Tờ South China Morning Post, Hồng Kông ngày 26/8 đưa tin, một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói, PLA đã phóng hai quả tên lửa vào Biển Đông vào rạng sáng ngày 26, trong đó có một quả loại "sát thủ tàu sân bay" DF-21D, nhằm gửi một cảnh báo rõ ràng tới Mỹ.
Nguồn tin cho biết, tên lửa đã rơi xuống vùng biển giữa đảo Hải Nam và Hoàng Sa. Một quả tên lửa DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải ở tây bắc Trung Quốc, trong khi 1 tên lửa DF-21D khác được phóng từ tỉnh Chiết Giang ở phía đông tới.
Ông Marshall Billingslea, Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về các vấn đề kiểm soát vũ khí, đã viết trên Twitter: “Nếu Trung Quốc nghĩ rằng việc phóng tên lửa đạn đạo theo một cách nào đó sẽ đe dọa Mỹ và các đồng minh của chúng ta, đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”.
Ngoài ra, Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Scott D. Conn ngày 27/8 nói với các phóng viên khi trả lời các câu hỏi về vụ thử tên lửa của PLA: "Nếu họ hành xử phù hợp với luật pháp và chuẩn mực quốc tế, họ có quyền để làm như vậy”.
Sơ đồ vụ PLA phóng tên lửa đạn đạo tới Biển Đông sáng 26/8 (Ảnh: East Pendulum).
|
Ông Conn nói rằng Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào ở Biển Đông. Ông cũng nói: "Nếu tất cả các hoạt động quân sự đều chuyên nghiệp, chúng ta có thể đưa một tàu chiến đến cùng một vùng biển (thử nghiệm)”.
Về vấn đề này, tạp chí khoa học và công nghệ của Mỹ Popular Mechanic đã đưa tin với tiêu đề "Trung Quốc phóng thử tên lửa ‘sát thủ diệt tàu sân bay’ tới Biển Đông để cảnh cáo Mỹ”, viết rằng cả DF-26B và DF-21D đều là tên lửa đạn đạo chống hạm, trong đó DF-21D có tầm bắn 1.800 km, còn DF-26B có thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách 4.000 km.
Theo bài viết, tầm bắn cực xa của DF-26 có nghĩa là trong một cuộc chiến tranh, bất kỳ tàu sân bay nào của Mỹ muốn tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc đại lục đều phải chấp nhận nguy cơ khá lớn. Do đó, Hải quân Mỹ đang nỗ lực để tăng tầm hoạt động của các máy bay trên tàu sân bay.
Hành động phóng tên lửa đạn đạo nói trên của Trung Quốc còn khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Nhật Bản tối ngày 27/8 đã nghiêm khắc phê phán Trung Quốc.
Theo báo Mainichi Shimbun, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga tại cuộc họp báo ngày 27/8 khi trả lời về vụ thử tên lửa của Trung Quốc ở Biển Đông, đã nói: “Chúng tôi lo ngại và quan tâm theo dõi các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ hành động nào làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng và chúng tôi hy vọng sẽ cùng với cộng đồng quốc tế do Mỹ đại diện để bảo vệ vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình”.
Ông Yoshihide Suga cũng cho biết: "Nhật Bản luôn ủng hộ pháp quyền trên biển. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế". Ông yêu cầu các nước liên quan, trong đó có Trung Quốc, tôn trọng phán quyết của Vụ án trọng tài Biển Đông năm 2016, đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông Yoshihide Suga: Chúng tôi lo ngại và quan tâm theo dõi các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ hành động nào làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng...(Ảnh: Reuters).
|
Ngoài ra, trước sự phản đối của Trung Quốc đối với sự can dự của các nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Mỹ vào vấn đề Biển Đông, ông Yoshihide Suga nói: "Vấn đề Biển Đông liên quan đến hòa bình và ổn định của khu vực, cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, hiển nhiên cần quan tâm đúng mức”.
Một người của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/8 cho biết Trung Quốc đã phóng thử 4 tên lửa đạn đạo tầm trung từ lục địa Trung Quốc tới Biển Đông trong cùng ngày 26 và các tên lửa này đã rơi xuống vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, tờ SCMP của Hồng Kông ngày 26/8 dẫn lời một người thân cận với quân đội Trung Quốc nói PLA đã phóng thử 2 tên lửa tầm trung vào Biển Đông.Một quả là DF-26, được phóng từ tỉnh Thanh Hải ở nội địa Trung Quốc, với tầm bắn tới đảo Guam của Mỹ. Tên lửa còn lại là DF-21D, được phóng từ tỉnh Chiết Giang.
Tờ SCMP cũng dẫn lời một nguồn tin: "Đây là động thái đáp trả trước tần suất xâm phạm Biển Đông ngày càng tăng của máy bay quân sự và tàu chiến Mỹ”.
Lấy cớ diễn tập quân sự, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc đã tuyên bố phong tỏa vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam từ ngày 24 đến 29/8. Tên lửa được thử nghiệm rơi xuống vùng biển này.
PLA cũng đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Hoàng Hải và Bột Hải. Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25/8 ra tuyên bố cáo buộc máy bay do thám của Mỹ đã xâm phạm vùng cấm bay do Trung Quốc thiết lập trên không phận khu vực diễn tập.