Những hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đã xây dựng trái phép nhiều hangar (nhà chứa máy bay) được gia cố trên các đảo nhân tạo ở biển Đông.
Những hình ảnh được chụp vào cuối tháng 7 bởi Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ.
Theo tờ New York Times, không có máy bay quân sự nào xuất hiện trong ảnh, nhưng các nhà chứa (hangar) được cho là có thể chứa bất kỳ loại máy bay nào mà Không quân Trung Quốc đang sở hữu, bao gồm J-11 và SU-30.
Các hangar của Trung Quốc bị phát hiện xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ảnh vệ tinh của AMTI xuất hiện không đầy 2 tuần sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện biển Đông, trong đó bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" của Bắc Kinh đối với Biển Đông, cũng như căn cứ pháp lý của yêu sách "Đường 9 đoạn" mà nước này áp đặt.
Mỹ đã thúc giục Trung Quốc không gia tăng động thái quân sự hóa trên các thực thể mà nước này chiếm giữ (phi pháp) ở biển Đông, trong khi Bắc Kinh liên tục đáp trả bằng hành động ngược lại.
Trung Quốc ngụy biện rằng các "cơ sở hạ tầng", bao gồm khí tài quân sự, nhằm phục vụ dân sinh và "tự vệ".
Gregory Poling, Giám đốc AMTI, nói với New York Times: "Chúng [các hangar] dày hơn rất nhiều so với công trình được xây cho mục đích dân sự."
"Họ [Trung Quốc] đang tăng cường để sẵn sàng cho một cuộc tấn công," ông nhận định.
Chia sẻ trên Twitter, học giả này nói rằng Trung Quốc đang xây dựng (trái phép) không gian hangar ở Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đủ chỗ chứa cho 72 chiến đấu cơ và các loại máy bay lớn hơn.
"Những hangar cỡ lớn nhất, rộng tới gần 61 m, thừa sức đặt các loại máy bay ném bom chiến lược và máy bay tiếp liệu," ông Poling nói.
Theo New York Times, nếu quân đội Trung Quốc triển khai số lượng máy bay quân sự tương đương với không gian hangar, điều đó sẽ làm phức tạp tình hình ở biển Đông, đồng thời gia tăng mối đe dọa đối với các cuộc tuần tra tự do hàng hải mà Mỹ tiến hành trong khu vực.
Ngay cả trước khi các hangar xuất hiện, giới phân tích quân sự cũng nhận thấy rõ mục đích của Bắc Kinh là dùng các đảo nhân tạo trái phép để phô trương sức mạnh quân sự.
"Chúng tôi biết điều đó từ ngày Trung Quốc bắt đầu xây (phi pháp) các đường băng," Gregory Poling cho biết.
Ông bình luận, việc Trung Quốc khẳng định việc xây dựng phục vụ các mục đích hòa bình "cũng giống như nói rằng anh xây một biệt thự, nhưng chỉ sống ở tầng 1".
New York Times cho hay, một số chuyên gia cho rằng các hangar không phải là phản ứng của Bắc Kinh nhằm vào phán quyết PCA, và chắc chắn các cơ sở này đã được khởi công từ nhiều tháng trước đó.
Theo Soha/Tri Thức Trẻ