Trung Quốc phát hiện hơn 200 tổ chức tài chính bị giả mạo để lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo Tân Hoa xã, nhiều tổ chức tài chính, trong đó có các công ty chứng khoán và quỹ đã thường xuyên bị kẻ xấu giả mạo để lừa đảo; thậm chí một số cơ quan quản lý cũng bị mạo danh.

Từ đầu năm đến nay đã có hơn 200 tổ chức tài chính Trung Quốc bị kẻ xấu làm giả, mạo danh để lừa đảo (Ảnh: Sina)
Từ đầu năm đến nay đã có hơn 200 tổ chức tài chính Trung Quốc bị kẻ xấu làm giả, mạo danh để lừa đảo (Ảnh: Sina)

Tân Hoa xã ngày 5/9 dẫn trang web của Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc, kể từ đầu năm 2023 tới nay hơn 200 tổ chức đã đưa ra thông báo bị giả mạo. Theo cảnh báo của cơ quan quản lý, các biểu hiện vi phạm làm giả hiện nay chủ yếu bao gồm mạo danh nhân viên của các tổ chức để công bố quan điểm, mạo danh nhân viên của tổ chức để cung cấp dịch vụ chứng khoán bất hợp pháp, mạo danh tên hoặc trang web công ty để quảng cáo sai sự thật, cung cấp ứng dụng giả để lôi kéo nhà đầu tư chuyển tiền...

Về bản chất, đây là hoạt động chứng khoán bất hợp pháp để giới thiệu khuyến nghị cổ phiếu bất hợp pháp, giả mạo phát hành "cổ phiếu gốc", huy động vốn bất hợp pháp...

Nhiều cơ quan phân tích cũng bị giả danh

Lý Cửu, nhà phân tích trưởng chứng khoán điện tử tại Công ty Chứng khoán Đông Bắc, cho biết trên nhóm WeChat: "Biên bản cuộc phỏng vấn với giám đốc điều hành của Chứng khoán điện tử Đông Bắc đang lưu hành trên mạng không phải là ý kiến ​​​​của tôi. Chúng được những người khác tạo ra mà không có sự xem xét hay đồng ý của tôi. Tôi không đảm bảo nội dung của nó, tôi cũng chưa bao giờ tham gia vào các cuộc trao đổi liên quan dưới hình thức phỏng vấn; tôi đã tố cáo khiếu nại với công ty và nhóm liên quan".

Ông Lâm Vinh Hùng, chiến lược gia trưởng của Essence Securities, gần đây cũng đưa ra một tuyên bố trên WeChat nói rằng tài khoản Weibo có tên "Nhà phân tích Lâm Vinh Hùng" đang mạo danh ông. Được biết, tài khoản "Nhà phân tích Lâm Vinh Hùng" giả mạo ông trên Weibo này hiện có tới 50.000 người theo dõi.

Tai khoan ba Cat Lan bi lam gia.jpg
Bà Cát Lan, Giám đốc Quỹ Trung Âu bị giả mạo tài khoản mạng xã hội đưa ra những quan điểm sai lệch (Ảnh: Yicai).

Trước đó, bức ảnh chụp màn hình giao diện tài khoản mang tên bà Cát Lan, Giám đốc quỹ Trung Âu (Zofund) đăng tải trên mạng cũng thu hút sự chú ý của thị trường. Một người dùng có tên là "Trung Âu Cát Lan" đã đăng một ý kiến ​​​​trên nền tảng mạng xã hội, chỉ ra rằng với sự "mua sắm tập trung" lặp đi lặp lại, ngành nghề "đã mất đi tính logic". Quỹ Trung Âu sau đó tuyên bố rằng "Trung Âu Cát Lan" trong ảnh chụp màn hình không phải là của bà Cát Lan mà là một tài khoản giả mạo. "Nguồn lan truyền ban đầu là trên Douyin. Hiện nay tên tài khoản đã được thay đổi, nhưng vẫn còn có nhiều tài khoản giả mạo khác và đang được xử lý từng cái một", một người từ Quỹ Trung Âu cho biết.

Lục Bân, Giám đốc của một quỹ đầu tư thuộc HSBC Jintrust, cũng bị mạo danh và thậm chí còn bị dùng tên này để tổ chức các buổi phát sóng trực tiếp nhằm giảng dạy cung cấp tư vấn cho các lớp học đầu tư và giới thiệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư.

Hơn 20 tổ chức đưa ra cảnh báo trong tháng 8

Kể từ đầu năm nay, tình trạng giả mạo các công ty chứng khoán, công ty quỹ xảy ra thường xuyên. Đánh giá về các hiện tượng bất hợp pháp, chúng cụ thể bao gồm sử dụng tên của nhân viên các tổ chức để cung cấp dịch vụ chứng khoán bất hợp pháp, sử dụng tên hoặc trang web công ty để quảng cáo sai sự thật và cung cấp các ứng dụng giả mạo để lôi kéo các nhà đầu tư chuyển tiền...

