 2, Hiến chương LHQ trong đó quy định: “Tất cả các thành viên của LHQ giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý.

Tất cả các quốc gia thành viên LHQ từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của LHQ”.

Những hành động của Trung Quốc cũng vi phạm Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng LHQ tháng 10-1970 theo đó: “Tất cả mọi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế chống lại toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc là bằng bất kỳ cách thức nào không phù hợp với những mục đích của Hiến chương LHQ. Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực sẽ là sự vi phạm luật pháp quốc tế và không bao giờ được sử dụng như là các biện pháp giải quyết các vấn đề quốc tế”.

Như vậy, Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý nào đối với chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, vì thế họ rất sợ bị Philippines và các quốc gia khác kiện ra tòa án quốc tế.

Tiếp theo đó, trong hai năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo các đá chìm thành đảo nhân tạo, xây dựng các công trình quân sự quy mô rất lớn như đường băng dài 3.400m trên đá Chữ Thập làm căn cứ cho các máy bay tiêm kích J10, J11 và máy bay tầm trung H6 hoạt động.

Ngoài ra có cả căn cứ cho tàu nổi, tàu ngầm và các cơ sở hạ tầng quân sự khác. Trên các đảo nhân tạo này Trung Quốc cũng cho xây dựng các công trình dân sự như hải đăng, cơ sở tránh trú bão, trung tâm cứu hộ, cứu nạn, dịch vụ sửa chữa tàu thuyền...Nhưng mục đích chính vẫn là xây dựng căn cứ quân sự

Những hành động trên đã vi phạm Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông DOC mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN theo đó, trong khi có tranh chấp chủ quyền thì các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định.

Bây giờ ta nói đến sự kiện mới nhất là họ đưa máy bay vào Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh một cách “lén lút”, tức là vi phạm chồng lên vi phạm. Xâu chuỗi lại có thể thấy, từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc không hề có sự tôn trọng Luật pháp quốc tế, đi ngược lại những điều đã thỏa thuận, cam kết với các tổ chức quốc tế, với các quốc gia trong khu vực rằng, họ sẽ hợp tác với các bên liên quan bảo đảm hòa bình ổn định ở Biển Đông, không làm phức tạp thêm tình hình”.

Riêng với Việt Nam, tính tổng cộng đã có 15 lần họ cam kết như vậy bằng văn bản, bằng tuyên bố chung trong các cuộc gặp gỡ chính thức giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước. Vì vậy có thể nói rằng, trong quan hệ đối với Trung Quốc, phải căn cứ vào hành động chứ không phải lời nói của họ.

- Bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những điều mình đã cam kết, Trung Quốc vẫn hành động gây hấn, lấn chiếm lãnh thổ  nước khác ở biển Đông, trong đó có Việt Nam. Vậy mục đích thực sự của nhà cầm quyền Trung Quốc là muốn độc chiếm biển Đông hay còn một mục tiêu sâu xa hơn nữa trong vấn đề này, thưa ông?

Cho đến nay, nhiều công trình nghiên cứu và các phương tiện truyền thông đại chúng hay nói rằng, Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông và nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu khí ở khu vực này. Tôi cho rằng điều đó không sai nhưng chưa thật chuẩn xác. Tôi không muốn dùng từ “độc chiếm”, mà muốn dùng cụm từ “Trung Quốc muốn khống chế biển Đông”.

Bởi vì, nguồn tài nguyên dầu khí ở biển Đông đến nay vẫn chỉ được đánh giá là không lớn, trong khi đó, nó lại có vị trí địa chính trị, địa kinh tế vô cùng quan trọng. Một phần ba dịch vụ hàng hải của toàn thế giới là đi qua Biển Đông. Riêng về dầu mỏ là 42%. Vì thế ý đồ thực sự của Trung Quốc chắc chắn là khống chế con đường vận chuyển đó. Nhưng đó chỉ là mục tiêu trước mắt.

Mục tiêu trung hạn của Trung Quốc trong việc hành động hung hăng vừa qua là nằm trong chiến lược “chống tiếp cận” đối với Mỹ tại khu vực này. Với hệ thống căn cứ quân sự tại Trường Sa của Trung Quốc, Mỹ sẽ khó tiếp cận hơn, khó xoay sở hơn khi hành động tại đây. Từ đó có thể đẩy Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương, khỏi Đông Á, thực hiện ý đồ bắt tay với Mỹ chia đôi phạm vi ảnh hưởng tại Thái Bình Dương, điều mà Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đã có lần đưa ra thăm dò người đồng cấp khi đến thăm Mỹ. Còn mục tiêu xa hơn nữa, đó là việc sẵn sàng đối đầu, tranh chấp với Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

- Theo ông, Trung Quốc sẽ có những hành động tiếp theo như thế nào trên biển Đông trong năm 2016 và xa hơn nữa?

