Trong suốt 30 năm, Alex Mashinsky lao vào bất thứ gì được coi là công nghệ “hot” vào thời điểm đó, dự báo rằng sẽ có những cuộc cách mạng trong dịch vụ gọi điện đường dài, dịch vụ đưa đón sân bay và gần đây nhất là tiền mã hóa. Ông ta thường để lại một dãy những người bạn, đồng nghiệp và nhà đầu tư với tâm trạng không mấy vui vẻ.
Và pha mạo hiểm mới nhất của ông, Celsius Network LLC, tự nhận mình là một công ty an toàn và mang tính chất đột phá. Nó được cho là tạo cơ hội để những người dân bình thường được tiếp cận với tiềm năng của tiền mã hóa, và để lật đổ ngành ngân hàng truyền thống. Tháng trước, Celsius đệ đơn xin bảo hộ phá sản, và khách hàng của họ lo rằng sẽ không bao giờ lấy lại được tiền nữa.
Từ ghi nhận của cộng đồng cùng các đoạn phỏng vấn những người quen biết ông Mashinsky đã cho ra được bức tranh về một doanh nhân táo tợn, tự tin và liên tục đưa ra những ý tưởng lớn. Một trong số những công ty của ông thành công hơn phần còn lại, nhưng chúng thường xuyên có một điểm chung: Ông Mashinsky thường bỏ mặc chúng trong những tình cảnh hết sức căng thẳng.
Sau mỗi đợt thất bại, Mashinsky thường tìm ra cách nào đó để lấy lại sức bật, có đôi lúc thậm chí còn tăng trưởng hơn. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, ông đã nuôi dưỡng Celsius trở thành một trong những hãng cho vay tiền mã hóa lớn nhất thế giới, với tài sản hơn 20 tỉ USD vào thời đỉnh cao. Trong đơn phá sản của mình, Celsius nói rằng họ tăng trưởng quá nhanh và chưa chuẩn bị sẵn cho những điều kiện thị trường bất ổn.
Mặc dù sự sụp đổ của Celsius nhìn có vẻ nhỏ, nhưng lại là một tín hiệu cho thấy sẽ còn có nhiều nhà cho vay tiền mã hóa phá sản. Nhiều công ty tiền mã hóa có liên hệ với nhau, vay mượn tài sản số lẫn nhau. Kể từ khi Celsius ngừng cho khách hàng rút tiền vào tháng 6, có ít nhất 5 hãng tiền mã hóa khác cũng chịu cùng tình cảnh, điều này nêu bật lên rủi ro rằng khi một hãng gặp vấn đề, nó có thể tạo hiệu ứng lan rộng trên các thị trường tài chính.
Thông tin đăng tải trên website của Celsius nói rằng trong một vụ phá sản, khách hàng có thể không lấy lại được lượng tiền mã hóa trong tài khoản của họ, hoặc tài sản mà họ thế chấp để vay.
Alex Mashinsky tại Hội nghị Blockchain Week tổ chức tại Paris hồi đầu năm nay (Ảnh: Bloomberg) |
Cả Mashinsky, 56 tuổi, lẫn người phát ngôn của Celsius đều không đưa ra bình luận gì. Trong một tuyên bố mà Celsius phát ra sau khi xin bảo hộ phá sản, Mashinsky nói rằng động thái này “là quyết định đúng đắn vì cộng đồng và vì công ty.”
“Tôi tự tin rằng, khi chúng ta nhìn lại lịch sử của Celsius, chúng ta sẽ thấy điều này là một khoảnh khắc quyết định, trong đó có những hành động đầy quyết tâm, tự tin nhằm phục vụ cho cộng đồng và đảm bảo cho tương lai của công ty.”
Mashinsky sinh năm 1965 ở Ukraine, dưới thời Liên Xô cũ. Gia đình ông sống trong một căn lều và được phép rời khỏi đất nước trong thập kỷ 70, ông từng kể trong một cuộc phỏng vấn trong năm nay.
“Khi tôi chứng kiến những gã nhỏ con bị những gã lớn hơn chèn ép – đó là lúc mà tôi muốn đấu tranh,” ông nói.
Mashinsky sau đó chuyển tới Israel, nơi ông theo đuổi việc học tập nhưng rồi bỏ dở sau 2 học kỳ tại trường ĐH Tel Aviv.
Ông thành lập công ty khởi nghiệp đầu tiên vào khoảng năm 1995, thời điểm ông 30 tuổi và chuyển tới Mỹ. Công ty này, Arbinet, tạo ra sàn giao dịch mà trong đó các công ty điện thoại có thể mua bán băng thông sẵn có, theo Bob Barbiere, người từng làm việc cho công ty của Mashinsky.
