Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7/2023 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc cũng giảm 4,4% trong cùng giai đoạn.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, Trung Quốc ghi nhận cả CPI và PPI cùng giảm. Nền kinh tế Trung Quốc từng trải qua một giai đoạn giảm phát ngắn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 do sự lao dốc của giá thịt lợn.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc chậm lại khi nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu. Các nhà chức trách đã đưa ra một loạt biện pháp chính sách để hỗ trợ nền kinh tế, và dự kiến sẽ còn nhiều biện pháp được công bố trong thời gian tới.
Giá tiêu dùng sụt giảm càng gây lo ngại hơn, khi áp lực giảm phát gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chững lại do suy thoái bất động sản kéo dài và xuất nhập khẩu giảm.
Tuy nhiên, các nhà chức trách đã xoa dịu những lo ngại về giảm phát. Liu Guoqiang, phó thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc, tháng trước cho biết sẽ không có rủi ro giảm phát ở Trung Quốc trong nửa cuối năm, nhưng lưu ý rằng nền kinh tế cần thời gian để trở lại bình thường sau đại dịch.
Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu lạm phát tiêu dùng ở mức khoảng 3% trong năm nay, tăng từ mức 2% ghi nhận trong năm 2022.
Dù chính quyền đã tung ra các gói kích thích kinh tế, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất ở Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng trong bối cảnh thị trường nhà ở suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao ở người trẻ./.
Giá gạo thế giới tăng lên mức cao nhất trong 12 năm, truyền thông Trung Quốc trấn an người dân
Kiểu du lịch "nằm yên" kỳ lạ trở thành xu hướng của giới trẻ Trung Quốc
Cổ phiếu của hãng chip lớn thứ hai Trung Quốc Hua Hong tăng 13% sau khi chào sàn tại Thượng Hải
Nguồn tham khảo: Nikkei