Tuần giao dịch buồn của thị trường chứng khoán Việt Nam!

VietTimes – TTCK toàn cầu đã có một tuần giao dịch không mấy khả quan và thị trường Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi cũng giảm gần 93 điểm, xuống sát mốc 1.000 điểm. Ngày nghỉ cuối tuần sẽ là thời gian để nhà đầu tư suy xét các yếu tố kinh tế vĩ mô, ổn định tâm lý và tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Dường như các tin tức tốt của nền kinh tế Mỹ không hẳn đã là điều tốt lành cho tất cả mọi người, đặc biệt là giới đầu tư tại Phố Wall.

Cụ thể, sau khi báo cáo việc làm tại Mỹ được công bố ngày 5/2 cho thấy kết quả khả quan hơn dự đoán, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đã bất ngờ lao dốc. Các chỉ số chính của TTCK Mỹ như DowJones đã có lúc giảm tới gần 1.600 điểm (mức lớn nhất trong lịch sử) trong phiên giao dịch ngày 5/2, đồng thời, chỉ số đo lường sự sợ hãi của nhà đầu tư (VIX) tăng trên 50 điểm (mức cao nhất trong vòng 3 năm).

Đà bán tháo tại thị trường này đã nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu và khiến TTCK thế giới giảm điểm mạnh, thổi bay nhiều tỷ USD vốn hóa. Điều đáng nói đà suy giảm lại diễn ra khi thị trường liên tục đón nhận những tin tức tốt về nền kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã phàn nàn về diễn biến của TTCK tại Mỹ, khi chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng: “Ngày xưa, mỗi khi có tin tốt, thị trường chứng khoán lại tăng điểm. Còn ngày nay, khi có tin tốt, thị trường chứng khoán đi xuống.” Bên cạnh đó, nhiều thành viên chính phủ Mỹ cũng đã lên tiếng khẳng định nền kinh tế nước này vẫn đang có nền tảng cơ bản tốt và tiếp tục phát triển trong tương lai.

Các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về rủi ro lạm phát, sau khi dữ liệu công bố cho thấy mức tiền lương tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo, điều này thúc đẩy Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất. Mặc dù vậy, nếu chú ý quan sát, những mối lo ngại này cũng đã được giới đầu tư nhắc đến nhiều kể từ cuối năm 2017 nhưng thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp tục phá đỉnh cho đến đầu năm 2018.

Do đó, có thể thấy thị trường đang tỏ ra không thoải mái về khả năng tốc độ thực hiện tăng lãi suất nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu của các ngân hàng trung ương, đứng đầu là FED, hơn là việc lo ngại giai đoạn lãi suất thấp sắp qua đi. Không ngoại trừ khả năng đây là hoạt động chốt lời ồ ạt từ các nhà đầu tư lớn (khi các tin tức tốt được đưa ra) sau một thời kỳ tăng trưởng dài của TTCK, đã khiến thị trường diễn biến quá mức.

Tuần giao dịch buồn của thị trường chứng khoán Việt Nam! ảnh 1Diễn biến chỉ số VN-Index và chỉ số DowJones trong năm 2017 (Nguồn: Investing.com)
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, tuần giao dịch vừa qua cũng là lần hiếm hoi thị trường trong nước có diễn biến dao động mạnh, cùng chiều với thị trường chứng khoán thế giới.

Lý giải nguyên nhân chỉ số VN-Index giảm điểm mạnh, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch của UBCK NN, cho biết: “Nguyên nhân thứ nhất là do tình hình thị trường chứng khoán thể giới giảm điểm. Nhận định trong vài ngày gần đây của các tổ chức tài chính lớn rằng FED có thể tiếp tục tăng (lãi suất) từ 3 – 4 lần nữa trong năm 2018, đã có tác động rất mạnh lên TTCK toàn cầu. Nguyên nhân thứ hai là do TTCK Việt Nam trong năm 2017 và đầu năm 2018 cũng đã có sự tăng trưởng, nên cũng đã đến lúc thị trường phải có sự điều chỉnh; nhà đầu tư cũng có tâm lý chốt lời, đặc biệt là trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Việc chốt lời ở giai đoạn này trùng hợp với TTCK thế giới đang có sự khủng hoảng nên cũng có sự cộng hưởng.”

Kết thúc phiên cuối tuần, mặc dù chỉ số VN-Index vẫn có sự giảm điểm sâu, thị trường cũng cho thấy một vài dấu hiệu khởi sắc từ nhóm ngành ngân hàng và tiêu dùng. Các nhóm ngành này vẫn được kỳ vọng được hưởng lợi nhiều nhất khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng và có sức lan tỏa lớn tới thị trường.

 Đợt điều chỉnh mạnh lần này cũng sẽ đưa nhiều cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn, tuy nhiên, yếu tố cơ bản sẽ quyết định đến đà tăng giá của cổ phiếu trong dài hạn. Do đó, có thể sẽ xuất hiện sự phân hóa lớn giữa các nhóm ngành khi thị trường hồi phục trở lại.

Bên cạnh thị trường chứng khoán cơ sở, nhà đầu tư vẫn còn đó công cụ phòng ngừa biến động giá thất thường là thị trường chứng khoán phái sinh với các hợp đồng tương lai, và sắp tới đây là chứng quyền có bảo đảm. Về mặt bản chất, đây vẫn là các công cụ giúp nhà đầu tư phần nào “giữ ấm” cho tài sản của mình, trước mỗi đợt “không khí lạnh bất thường” của thị trường chứng khoán, nhất là khi kỳ nghỉ Tết dài ngày đang cận kề.