“Bạn không thể ngồi loanh quanh và tán dóc với Alex về đội Yankees, đội Giants hay những tin tức về bóng chày,” Barbiere, người từng được Mashinsky cho giữ chức cố vấn để đảm bảo nguồn vốn cho một startup trong ngành âm nhạc, kể. “Alex là kiểu người làm ăn, từ đầu cho đến cuối.”
Celsius đã ngừng cho khách hàng rút tiền bắt đầu từ tháng 6 năm nay (Ảnh: Zuma Press) |
Mashinsky điều hành công ty này cho đến năm 1999, sau đó nó được các nhà đầu tư mạo hiểm chiếm lại.
Sau đó, Mashinsky tổ chức một cuộc chiến ủy nhiệm để giành lại công ty của mình, nói rằng ông “ở vị trí độc nhất để tận dụng tối đa” công nghệ của Arbinet. Công ty này ngay sau đó đệ đơn kiện ra toàn án bang New Jersey, tố Mashinsky công khai thông tin mật với các nhà đầu tư. Cuối cùng thì Mashsinsky cũng giành lại được một ghế trong ban lãnh đạo công ty. Ông bác bỏ cáo buộc về việc công khai thông tin mật, ông và Arbinet nhất trí hủy vụ kiện.
Mashinsky đã thành lập nhiều công ty khác sau khi khởi nghiệp với Arbinet, bao gồm một công ty công nghệ mà ông ta đã bán, theo PitchBook, và một công ty công nghệ khác được hậu thuẫn bởi hãng đầu tư mạo hiểm tư nhân Warburg Pincus. Một phát ngôn viên của Warburg Pincus nói rằng họ đã rút vốn đầu tư khỏi công ty đó cách đây gần 20 năm.
Mashinsky cũng tham gia vào công ty Transit Wireless từ những ngày đầu thành lập. Công ty này – vận hành Wi-Fi trên khắp hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố New York – không đáp lại đề nghị bình luận về vấn đề này.
Sau Arbinet, dự án lớn tiếp theo của Mashinsky là một nền tảng đặt xe theo yêu cầu, kết nối hành khách với những chiếc xe limousine sang trọng. Ông cho hay ông có ý tưởng trên sau khi bị một gã tài xế cho “leo cây” ở sân bay.
Công ty này – được Mashinsky đồng sáng lập vào khoảng năm 2004 – cuối cùng được đặt tên là GroundLink. Năm 2011, Mashinsky đã bảo đảm được một lượng tiền lớn từ các nhà đầu tư vào công ty, và sau đó những người này lựa chọn ban lãnh đạo mới.
Malcolm Elvey, một người đồng sáng lập GroundLink, nói rằng ông rời khỏi công ty này sau khi bất đồng với Mashinsky, và rằng ông cảm thấy thất vọng về cách mà Mashinsky điều hành công ty.
“Nỗi ân hận lớn nhất của tôi là, chúng tôi đáng lẽ ra đã có thể tiếp tục thực hiện kế hoạch vĩ đại của mình, đó là tạo nên một thứ giống như Uber,” ông Elvey,hiện đang ở Cape Town, Nam Phi, nói.
Mashinsky sau đó trở lại với lĩnh vực quen thuộc của mình, trở thành giám đốc điều hành của công ty viễn thông Novatel Wireless. Mike Alfred, một nhà đầu tư tư nhân chuyên về tiền mã hóa, kể rằng ông gặp gỡ Mashinsky tại một CLB dành cho các CEO.
Alfred kể rằng, thời điểm ông Mashinsky còn làm CEO của Novatel Wireless, ông ta đã nói với Alfred rằng ông tích lũy được quyền đặt mua, hay các khoản đặt cược, trị giá hàng triệu USD vào một công ty viễn thông khác.
“Ấn tượng đầu tiên của tôi là: Đây là một gã thích chấp nhận rủi ro,” Alfred nói. “Nhưng thường thì anh sẽ không thấy CEO của các công ty được mua bán công khai đầu cơ quyền đặt mua các công ty được mua bán công khai có liên quan.”
Ông Alfred sau đó trở thành người thường xuyên chỉ trích Mashinsky và Celsius.
Novatel Wireless sa thải Mashinsky vào năm 2015, chấm dứt 16 tháng của ông ở vị trí CEO, theo thông cáo báo chí của công ty này. Đến năm 2018, ông Mashinsky nói rằng ông bị sa thải lúc bấy giờ là do từ chối chuyển từ New York tới trụ sở của công ty ở San Diego.
