Đối với tiến triển của chương trình tàu sân bay Type 001A, ngày 25/8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tá Ngô Khiêm cho biết tiến triển chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc thuận lợi, đang được thúc đẩy theo kế hoạch.
Ngoài ra, theo tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông ngày 23/8, đầu tháng 8 tiếp tục có thêm một tốp 16 phi công lái máy bay chiến đấu J-15 (trang bị cho tàu sân bay Trung Quốc) nhận được giấy chứng nhận bay.
Đây là một phần của kế hoạch tăng cường sức chiến đấu tàu sân bay của Quân đội Trung Quốc.
Như vậy, hiện nay, Hải quân Trung Quốc có ít nhất 40 phi công lái máy bay tàu sân bay. Trước đó, 5 tốp với hơn 20 phi công đã được huấn luyện.
16 phi công mới sẽ giúp đẩy nhanh việc xây dựng lực lượng chiến đấu cho tàu sân bay nội đầu tiên Type 001A.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, ngoài tàu sân bay Type 001A, công tác chế tạo tàu khu trục Type 052D, loại tàu hộ tống chủ yếu của tàu sân bay cũng đang được đẩy nhanh.
Trung Quốc sẽ hạ thủy tàu sân bay nội đầu tiên vào cuối năm
Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản ngày 24/8 cho rằng tàu sân bay nội đầu tiên của Trung Quốc đang chế tạo ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh sẽ hạ thủy trong năm nay.
Nhiều nguồn tin quân đội đã xác nhận thông tin này.
Từ những hình ảnh tàu sân bay chụp được vào đầu tháng 8 xác nhận đường băng kiểu nhảy cầu dùng cho máy bay chiến đấu cất cánh đã cơ bản hoàn thành. Sau đó, việc thi công cơ bản của bộ phận đường băng kết thúc.
Đây là tàu sân bay thứ hai của Quân đội Trung Quốc. Chiếc đầu tiên có tên là Liêu Ninh, cải tạo từ tàu sân bay Varyag mua của Ukraine.
Tàu sân bay nội đầu tiên của Trung Quốc có lượng giãn nước 50.000 tấn, thuộc loại nhỏ, sử dụng động cơ thông thường chứ không phải động cơ hạt nhân.
Như vậy, kích cỡ của tàu sân bay nội đầu tiên Trung Quốc cơ bản tương đồng với tàu sân bay Liêu Ninh, thiết kế cơ bản mô phỏng tàu Liêu Ninh. Tàu sân bay sẽ chở máy bay chiến đấu chủ lực J-15.
Cuối năm 2015, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức thừa nhận đang chế tạo tàu sân bay thứ hai, nhưng sau đó hoàn toàn không công khai tình hình tiến triển.
Sau khi kết thúc thi công cơ bản bộ phận đường băng, Ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Bộ trưởng Tổng bộ Trang bị, Thượng tướng Trương Hựu Hiệp ngày 6/8 đã thị sát hiện trường chế tạo tàu sân bay.
Sau khi hạ thủy, tàu sân bay sẽ tiếp tục lắp ráp thiết bị bên trong, dự kiến 1 - 2 năm sau sẽ bàn giao cho Hải quân Trung Quốc. Do còn phải tiến hành huấn luyện máy bay, tàu sân bay này phải mất vài năm mới có thể tham gia chiến đấu.
Rất nhiều người cho rằng tàu sân bay sẽ triển khai ở quân cảng đảo Hải Nam, khu vực phía bắc Biển Đông.
Chuẩn Đô đốc Doãn Trác, học giả Trung Quốc cho rằng nếu không có tàu sân bay của mình thì cái gọi là "quyền lợi " của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông khó có thể bảo đảm có hiệu quả.
Có tin cho rằng Trung Quốc còn đang chế tạo tàu sân bay thứ ba ở Thượng Hải, nhưng Trung Quốc hiện còn chưa chính thức công bố.
Có người cho rằng tàu sân bay thứ ba sẽ lắp máy phóng. Đây là thiết bị giúp máy bay nhanh chóng cất cánh có trên tàu sân bay Mỹ. Khoảng cách cất cánh ngắn làm cho đường băng có thể chở nhiều máy bay hơn.
Có người cho rằng, trong tương lai không xa, Trung Quốc sẽ chế tạo 4 - 6 tàu sân bay. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc không ngừng tăng lên, phương án ngân sách quốc phòng năm 2016 đạt 954,3 tỷ nhân dân tệ, tăng 7,6% so với năm trước.
Sách trắng quốc phòng do Trung Quốc công bố năm 2015 đưa ra phương châm mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân, điều chỉnh chính sách "phòng thủ duyên hải". Trung Quốc còn đang đẩy nhanh tăng cường hải, không quân.
Tuy nhiên, để sử dụng thực tế tàu sân bay, phải đào tạo phi công lái máy bay trên tàu chiến. Trung Quốc còn phải tổ chức lực lượng phụ trách đội tàu hộ tống tàu sân bay.
Rất nhiều người cho rằng, lực lượng tàu sân bay Trung Quốc đưa vào chiến đấu thực tế vẫn cần có thời gian.
Trung Quốc sẽ sở hữu 6 tàu sân bay vào năm 2025?
Tờ Want Daily Đài Loan ngày 27/7 dẫn tờ The Huffington Post cho rằng Hải quân Trung Quốc có kế hoạch sở hữu 6 tàu sân bay vào năm 2025, trong đó có 2 tàu sân bay động cơ hạt nhân.
Mặc dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc còn có khoảng cách không nhỏ so với Mỹ, nhưng nếu tàu sân bay nội Trung Quốc bắt đầu chính thức đi vào hoạt động, khoảng cách này sẽ thu hẹp rất lớn.
Đây là nguyên nhân Mỹ theo dõi chặt chẽ các động thái đóng tàu gần đây của Trung Quốc.
Tờ Thời báo New York Mỹ cho rằng việc chế tạo tàu sân bay Type 001A sẽ giúp Quân đội Trung Quốc tiến gần hơn đến thực hiện mục tiêu của họ, đó là tuyên bố “yêu sách lãnh thổ” ở khu vực cách xa Bắc Kinh, trở thành nước lớn có thể khẳng định vai trò ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ có hệ thống cất cánh phóng bằng hơi nước tương đối ưu việt, còn tàu sân bay Type 001A với đường băng cất cánh kiểu nhảy cầu sẽ làm giảm lượng vũ khí và nhiên liệu mang theo.