Năm 2016 này, theo quan sát của tôi, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động hung hăng hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Đó là vì năm nay, Mỹ không làm căng do nước Mỹ bước vào năm bầu cử Tổng thống. Những vấn đề trong nước sẽ chiếm vị trí then chốt trong chính sách của chính quyền Washinton. Về đối ngoại, ưu tiên của Mỹ sẽ là thực thi Thỏa thuận Hạt nhân của nhóm P5+1 với Iran vì đó là dấu ấn rất quan trọng của ông Obama bên cạnh việc bình thường hóa quan hệ với Cuba. Một hướng ưu tiên nữa là tìm cách vừa hợp tác, vừa giữ miếng với Nga giải quyết vấn đề Syria. Biển Đông vì thế sẽ không là lĩnh vực ưu tiên.

Trung Quốc cho máy bay đáp xuống Đá Chữ Thập, một động thái khiến dư luận và khu vực hết sức lo ngại
Trung Quốc cho máy bay đáp xuống Đá Chữ Thập, một động thái khiến dư luận và khu vực hết sức lo ngại

Trước tình hình này, Trung Quốc sẽ quyết liệt hành động để xây dựng hoàn chỉnh và vận hành hệ thống căn cứ quân sự và cơ sở dân sự ở các đảo mà họ chiếm bất hợp pháp của Việt Nam tại Trường Sa để đến tháng 1-2017, Tổng thống mới của Mỹ, bất kỳ là người của đảng nào cũng phải thừa nhận sự đã rồi. Đối với ASEAN thì Trung Quốc đã có sẵn đáp án: bất kỳ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nào cũng dựa trên thực tế Trung Quốc đã hiện diện tại đó. Không thừa nhận điều này thì không có COC nào cả. Tóm lại, tình hình sẽ còn vô cùng phức tạp

- Vậy trước tình thế đó, Việt Nam phải làm gì?

Trước tình thế phức tạp như vậy, chúng ta cần bình tĩnh để ứng phó, cần một chiến lược tổng thể lâu dài, nhưng trước hết phải nhận thức cho rõ, cho mạch lạc rằng, từ trước đến nay, đặc biệt là từ sau năm 1975, đối với Việt Nam, Trung Quốc luôn nhất quán thi hành chính sách sô vanh nước lớn, không có  chút phần trăm nào là chủ nghĩa quốc tế vô sản, vì thế, không thể dựa vào bất kỳ điều gì khác mà chỉ có thể lấy lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc làm tối thượng khi giải quyết các mối quan hệ với “người láng giếng” này.

Lịch sử đã chỉ rõ, chưa có một nền kinh tế nào dựa vào Trung Quốc mà thành công, vì thế việc Việt Nam lựa chọn tham gia TPP và các Hiệp định thương mại tự do với các nước là một quyết định sáng suốt của lãnh đạo và sắp tới cần đẩy mạnh hơn nữa theo hướng này.

Đồng thời cũng cần làm rõ, Việt Nam luôn mong muốn củng cố quan hệ với Trung Quốc, trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và công việc nội bộ của nhau. Việt Nam không chống Trung Quốc, không liên minh với nước thứ ba để chống Trung Quốc. Tuy nhiên cũng cần nói rõ, trong trường hợp chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm, chúng ta sẽ giành cho mình quyền lựa chọn những đồng minh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân tộc.

Như tôi đã nhiều lần nói rõ, yếu tố quyết định trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo  và trong những vấn đề hệ trọng khác chính là tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, trong toàn dân tộc, trong nước và ngoài nước. Có được sự đồng thuận ấy là sẽ có phương thức, sẽ có sức mạnh, sẽ có thời cơ để giải quyết bài toán này. Quân đội mạnh, trang bị hiện đại chỉ phát huy tốt sức chiến đấu khi đằng sau họ là cả 90 triệu người dân Việt Nam và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Để  có được sự đồng thuận ấy thì cần có bộ máy lãnh đạo sáng suốt, đặc biệt là trong sạch, bản lĩnh kiên định vững vàng, trung thành với lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc.

- Đó cũng là kỳ vọng của người dân đối với Đại hội Đảng lần thứ XII sắp diễn ra đúng không, thưa ông?

Đúng vậy. Tôi chắc chắn như vậy.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng.

 L.V.M (thực hiện)