Kích thích tiêu dùng, phục hồi kinh tế, thúc đẩy tỷ lệ sinh
Trong một bản tin độc quyền được công bố hôm 26/9, Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết Bộ Tài chính Trung Quốc có kế hoạch phát hành 1 nghìn Nhân dân tệ (NDT) trái phiếu kho bạc đặc biệt, chủ yếu để kích thích tiêu dùng và trợ cấp cho việc đổi mới lấy cũ sản phẩm tiêu dùng và nâng cấp các thiết bị lớn. Mục đích nhằm kích thích tiêu dùng và giải quyết vấn đề phục hồi kinh tế yếu kém sau đại dịch COVID-19.
Một phần quỹ từ khoản trái phiếu quốc gia đặc biệt cũng sẽ cung cấp khoản trợ cấp khoảng 800 NDT/tháng (khoảng 114 USD) cho mỗi trẻ em trong các gia đình có 2 con trở lên, nhưng khoản trợ cấp này không bao gồm đứa con đầu lòng. Khoản trợ cấp này được cho là nhằm kích thích các cặp vợ chồng sinh thêm con.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng có kế hoạch phát hành thêm 1 nghìn tỉ NDT thông qua việc phát hành riêng trái phiếu chính phủ đặc biệt để giúp chính quyền các địa phương giải quyết vấn đề nợ nần và giảm bớt áp lực mất cân đối thu chi.
Nguồn tin nói rằng dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo quốc gia, Bộ Tài chính và nhiều cơ quan chính phủ gần đây đã nghiên cứu các biện pháp kích thích tài chính mới để vực dậy nền kinh tế. Một số biện pháp tài chính có thể được công bố sớm nhất trong tuần này.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp để đối phó với áp lực giảm phát cao và tình trạng kinh tế tiếp tục trì trệ.
Reuters chỉ ra rằng, cho đến nay hầu hết các kế hoạch kích thích tài chính của Trung Quốc chỉ giới hạn ở việc mở rộng đầu tư, nhưng tác dụng phản hồi từ đầu tư là không đáng kể, đồng thời việc mở rộng đầu tư cũng khiến chính quyền các địa phương gánh khoản nợ lên tới 13 nghìn tỉ NDT. Tiêu dùng hộ gia đình của Trung Quốc hiện chỉ chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với mức trung bình toàn cầu.
Hai nguồn tin cho Reuters biết một số biện pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy nền kinh tế có thể được công bố ngay trong tuần này. Họ nói nói với điều kiện yêu cầu giấu tên vì không được phép phát ngôn với giới truyền thông.
Theo Tân Hoa Xã, ngày 26/9, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị tại Bắc Kinh để “phân tích và nghiên cứu tình hình kinh tế hiện nay và công tác kinh tế”.
Tân Hoa Xã cho biết, hội nghị Bộ Chính trị đã tái khẳng định nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay, đồng thời “chặn đứng và ổn định trở lại” thị trường bất động sản đang lao dốc.
“Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng điều chỉnh ngược chu kỳ của các chính sách tài chính và tiền tệ cũng như đảm bảo các hướng dẫn tài chính cần thiết”, theo Tân Hoa Xã.
Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc cũng yêu cầu "phát hành và sử dụng trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu hạn và trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương để phát huy tốt hơn tác dụng thúc đẩy đầu tư của chính phủ".
Reuters chỉ ra rằng, do thị trường bất động sản trì trệ và thiếu hụt niềm tin tiêu dùng, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện bước phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt nhằm cung cấp các kích thích mới cho nền kinh tế nhằm đối phó với áp lực giảm phát mạnh và khả năng mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế 5% trong năm nay có thể không đạt được.
Nhiều biện pháp kích thích kinh tế phát triển được triển khai
Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm 24/9 đã công bố gói kích thích lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ tiền gửi ngân hàng 0,5 điểm phần trăm, hạ các lãi suất chính sách khác nhau, đưa ra các biện pháp ưu đãi mua nhà lớn hơn và có kế hoạch xem xét thành lập quỹ bình ổn chứng khoán.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) ngày 24/9 cũng đã đưa ra một thông báo nói rằng để duy trì tính thanh khoản hợp lý và đầy đủ trong hệ thống ngân hàng, PBC đã triển khai hoạt động cho một số tổ chức tài chính vay trung hạn (MLF) tổng số tiền trị giá 300 tỉ NDT (42,66 tỉ USD) với kỳ hạn một năm và lãi suất trúng thầu đã được điều chỉnh từ 2,30% của tháng trước xuống 2,00%.
Reuters chỉ ra rằng các biện pháp kích thích và cắt giảm lãi suất liên tiếp được chính phủ Trung Quốc đưa ra thực sự đã làm tăng nhẹ tâm lý mua hàng trên thị trường, nhưng dân chúng vẫn kỳ vọng chính phủ trong tương lai sẽ đưa ra thêm các kế hoạch kích thích tài chính mới.
Hai nguồn tin nói với Reuters rằng dưới sự chỉ đạo của các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, Bộ Tài chính Trung Quốc và một số cơ quan chính phủ liên quan khác đã xây dựng các gói kích thích tài chính trong những tuần gần đây để vực dậy nền kinh tế.
Ngoài việc phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt để kích thích tiêu dùng, chính phủ Trung Quốc còn có kế hoạch tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo từng giai đoạn, chẳng hạn như trợ cấp việc làm và miễn giảm thuế để giảm chi phí hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Chúng tôi kỳ vọng trong những tháng tới sẽ có thêm hỗ trợ tài chính cho tiêu dùng bất động sản và phúc lợi xã hội. Chúng tôi chưa nghĩ đây là thời điểm 'tất cả hoặc không có gì', nhưng điều đó chắc chắn cho thấy rằng Bắc Kinh đang xem xét giảm phát một cách nghiêm túc và đang xem xét tất cả mọi sự lựa chọn" - Nhóm nghiên cứu do ông Hình Tự Cường (Xing Ziqiang), nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc hàng đầu tại Morgan Stanley dẫn đầu, đã chỉ ra trong một thông báo nghiên cứu được công bố hôm 26/9.
Ngày 26/9, Bloomberg cũng đưa tin chính phủ Trung Quốc đang xem xét bơm vốn lên tới 1 nghìn tỉ NDT cho một số ngân hàng quốc doanh lớn thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt để tăng cường khả năng hỗ trợ nền kinh tế đang trì trệ của các ngân hàng này.
Già hóa dân số: Trung Quốc khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động tình nguyện cộng đồng
Lệnh cấm công nghệ ô tô kết nối: Vũ khí mới của Mỹ trong cuộc chiến chống xe điện Trung Quốc
Mỹ sắp cấm phần mềm xe hơi của Nga và Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia
Theo Singtao, VOA