Trung Quốc tập trận thường xuyên, “sẵn sàng chống xâm lược”

VietTimes -- Bắc Kinh đã sẵn sàng chống xâm lược ở Biển Đông, tư lệnh hải quân Trung Quốc lên tiếng cảnh báo như vậy hôm 18/7, trong bối cảnh một đợt tập trận mới vừa được thông báo diễn ra tại vùng biển tranh chấp, South China Morning Post (Hong Kong) cho biết.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực ở khu vực quanh Biển Đông suốt một thời gian dài đề phòng bất trắc
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực ở khu vực quanh Biển Đông suốt một thời gian dài đề phòng bất trắc

Đô đốc Ngô Thắng Lợi đưa ra tuyên bố trên trong cuộc gặp tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson tại Bắc Kinh, trong cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa quân đội hai nước Mỹ-Trung kể từ sau khi Tòa Trọng tài tại The Hague tuyên “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông là vô giá trị.

“Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp về chủ quyền và sẽ thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở tại khu vực bất chấp sức ép từ bất cứ nước nào hoặc bất cứ ai”, CCTV dẫn lời Ngô Thắng Lợi tuyên bố.

Đô đốc Ngô còn lớn tiếng: “Hải quân Trung Quốc đã chuẩn bị phản ứng với bất cứ sự xâm phạm chủ quyền hoặc xâm lược nào…Những nỗ lực buộc chúng ta phải khuất phục sức ép sẽ chỉ phản tác dụng”.

Ngô Thắng Lợi lặp lại quan điểm sai trái như các quan chức Trung Quốc khác rằng quần đảo Trường Sa là “lãnh thổ của Trung Quốc” và nước này tiến hành các hoạt động xây dựng cần thiết là “hợp lý và hợp pháp”. Ngô cho biết bất kỳ quyết định xây dựng “các cơ sở tự vệ” nào cũng đều tùy thuộc vào mức độ đe dọa.

Tuy nhiên, viên tư lệnh hải quân Trung Quốc cũng nói rằng quân đội hai nước Mỹ và Trung Quốc cần phải tăng cường liên lạc nhằm tránh đánh giá sai lầm. Chuyến thăm của tư lệnh hải quân Mỹ Richardson cho thấy cả hai bên đều lo lắng sâu sắc với nhu cầu kiềm chế nguy cơ về một cuộc khủng hoảng trên biển.

Cuộc gặp cấp cao hải quân Trung-Mỹ trùng khớp với thông báo của phía Trung Quốc về đợt tập trận rầm rộ ngoài khơi Hải Nam, bắt đầu từ ngày 18 đến ngày 21/7. Khu vực tập trận bị Trung Quốc cấm tàu bè nước ngoài. Trước đó, quân đội Trung Quốc cũng đã tập trận bắn đạn thật kéo dài một tuần trước khi phán quyết của Tòa Trọng tài được công bố.

Không quân Trung Quốc cho biết mới đây đã triển khai một máy bay ném bom tầm xa H-6K làm nhiệm vụ “bay tuần tra chiến đấu” trên không phận bãi cạn Scarborough. Vụ tuần tra của H-6K,  loại máy bay ném bom được hiện đại hóa tương đối mới của Trung Quốc có khả năng tấn công hạt nhân sẽ trở thành “hoạt động thường xuyên” trong tương lai, phát ngôn viên không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa cho biết.

Trong một động thái cảnh báo khác, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đô đốc Tôn Kiến Quốc tuyên bố các cuộc tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông của hải quân nước ngoài có thể dẫn tới “thảm họa”.

Trung Quốc khoe hình ảnh máy bay ném bom H-6K bay qua bãi cạn Scarborough ở Biển Đông mới đây
Trung Quốc khoe hình ảnh máy bay ném bom H-6K bay qua bãi cạn Scarborough ở Biển Đông mới đây nhằm thách thức Mỹ

Đô đốc Richardson có kế hoạch thăm học viện tàu ngầm hải quân Trung Quốc và ghé lên tàu sân bay Liêu Ninh ở Thanh Đảo tại tỉnh Sơn Đông. Việc thăm tàu sân bay Liêu Ninh sẽ tạo cơ hội cho Mỹ thấy “tốc độ và những tiến bộ phát triển quân sự Trung Quốc”, chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt khoe.

Lý Kiệt dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục nối lại các chiến dịch tuần tra thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông sau chuyến thăm Trung Quốc của Richardson. “Trong bối cảnh các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc trở nên thường xuyên…chúng cũng sẽ có tác dụng như một lời cảnh báo và tự vệ tích cực chống sự xâm lược của Mỹ”, Lý Kiệt nói.

Trong một động thái khác, ông Nguyễn Tông Trạch, một cố vấn của chính phủ Trung Quốc, nói việc Úc tiến hành diễn tập về tự do hàng hải mang tính khiêu khích ở Biển Đông sẽ là điều thiếu khôn ngoan.

Nguyễn Tông Trạch nói các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ đã vượt quá những gì được phép trong luật quốc tế và Úc không nên làm theo. Vị này nói không thể tiên liệu trước Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào nếu Úc diễn tập về tự do hàng hải ở Biển Đông.

Nguyễn nói với Sky News: “Sẽ là một việc thiếu khôn ngoan, sai trái và rất tai hại cho Úc khi tham gia cuộc diễn tập nguy hiểm như vậy. Quý vị chọn một quan điểm thách thức chủ quyền của Trung Quốc”.

Vị này còn nói Trung Quốc công nhận Úc là một đồng minh thân cận của Mỹ. Tuy nhiên, theo ông, “không phải lúc nào Mỹ cũng đúng”. Ông nêu ra ví dụ rằng một cuộc điều tra của Anh về chiến tranh Iraq cho thấy Mỹ mắc nhiều sai lầm.

Nguyễn Tông Trạch cảnh báo: “Sẽ thật nguy hiểm đối với Mỹ và có thể đối với đồng minh của họ khi theo đuổi một hành vi rất khiêu khích được gọi là diễn tập về tự do hàng hải”.

Bất chấp Trung Quốc phản đối, Liên hiệp châu Âu (EU) đã có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh ASEM cuối tuần qua. Chủ tịch Donald Tusk nói với báo chí, Liên hiệp châu Âu sẽ tiếp tục đòi hỏi phải tôn trọng luật pháp quốc tế, và ông hoàn toàn tin tưởng vào Tòa án quốc tế cũng như các phán quyết của tòa.

Trung Quốc gây áp lực lên các nước ASEAN để khối các nước Đông Nam Á không thể ra được thông cáo chung về phán quyết của Tòa Trọng Tài. Mỹ, Nhật Bản, Úc và các nước khác cương quyết yêu cầu Bắc Kinh nghiêm chỉnh, tôn trọng phán quyết của tòa quốc tế.