Tân Hoa xã ngày 26/4 dẫn nguồn tin từ Hàn Quốc cho hay, sáng cùng ngày quân đội Mỹ tại Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai toàn diện hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, vận chuyển phần lớn hệ thống này, gồm 6 xe phóng cùng với tên lửa đánh chặn đến sân golf Seongju.
Theo trợ lý nghiên cứu Lưu Thiên Thông, Phòng nghiên cứu bán đảo Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, hiện nay hầu như không còn khả năng dừng triển khai THAAD ở Hàn Quốc.
Thứ nhất, về kỹ thuật, quân đội Mỹ đã vận chuyển những bộ phận cốt lõi của hệ thống THAAD đến sân golf Seongju như radar điều khiển hỏa lực, xe phóng tên lửa đánh chặn, trạm chỉ huy kiểm soát tác chiến.
Khu vực triển khai THAAD có địa hình bằng phẳng, chỉ cần lát bê tông, tiến hành kết nối 3 bộ phận lớn với nhau là có thể cơ bản hoàn thành triển khai THAAD, sơ bộ hình thành sức chiến đấu.
Về phần cứng, hiện nay, tiến độ triển khai THAAD đã hoàn thành trên 95%, phần việc còn lại sẽ không khó, cũng dễ dàng và nhanh chóng hoàn thành triển khai.
Thứ hai, đối với Mỹ, hành động triển khai bất ngờ "vào ban đêm" của Mỹ nhằm tránh những tiếng nói phản đối từ nội bộ Hàn Quốc, công tác triển khai nhanh chóng giúp cho THAAD được đưa vào vị trí một cách triệt để.
Mỹ lo ngại một khi cuộc bầu cử trong tháng tới dẫn đến thay đổi chính quyền ở Hàn Quốc thì thế lực "trung tả" sẽ lên nắm quyền, dư luận nội bộ Hàn Quốc sẽ chuyển hướng, việc triển khai THAAD có thể là "đêm dài lắm mộng".
Vì vậy, Mỹ tranh thủ thời gian triển khai THAAD một cách nhanh chóng, tạo ra "sự đã rồi". Điều này sẽ làm cho nội bộ Hàn Quốc dễ chấp nhận hơn sau này.
Thứ ba, đối với Hàn Quốc, hiện nay, chính quyền Thủ tướng kiêm quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn kế thừa tính "bảo thủ" của bà Park Geun-hye, ủng hộ Mỹ sớm triển khai THAAD ở Hàn Quốc.
Theo Tân Hoa xã, muốn cởi dây thì phải tìm người buộc dây. Khu vực Đông Bắc Á có duy trì được hòa bình và ổn định hay không, điều quan trọng là tùy thuộc vào thiện chí của Mỹ.
Các vướng mắc hoàn toàn không phải không thể giải quyết, nhưng Trung Quốc cần phải thực thi song song giữa cứng rắn và mềm mỏng.
Theo nhà nghiên cứu Vương Tuấn Sinh, Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu, Viện khoa học xã hội Trung Quốc, việc khởi động toàn diện triển khai THAAD còn có thể dừng lại hay không? Về lý thuyết là có thể được.
Thứ nhất là trước đây từng có trường hợp tương tự, ví dụ điển hình nhất là rất nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ đã được đưa tới Hàn Quốc trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng họ đã rút đi khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Thứ hai là hiện vẫn chỉ có một bộ phận THAAD được vận chuyển đến Hàn Quốc, nhưng để hình thành một hệ thống tác chiến, có thể ít nhất cần đến thời gian 1 năm, quá trình này sẽ tồn tại "biến số".
Muốn giải quyết vấn đề THAAD, Trung Quốc vẫn cần đồng thời nỗ lực trong quan hệ với cả Mỹ và Hàn Quốc. THAAD triển khai ở Hàn Quốc không chỉ là ý chí của Mỹ, mà còn có phần chủ động của Hàn Quốc. Không có sự phối hợp của Hàn Quốc thì Mỹ đương nhiên không thể thực hiện được.