Một phát ngôn viên của Inseego Corp., công ty kế thừa Novatel Wireless, cho hay bà không thể đưa ra bình luận bởi các vị lãnh đạo cấp cao có mặt tại thời điểm ông Mashinsky bị sa thải không còn làm việc tại công ty này nữa.
Mashinsky sau đó nhảy vào lĩnh vực tư vấn – trong đó từng làm việc với Columbus Nova. Công ty này quản lý nguồn tiền mà thông qua đó đã tỉ phú Nga Viktor Vekselerg đã đầu tư vào nhiều công ty và bất động sản ở Mỹ.
Trong một đề xuất kinh doanh, Mashinsky đã cố gắng lôi kéo Columbus Nova ủng hộ một phi vụ sáp nhập 3 công ty telematics, theo lời kể của Mashinsky và Brandon Johnson, CEO của một trong số những công ty này. Telematics là một phương pháp theo dõi phương tiện nhờ sử dụng công nghệ GPS và các thông tin khác.
Ông Johnson nói rằng ông có nhiều ấn tượng tốt về Mashinsky và trân trọng lòng nhiệt huyết cùng tính cách dám đưa ra những ý tưởng táo bạo của ông.
“Tất cả những gì ông ta muốn là một cú “moonshot”,” Johnson, điều hành Modus Group LLC, nói, ám chỉ việc đầu tư vào một lĩnh vực có tiềm năng đột phá lớn nhưng tỷ lệ thành công không rõ ràng nên hiếm có nhà đầu tư nào dám bỏ tiền.
Các đại diện của Columbus Nova, giờ đã đổi tên, và ông Vekselberg không đưa ra bình luận gì. Ông Mashinsky trên thực tế đã từng làm công tác tư vấn cho Columbus Nova vào năm 2016, theo lời kể của ông. Bộ Tài chính Mỹ đã áp lệnh trừng phạt ông Vekselberg vào tháng 4/2018.
Vào năm 2016, Mashinsky được thuê làm CEO của RTX Routetrader, một công ty fintech có trụ sở ở London. “Thêm một kỳ lân Fintech tỉ đô nữa,” ông viết trên Twitter lúc bấy giờ. Nhưng chỉ sau 6 tháng, Mashinsky lại dứt áo ra đi sau một cuộc tranh cãi với ban quản trị.
RTX Routetrader không đưa ra bình luận nào về vụ việc.
Cùng với 2 đối tác khác, Mashinsky thành lập Celsius vào năm 2017. Ông nói về nó rất to tát. “Tôi có 6 đứa con ở nhà, và ngày nào tôi cũng nghĩ về việc sẽ để lại một thế giới như thế nào cho chúng,” một đoạn tweet mà Mashinsky đăng tải năm 2019. “Kiến tạo một nền tảng tài chính phi tập trung dành cho tất cả mọi người trên hành tinh này là sứ mệnh của tôi.”
Mashinsky cùng chiếc áo phông có dòng chữ "Ngân hàng không phải bạn bè của bạn"(Ảnh: FT) |
Celsius có mô hình cơ bản giống với một ngân hàng tiêu dùng – nhận tiền ký gửi, cho vay – mặc dù tiền lãi của nó lớn hơn nhiều so với ngân hàng bình thường. Mashinsky nhanh chóng trở thành gương mặt thường thấy tại các hội thảo về tiền mã hóa, thường mặc chiếc áo phông bên trên có dòng chữ “Ngân hàng không phải bạn bè của bạn.” Ông nói rằng mọi lời chỉ trích hay nghi kỵ nhằm vào Celsius đều bắt nguồn từ sự sợ hãi, không chắc chắn và ngờ vực.
Ngày 11/6 năm nay, Mashinsky phản ứng trước một người viết trên Twitter rằng ông nghe tin rằng các tài khoản của Celsius sắp bị khóa.
Ngay ngày hôm sau, Celsius tuyên bố họ sẽ ngừng cho khách hàng rút tiền với lý là điều kiện thị trường cực đoan.
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Tiền mã hóa: Phố Wall kết thúc chuyến phiêu lưu trong nước mắt
Sốc: Bill Gates vừa tuyên bố tiền mã hóa và NFT chỉ là trò lừa người ngốc
Thợ đào bán tháo card đồ họa, dấu hiệu tiền mã hóa tại Trung Quốc đã hết hot?
Theo Wall Street Journal