Trung Quốc tiu nghỉu vì Nhật yêu cầu chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài

VietTimes -- Vấn đề tồn tại giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện rất nghiêm trọng, Nhật Bản kiên trì phản đối Trung Quốc trong vấn đề đảo Senkaku, đồng thời thúc giục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Nhật Bản thúc giục Trung Quốc chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague đưa ra ngày 12/7/2016. Ảnh: Ibtimes.co.uk
Nhật Bản thúc giục Trung Quốc chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague đưa ra ngày 12/7/2016. Ảnh: Ibtimes.co.uk

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 25/8 dẫn tờ Mainichi Shimbun Nhật Bản ngày 24/8 cho hay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se ngày 23/8 đã đến tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Trung-Nhật-Hàn tổ chức ở Tokyo vào ngày 24/8.

Tối ngày 23/8, các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Hàn Quốc đã tham dự bữa tối do Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sắp xếp, đồng thời đã tiến hành trao đổi trong thời gian khoảng một giờ đồng hồ.

Giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tồn tại rất nhiều vấn đề trên phương diện cải thiện quan hệ.

Sau bữa tối, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã ở lại tiến hành cuộc hội đàm không chính thức trong thời gian khoảng 1 giờ. Nội dung hội đàm không được công khai, có thể thấy vấn đề tồn tại giữa Trung Quốc và Nhật Bản rất nghiêm trọng.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Trung-Nhật-Hàn ngày 24/8/2016. Ảnh: Chinadaily
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Trung-Nhật-Hàn ngày 24/8/2016. Ảnh: Chinadaily

Chính phủ Nhật Bản hy vọng thông qua Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 3 nước và hội đàm độc lập Trung-Nhật để đưa quan hệ Trung-Nhật ngày càng căng thẳng vì vấn đề đảo Senkaku quay trở lại với quỹ đạo đối thoại.

Ngoài ra, còn muốn tiến hành hội đàm cấp cao Trung-Nhật bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9 tới cũng như tiến hành phối hợp để tổ chức hội đàm cấp cao Trung-Nhật-Hàn trong năm nay.

Sau khi chính phủ hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận liên quan đến vấn đề nô lệ tình dục vào cuối năm 2015, Chính phủ Nhật Bản cho rằng đã bước vào "thời đại mới Nhật-Hàn" hướng tới tương lai. Nhật Bản hy vọng dựa vào hội nghị lần này để khẳng định thành quả cải thiện quan hệ song phương.

Tờ Asahi Shimbun Nhật Bản ngày 24/8 cho rằng Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay xảy ra đối đầu trong các vấn đề như đảo Senkaku, quan hệ căng thẳng vẫn chưa kết thúc. Chương trình Hội nghị Ngoại trưởng Trung-Nhật-Hàn bị đẩy lùi đến ngày 22/8 mới công bố.

Đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc đến vùng biển đảo Senkaku (ảnh tư liệu)
Đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc đến vùng biển đảo Senkaku (ảnh tư liệu)

Do từ ngày 5/8 trở đi tàu cảnh sát biển Trung Quốc nhiều lần xâm phạm vùng biển đảo Senkaku, Nhật Bản luôn kiên trì lên tiếng phản đối, cho rằng Trung Quốc khiêu khích như vậy thì không thể hội đàm.

Nhật Bản còn lo ngại, trong tình hình tàu cảnh sát biển Trung Quốc chưa dừng khiêu khích, nếu chào đón Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thì có thể bị cho là không thể tỏ thái độ cứng rắn với thực tế tàu công vụ Trung Quốc thường xuyên xuất hiện ở khu vực đảo Senkaku, sẽ bị lên án.

Nhật Bản nhiều lần thúc giục Trung Quốc chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài tại The Hague, Hà Lan về vụ kiện Biển Đông của Philippines, khiến cho Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cảm thấy không vui.

Nguồn tin ngoại giao Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc tỏ thái độ không hề nhượng bộ trong vấn đề gọi là "lãnh thổ", hoạt động của tàu công vụ Trung Quốc cũng có liên quan đến điều này.

Ngoài ra, trang tin Đài tiếng nói Đức ngày 23/8 cho rằng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Trung-Nhật-Hàn tổ chức tham vấn ở Tokyo. Họ hy vọng tăng cường nhất thể hóa kinh tế, nhưng tranh chấp lãnh thổ sẽ được đặt lên trên vấn đề kinh tế.

Thủ tướng Nhật Bản sắp đến Hàng Châu, Trung Quốc và có thể gặp Chủ tịch nước này, Tập Cận Bình (ảnh tư liệu)
Thủ tướng Nhật Bản sắp đến Hàng Châu, Trung Quốc và có thể gặp Chủ tịch nước này, Tập Cận Bình (ảnh tư liệu)

Đây là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 3 nước lần đầu tiên sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tổ chức hội nghị vào tháng 11/2015, nhưng các nhân tố khác nhau khiến cho không khí hội đàm bị ảnh hưởng.

Trước tiên điều phải đề cập đến là quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Nhật Bản xấu đi do tranh chấp lãnh thổ. Ngoài ra còn có tranh cãi chính trị "lịch sử" về vai trò của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Chính phủ hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc lo ngại Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tìm mọi cách “rửa sạch tội ác chiến tranh” của Nhật Bản. Nhưng, cho dù tồn tại những bất đồng này, ba nước đều đã nhìn thấy sự cần thiết của hợp tác.

Ba nước tìm cách ký kết thỏa thuận tự do thương mại để xóa bỏ những trở ngại cho việc tiếp tục nhất thể hóa. Hiện nay, ba nước đã tổ chức 10 vòng đàm phán, lần cuối cùng là tháng 6/2016. Nếu có thể đạt được thỏa thuận sẽ là một động lực quan trọng để hợp tác ba bên được cơ chế hóa.

Trình Vĩnh Hoa, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản vừa lên tiếng dọa Nhật không được tiến hành tuần tra liên hợp với Mỹ ở Biển Đông. Ảnh: VOA Mỹ
Trình Vĩnh Hoa, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản vừa lên tiếng dọa Nhật không được tiến hành tuần tra liên hợp với Mỹ ở Biển Đông. Ảnh: VOA Mỹ

Ba năm gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhưng khi xích lại gần với Trung Quốc, Hàn Quốc cũng phải luôn cân nhắc đến quan hệ đồng minh với Mỹ. Trái lại, quan hệ truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên và việc Trung Quốc vẫn cung cấp hỗ trợ quan trọng cho chính quyền Bình Nhưỡng cũng khiến cho Hàn Quốc nghi ngờ.