Tờ The Daily Beast (Mỹ) gọi đây là hành động leo thang nguy hiểm và là lần đầu tiên Bắc Kinh gửi tàu vũ trang vào khu vực Tokyo tuyên bố chủ quyền.
Một trong ba tàu Trung Quốc nói trên đã được cải tiến để mang theo 4 khẩu pháo. Đó được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh không chỉ muốn chiếm quần đảo Senkaku (họ gọi là Điếu Ngư) mà còn nhăm nhe cả quần đảo Ryukyu, bao gồm đảo Okinawa quan trọng của Nhật Bản.
Về mặt địa lý, Okinawa đóng vai trò then chốt đối với liên minh Mỹ - Nhật Bản và là trung tâm của sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Đảo này tập trung hơn một nửa trong số 54.000 nhân viên quân sự Mỹ đồn trú ở Nhật.
Năm 2013, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh từ chối công nhận Okinawa và quần đảo Ryukyu thuộc về Nhật Bản. Kể từ khi tuyên bố chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 1971, Trung Quốc thường điều tàu và máy bay tới xung quanh khu vực này. Tần suất các hoạt động khiêu khích tăng vọt vào năm 2012 và giảm dần vào năm 2013.
Bằng cách lấn dần vào Senkaku, Trung Quốc cũng tiến từng bước tới Okinawa trong một thập kỷ qua, theo tờ báo Mỹ.
Nắm bắt được ý định của Trung Quốc, Nhật Bản đang tăng cường hệ thống phòng thủ ở các đảo xa trên biển Hoa Đông. Tokyo đang muốn xâu chuỗi 200 hòn đảo bắt đầu từ đảo Kyushu tới đảo Đài Loan tạo thành chuỗi phòng thủ dài hơn 1.400 km, bên cạnh việc triển khai lá chắn tên lửa chống máy bay và tàu.
Reuters cho biết đây là lần đầu tiên các quan chức Nhật Bản thừa nhận vành đai phòng thủ này nhằm mục đích đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 27-11, 11 máy bay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trong đó có 8 máy bay ném bom H-6K và 3 máy bay giám sát tình báo điện tử, đã tiếp cận quần đảo Ryukyu qua eo biển Miyako trước khi Nhật Bản thiết lập vành đai.
Thời báo Hoàn cầu hồi tháng 5-2013 nhận định quần đảo Ryukyu sẽ “cung cấp đòn bẩy cho Trung Quốc đạt được lợi thế trong việc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”. Nhưng chuyên gia Zhou Yongsheng của Đại học Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo nếu Bắc Kinh sử dụng vấn đề chủ quyền Ryukyu để giải quyết tranh chấp trên biển Hoa Đông, điều đó sẽ làm quan hệ Trung – Nhật bị phá hủy. “Nó sẽ trở thành khúc dạo đầu cho các hành động quân sự” – ông Zhou nói.
Trong trường hợp Trung Quốc cố giành lấy Ryukyu, cựu tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Dennis Blair nói với The Daily Beast rằng Bắc Kinh chắc chắn phải gây chiến với Washington bởi “chúng tôi đã cam kết bảo vệ Nhật Bản và Trung Quốc sẽ không thể nào chiếm được Ryukyu”.
Nhưng Trung Quốc không dừng lại ở đó. Đồng tác giả một bài bình luận trên tờ Nhân dân Nhật báo Zhang Haipeng khẳng định Hải quân Trung Quốc muốn xuyên qua chuỗi đảo Ryukyu và tiếp cận phía Đông Thái Bình Dương, tức khu vực sát bờ biển của Mỹ.
Theo NLĐ