Theo trang web của Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc, tính đến ngày 31/8, hiệp hội này trong năm nay đã công bố 242 thông báo cảnh báo về việc các nhà môi giới chứng khoán và nhân viên bị làm giả. Trong số đó, riêng tháng 8 có 17 công ty chứng khoán đã đưa ra 26 cảnh báo mạo danh, trong đó có Huajin Securities, Changjiang Securities, CITIC Securities, Huafu Securities, Industrial Securities...Trong số các công ty quỹ, có hơn 5 quỹ, bao gồm E Fund Management và Fullgoal Fund…đã nhiều lần đưa ra thông báo mạo danh, một số nhà quản lý quỹ nổi tiếng cũng bị mạo danh.

Cụ thể, Huajin Securities mới đây đưa ra thông báo cho biết công ty đã phát hiện tội phạm giả dạng nhân viên công ty và thực hiện các hoạt động chứng khoán bất hợp pháp bằng cách dụ dỗ nhà đầu tư vào nhóm chat QQ và cung cấp cho nhà đầu tư các App giả mạo để dụ dỗ nhà đầu tư chuyển tiền và tham gia giao dịch chứng khoán, tiến hành hoạt động chứng khoán phi pháp.

Huajin Securities cũng liệt kê một số ảnh chụp màn hình về những hoạt động giả mạo thực hiện các hoạt động chứng khoán trái phép; bao gồm phần mềm giả mạo, giả mạo nhân viên dịch vụ khách hàng để thực hiện các hoạt động chứng khoán trái phép...Huajin Securities tuyên bố rằng công ty chưa bao giờ ủy thác cho các cá nhân hoặc tổ chức không phải là công ty môi giới chứng khoán thực hiện các hoạt động dịch vụ và chào mời nhà đầu tư; bất kỳ người nào giả danh công ty hoặc nhân viên để cung cấp dịch vụ mở tài khoản đều là hành vi phạm pháp.

Trước đó, Quỹ ICBC Credit Suisse cũng thông báo một số tội phạm đã sử dụng tên nhân viên của Quỹ ICBC để kiếm lợi bất hợp pháp bằng cách cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán thông qua trang web, WeChat, QQ, Douyin và các kênh khác, đồng thời sử dụng tên, trang web của công ty để tuyên truyền sai sự thật, gây quỹ trái phép và lừa gạt chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Hành vi giả mạo có dấu hiệu phạm pháp

Điều đáng chú ý là, ngoài các tổ chức tài chính, các tổ chức bị làm giả còn có Hiệp hội Quỹ đầu tư chứng khoán Trung Quốc, Công ty TNHH China Securities Depository and Clearing Corporation (CSDC) và các cơ quan quản lý khác.

Ngày 17/8, Hiệp hội Quỹ đầu tư chứng khoán Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố cho biết hiệp hội gần đây đã chú ý đến việc một số tội phạm đã giả mạo con dấu, tài liệu chính thức của hiệp hội, và sử dụng tên của hiệp hội để gửi các thông báo các biện pháp chế tài cho các tổ chức đầu tư cá nhân như phạt tiền, đóng cửa kênh rút tiền, hủy tài khoản hoặc “Quyết định xử lý kỷ luật”...

Hành vi như vậy có dấu hiệu phạm pháp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của hiệp hội, phá vỡ trật tự của thị trường vốn và ngành quỹ, đồng thời gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và đông đảo nhà đầu tư. Hiệp hội kịch liệt lên án các hành vi này.

Tang cuong quan ly xu ly cac truong hop gia mao.jpg
Trung Quốc tăng cường quản lý giám sát chống nạn mạo danh các tổ chức tài chính để lừa đảo trục lợi (Ảnh: Nbd).

Galaxy Securities trước đó cũng đưa ra cảnh báo quan trọng nhằm nhắc nhở các nhà đầu tư cảnh giác với tội phạm lợi dụng danh nghĩa cơ quan quản lý tài chính và CSDC để thực hiện các hoạt động chứng khoán bất hợp pháp. Gần đây, một số kẻ tội phạm đã giả danh cơ quan hoặc nhân viên quản lý tài chính và thực hiện hành vi lừa đảo dưới các chiêu bài "hoàn tiền thanh toán P2P", "loại bỏ báo cáo tín dụng xấu" và "thụ lý khiếu nại".

Theo danh sách đen mới nhất về các công ty chứng khoán giả mạo bất hợp pháp, các công ty tư vấn đầu tư chứng khoán và các tổ chức khác do Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc công bố, 9 trang web của tổ chức chứng khoán giả mạo bất hợp pháp, bao gồm Qiyuan.com, Niu Strategy và Radar Securities;18 nền tảng phân bổ vốn bất hợp pháp, bao gồm 98 Strategy, Second Securities, Paiwang; ngoài ra còn có 5 trang web di động chứa nội dung chứng khoán bất hợp pháp, trong đó có Zhongduanniuxunji trung và LongGedujialunshi...

Theo Caijing