Tự tay “thiêu” gần 800.000 USD vì tin vào “fake news” về COVID-19

VietTimes -- Dịch bệnh COVID-19 tính đến nay chưa khiến ai ở Ấn Độ tử vong, nhưng chắc chắn đã gây ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi, sau khi một tin đồn thất thiệt đã khiến một người nông dân tiêu hủy toàn bộ gia sản của mình.
Tin đồn thất thiệt về COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi Ấn Độ (Ảnh: RT)
Tin đồn thất thiệt về COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi Ấn Độ (Ảnh: RT)

Ông Suresh Bhatlekar, điều hành một trang trại chăn nuổi ở thành phố Dahanu, bang Maharashtra, là một trong số những nông hộ chăn nuôi trở thành nạn nhân của cơn hoảng loạn do virus corona gây nên, chủ yếu lan tràn qua các đoạn tin giả trên mạng xã hội cho rằng COVID-19 có thể lây nhiễm qua...các loại thịt trắng.

Mặc dù không có cơ sở, tin giả này vẫn được phát tán nhanh như cháy rừng trên các nền tảng nhắn tin như WhatsApp, khiến nhiều người loại bỏ thịt gà và trứng gà trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình. Trong khi đó, doanh số bán hàng nông sản đã giảm tới 80% ở Ấn Độ - nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng trứng gà và thứ 4 thế giới về sản lượng gà.

Các nỗ lực tuyên truyền của giới chuyên gia trong ngành chăn nuôi, các nhà lập pháp và các bác sĩ thú y gần như không mang lại hiệu quả gì. Một số hộ nông dân, do gặp khó trong việc trả lương cho nhân công, đã lựa chọn những biện pháp liều lĩnh.

"Do doanh số quá thấp, nhân công của tôi không có việc làm vì tôi đã ngừng sản xuất" - ông Bhatlekar nói với tờ Hindustan Times, giải thích lý do vì sao mà ông tiêu hủy lượng gà và trứng gà trị giá gần 782.000 USD.

Chính phủ Ấn Độ hiện đang căng mình chống lại sự phát tán của thông tin giả mạo liên quan tới COVID-19 này. Chính quyền bang Maharashtra cho hay họ sẽ tổ chức cái gọi là các "bữa tiệc gà", trong đó nhiều người sẽ đứng ra giúp người dân nấu các món ăn làm từ thịt gà.

"Các sản phẩm chăn nuôi và món ăn làm từ thịt gà sẽ được phục vụ cho người dân với giá phải chăng. Thêm vào đó là một chiến dịch tăng nhận thức của người dân với virus corona và ngành công nghiệp chăn nuôi" - người quản lý ngành chăn nuôi động vật của bang Maharashtra, Sunil Kedar, nói trong cuộc phỏng vấn trên kênh India Today.

Chính quyền Ấn Độ cũng sẽ tìm cách khởi tố những kẻ phát tán thông tin giả về COVID-19. Hiệp hội Giống chăn nuôi ở Pune mới đây đã gửi đơn tố giác một người đàn ông đến từ West Bengal vì tung tin đồn thất thiệt.

Mặc dù có tồn tại một chủng cúm ở gia cầm - gọi là cúm gia cầm - mà lây nhiễm cho cả các loài gia cầm lẫn người, nhưng không có bằng chứng khoa học cho thấy virus corona chủng mới có thể truyền từ gà sang người.

"Hiện có nhiều người tin rằng virus corona lây từ gà, cừu và hải sản sang người. Không hề có thứ gì như vậy. Nó chưa hề được khoa học chứng minh" - ông G.S.G Ayyangar, người đứng đầu Cơ quan An toàn và Tiêu chuẩn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) khẳng định.