TS. Lê Xuân Nghĩa: “Tâm lý của các ngân hàng lớn là không muốn sáp nhập”

Những thương vụ sáp nhập ngân hàng sắp tới sẽ có trường hợp ngân hàng lớn ôm trọn ngân hàng bé.Chỉ có ngân hàng nhỏ muốn gắn toa tàu của họ vào ngân hàng lớn để tồn tại. Còn các ngân hàng lớn không hề muốn sáp nhập, "ôm" các ngân hàng nhỏ.
Ông Lê Xuân Nghĩa
Ông Lê Xuân Nghĩa

Đánh giá về quá trình tái cấu trúc trong thời gian qua, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) cho rằng: Năm 2014 là năm các ngân hàng thương mại (NHTM) tự cấu trúc là chính. Rất nhiều ngân hàng đầu tư công nghệ mới như Internet banking, mobile banking, mở rộng chi nhánh để mở rộng cho vay tiêu dùng, đào tạo lại cán bộ, xây dựng lại chiến lược, chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động của họ… Vì hai lý do: yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và mong muốn làm cho mình "sạch + đẹp" hơn.

2015 sẽ là năm "dạm hỏi"

2014 là năm các ngân hàng đầu tư "làm đẹp tân trang" để năm 2015 là năm "dạm hỏi". Có hai phương hướng đó là các ngân hàng sẽ sáp nhập một cách tự nguyện nếu không Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chỉ định sáp nhập.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ở góc độ nhìn nhận của TS. Lê Xuân Nghĩa, tâm lý của các ngân hàng là không muốn sáp nhập, mà nếu muốn sáp nhập thì ai cũng giành quyền quản lý. Cho nên các cuộc đàm phán nội bộ sẽ rất căng thẳng. Trừ khi ngân hàng đó thực sự lớn mạnh thì các ngân hàng nhỏ phải dựa vào để tồn tại. Còn nếu hai ngân hàng ngang nhau thì việc đàm phán càng trở nên khó khăn hơn.

Nhiều thương vụ sắp tới có thể có ngân hàng lớn sẽ ôm trọn ngân hàng bé, nhưng theo ông Nghĩa, chỉ có ngân hàng nhỏ muốn gắn toa tàu của họ vào ngân hàng lớn để tồn tại. Còn các ngân hàng lớn chỉ là làm theo "chỉ định" vì họ không hề muốn sáp nhập ôm các ngân hàng nhỏ.

Tiếng chuông báo động từ Thông tư 36

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, ông không kỳ vọng năm 2015 sẽ là năm kết thúc toàn bộ chương trình tái cấu trúc ngân hàng. Nợ xấu, sáp nhập, xử lý sở hữu chéo... còn rất nhiều vấn đề. Nhưng dù sao Thông tư 36 cũng như một tiếng chuông báo động rằng NHNN sẽ tăng tốc và giải quyết quyết liệt trong quá trình tái cấu trúc.

Điểm tích cực từ Thông tư 36 là cho vay trung dài nới lên 60%, trong khi đó về thực chất tiền gửi của dân là tiền gửi dài hạn. Bởi lẽ, xu hướng dân muốn gửi tiền với kỳ hạn sau 6 tháng hoặc dài hạn để hưởng lãi suất cao hơn; các ngân hàng dùng nó làm nguồn cho vay trung dài hạn.

Việc mở room cho vay trung và dài hạn thuận lợi hơn cho ngân hàng tái cấu trúc nợ ngắn hạn thành dài hạn, bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, bớt sức ép về nợ cho NHTM, giãn tiến độ xử lý nợ xấu bằng cách chuyển một số nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn, hỗ trợ đắc lợi cho chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ và tái cấu trúc nông nghiệp nông thôn.

Theo NHNN, năm 2015 dự kiến 6 thương vụ sáp nhập ngân hàng. Trong khi đó, trên thị trường đồn đoán những cái tên như Vietcombank, Saigonbank, Vietinbank, PGbank, Oceanbank, BIDV, MHB, GPbank, LienVietPostbank sẽ trong danh sách các ngân hàng sáp nhập.

Theo Bizlive